Trong phần tranh tụng sáng nay (26/12), luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Vietinbank tuyên bố họ "hết sức ngạc nhiên và lo lắng" với quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng ngân hàng này có trách nhiệm bồi thường cho các đơn vị công ty, ngân hàng bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tiếp tục phần trình bày bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Vietinbank, luật sư Nguyễn Văn Trung nhắc lại: “Các kháng cáo cho rằng tiền đã vào tài khoản mở tại Vietinbank thì là tài sản của Vietinbank.
Vietinbank giao cho Huyền Như có trách nhiệm quản lí. Vì vậy, họ yêu cầu xử phạt Huyền Như về tội tham ô tài sản và Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong phần kết luận của VKS đã đồng tình với yêu cầu này. Vietinbank hết sức ngạc nhiên và lo lắng trước kết luận này của VKS”.
Luật sư của Vietinbank cũng viện dẫn các quy định tố tụng để cho rằng, HĐXX không có quyền xem xét tội danh tham ô tài sản đối với bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm. "Vì vậy, quan điểm luận tội của VKS về việc hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như phạm tội tham ô và buộc Vietinbank phải bồi thường, là không có cơ sở", luật sư Trung tuyên bố.
Các luật sư của Vietinbank cũng bảo lưu quan điểm Huyền Như có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa các tổ chức, cá nhân mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản tại Vietinbank. Các giao dịch này của Huyền Như với các tổ chức cá nhân trước khi chuyển tiền vào Vietinbank là giao dịch bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm đã bị xử lý hình sự bằng một bản án khác đã có hiệu lực pháp luật (vụ án “bầu” Kiên – PV).
Do đó, không thể cắt khúc vụ án, chỉ xem xét hành vi của Huyền Như sau khi tiền của các tổ chức, cá nhân đã được chuyển vào tài khoản của họ ở Vietinbank.
Đi vào cụ thể từng công ty, ngân hàng có yêu cầu đòi Vietinbank bồi thường, các luật sư của Vietinbank lần lượt trình bày quan điểm phản bác.
Với trường hợp của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, luật sư của Vietinbank cho rằng, công ty này đã giao dịch trực tiếp với Huyền Như bên ngoài trụ sở của Vietinbank. Bằng thủ đoạn cài bẫy lãi suất cao, lãi suất vượt trần, lãi suất chênh lệch, tiền chênh lệch, Huyền Như đã dẫn dụ Bảo hiểm Toàn cầu vào cái bẫy của mình để rồi chiếm đoạt tài sản”.
Luật sư Vietinbank cũng cho rằng Bảo hiểm Toàn cầu đã mắc những sai phạm trong vụ việc này. Lãnh đạo công ty Bảo hiểm Toàn cầu không thực hiện đúng pháp luật và điều lệ công ty khi sử dụng số tiền 125 tỷ đồng để ủy thác đầu tư mà không có quyết định đầu tư của Đại hội cổ đông, không có phương án đầu tư.
Tương tự đối với các công ty còn lại, luật sư Vietinbank cũng cho rằng họ không có trách nhiệm bồi thường. Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng Công ty Phương Đông đã có quan hệ giao dịch, vay mượn tiền với Huyền Như, thỏa thuận ngầm về tiền bạc từ rất lâu. Họ có mối quan hệ mật thiết từ trước nên chuyện công ty này tin tưởng Như và bị Như lừa một cách dễ dàng.
“Vietinbank không biết nội dung thỏa thuận ngầm với lãi suất cao vượt trần giữa cá nhân Huyền Như và Công ty Phương Đông. Vietinbank không cho phép huy động vốn vượt trần lãi suất và cũng không cho phép các chi nhánh được nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng, các đơn vị công ty là sân sau của những tổ chức tín dụng này”, luật sư Tám nói.
Đối với Ngân hàng Navibank, luật sư Nguyễn Văn Trung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank khẳng định, ngân hàng này có nhiều sai phạm trước khi mở tài khoản và chuyển tiền vào Vietinbank. “Về hình thức giấy tờ, Navibank cho nhân viên vay tiền để gửi Vietinbank lấy lãi cao và chênh lệch ngoài hợp đồng, họ hoàn toàn không tham gia giao dịch, không phải trả lãi tiền vay cũng không nhận được lãi tiền gửi. Hành vi này vi phạm quy chế vay vốn giữa các tổ chức tín dụng”, luật sư Trung trình bày.
Các luật sư của Vietinbank cho rằng bản án sơ thẩm buộc Huyền Như bồi thường cho các đơn vị công ty, ngân hàng là đúng pháp luật, phù hợp tình tiết khách quan vụ án.