Xử Huyền Như: Ngân hàng Navibank phản pháo viện kiểm sát

Xử Huyền Như: Ngân hàng Navibank phản pháo viện kiểm sát
TPO - Bước sang ngày thứ 2 phần tranh tụng, trong buổi sáng 25/12, đại diện Navibank đã phản pháo lại nội dung luận tội của đại diện VKS. Theo đó, Navibank yêu cầu hủy án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như tham ô 200 tỷ đồng, buộc Vietinbank phải bồi thường cho Navibank số tiền này. 

Bác kháng cáo

Đại diện VKS đã bác đơn kháng cáo của Navibank và 4 nhân viên Navibank về việc yêu cầu Vietinbank bồi thường 200 tỷ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt.

“Chứng cứ trong hồ sơ và kết quả xét hỏi công khai tại tòa phúc thẩm cho thấy, tương tự như trường hợp của Ngân hàng ACB, trước khi 4 nhân viên Navibank gửi tiền vào Vietinbank thì Navibank đã có chủ trương trái pháp luật, núp dưới hình thức cho nhân viên vay tiền để đem gửi vào Vietinbank lấy lãi suất chênh lệch.

Bốn nhân viên của Navibank nhận tiền từ Navibank trước, mở tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân rồi chuyển tiền vào tài khoản này, ký hợp đồng xong mang về hợp thức hóa bằng các hợp đồng tín dụng cho vay tiêu dùng giả tạo, không đúng quy định của pháp luật về cho vay”, đại diện VKS nói.

Xử Huyền Như: Ngân hàng Navibank phản pháo viện kiểm sát ảnh 1

Từ 7h30, các bị cáo đã được áp giải đến tòa để chuẩn bị xét xử. Ảnh Việt Văn.

Ngay từ khi mở tài khoản tiền gửi thanh toán, cả 4 nhân viên này đều không có mục đích mở và sử dụng cho nhu cầu cá nhân, chỉ với mục đích duy nhất là để Navibank chuyển tiền đầu tư trái phép vào.

Đại diện VKS khẳng định: “Họ chỉ đứng tên về mặt hình thức, họ hoàn toàn không có tiền để gửi và thực hiện các giao dịch từ tài khoản tiền gửi thanh toán đứng tên họ và tất cả đều đã biết rất rõ các khoản tiền này Navibank giao cho họ đem đi gửi tại Vietinbank là bất hợp pháp”.

Navibank phản pháo VKS

Không đồng tình với nội dung luận tội của đại diện VKS, luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Navibank), việc gửi tiền của 4 nhân viên Navibank là hoàn toàn hợp lệ, hợp pháp, vì đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết theo đúng đúng với thoả thuận với Vietinbank, cũng như đúng quy định của pháp luật và của Vietinbank.

Hồ sơ cũng như kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà phúc thẩm đã cho thấy rõ, một mình cá nhân Huyền Như không thể thực hiện được việc chuyển đổi thành thẻ tiết kiệm một cách sai trái, rồi sau đó đã mang các thẻ tiết kiệm thật về hình thức, giả về bản chất đó để cầm cố cho các khoản vay lừa đảo, trái hoàn toàn với thoả thuận và ý chí của ngưởi gửi tiền.

Xử Huyền Như: Ngân hàng Navibank phản pháo viện kiểm sát ảnh 2

Phiên tòa hôm nay tiếp tục phần tranh tụng. Ảnh Việt Văn.

Luật sư Đức khẳng định: “Lỗi chuyển đổi sai này hoàn toàn thuộc về Vietinbank, do vậy Vietinbank phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng gửi tiền theo quy định tại Điều 18 về “Bồi thường thiệt hại”, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về Hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải “có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại cho bên liên quan do vi phạm quy định hoặc thoả thuận giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.”

Đại diện VKS cho rằng, Navibank biết rất rõ những quy định về hoạt động và nghiệp vụ ngân hàng liên quan đến tiền gửi và hoàn toàn có khả năng kiểm tra, kiểm soát dòng tiền phi pháp dù đã được gửi vào Vietinbank nhưng những người được giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý các khoản tiền này vì động cơ, lợi ích cá nhân nên họ đã bỏ mặc, không quan tâm.

Xử Huyền Như: Ngân hàng Navibank phản pháo viện kiểm sát ảnh 3

Các bị cáo được cho tại ngoại. Ảnh Việt Văn.

“Ông Đoàn Đăng Luật sau khi nhận khoản tiền chênh lệch ngoài hợp đồng không quan tâm đến việc thực hiện hợp đồng tiền gửi như thế, tại sao lại kí hợp đồng gửi tiền với Vietinbank mà lại nhận tiền từ cá nhân Huyền Như và do nhân viên của Như giao, không có gì chứng minh là tiền do Vietinbank trả. Như vậy, việc mất tiền của Navibank xuất phát từ lỗi của lãnh đạo Navibank, Đoàn Đăng Luật và của các nhân viên Navibank tạo thuận lợi cho Như chiếm đoạt trót lọt, dễ dàng”, đại diện VKS luận tội.

Luật sư Đức cho rằng: “Toàn bộ số tiền huy động được của 4 nhân viên Navibank, đã được hạch toán ngay lập tức và đầy đủ vào các tài khoản tiền gửi của khách hàng, vào hệ thống số sách, nguồn vốn và tài sản của Vietinbank.

Vietinbank cũng đã tính và phải tính toán bảo đảm khả năng chi trả (khả năng thanh khoản) và đã đóng phí bảo hiểm tiền gửi đối với số tiền này. Hơn thế nữa, 200 tỷ đồng tiền gửi của 4 nhân viên Navibank không phải mới gửi, mà là tiền gửi tái tục, vì đã gửi trước đó tại Vietinbank Nhà Bè, rồi mới chuyển về Vietinbank chi nhánh TP.HCM, từ số tiền 500 tỷ đồng, đã được tất toán một cách hợp lệ 300 tỷ đồng”.

“Quan điểm VKS mâu thuẫn”

Tương tự như đại diện ACB, đại diện Navibank chỉ ra, về cơ bản, những gì sai sót đối với Navibank là giống với trường hợp của ít nhất 3/5 công ty Phương Đông, An Lộc, Chứng khoán, Hưng Yên và Toàn Cầu; những gì là sai trái của Vietinbank và những gì là sự hợp pháp, hợp lệ đối với 5 công ty cũng hoàn toàn giống với trường hợp của Navibank.

Tuy nhiên, 5 công ty này thì được VKS xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô tài sản của Vietinbank còn Navinbank lại vẫn là nguyên đơn dân sự. Như vậy, đó quan điểm xử lý mâu thuẫn, rất trái ngược nhau về bản chất pháp lý và sự việc thực tế.

Xử Huyền Như: Ngân hàng Navibank phản pháo viện kiểm sát ảnh 4

Bị cáo Huyền Như. Ảnh Việt Văn

Vị luật sư khẳng định: “Vietinbank đã nhận tiền gửi của 4 nhân viên Navibank một cách hợp lệ, hợp pháp, chứ không phải Huyền Như. Vietinbank đã chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm trái pháp luật, chứ không phải Huyền Như.

Vietinbank đã đưa thẻ tiết kiệm vào cấm cố trái pháp luật để bảo đảm tiền vay, chứ không phải là Huyền Như. Vietinbank đã khấu trừ tiền gửi trái pháp luật, chứ không phải là Huyền Như. Và vì thế theo đúng quy định của pháp luật, thì Vietinbank, chứ không phải Huyền Như, phải có trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên Navibank”.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).