Viết trước họng súng

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Danger!”. Đó là tiếng hét của người dẫn đường cảnh báo nguy hiểm khi thấy tôi giương ống kính máy ảnh định chụp hai toán lính mang sắc phục khác nhau với vẻ mặt đằng đằng sát khí và tay lăm lăm súng ống. Cùng với đó, anh đưa tay ngăn tôi lại để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra...

Sự kiện ấy và tiếng hét ấy diễn ra từ tháng 11 của sáu năm về trước nhưng đến giờ vẫn khiến tôi lạnh toát người khi nghĩ về nó.

Ngày ấy, chính quyền dân chủ của Liên bang Myanmar do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu mới tiếp quản đất nước trong một thời gian chưa lâu. Dù cuộc sống trên 57 triệu dân của quốc gia nhiều thập niên đóng cửa với thế giới bên ngoài này đang có nhiều đổi thay, song dấu tích và bóng dáng của chính quyền quân sự trước đó vẫn còn hiện diện khắp nơi. Trên các ngả đường nơi chúng tôi qua đều có những đồn bốt, boongke, hàng rào thép gai giăng.

Viết trước họng súng ảnh 1

Tác giả và cảnh sát Aung tại bang Kayin

Con đường từ thành phố Mawlamyine (thủ phủ bang Mawlamyine), dẫn đến Hpa-An (thủ phủ bang Kayin) hai bên phủ bóng cây mát rượi và nên thơ, nhưng nơi ấy đang ẩn chứa những con sóng ngầm. Khi vừa tiến đến địa phận Kayin, chúng tôi gặp phải mấy trạm gác liền kề và người trực trong các trạm gác có trang phục khác nhau. Thấy xe chúng tôi tiến đến, một người đàn ông trung niên mặc áo thun, quần Âu từ trong trạm gác đầu tiên bước ra và ra hiệu cho xe dừng lại để “làm luật”.

Khi xe vừa lăn bánh và chưa kịp đóng cửa thì một thanh niên đầu đội mũ lưỡi trai rằn ri, loại thường dùng của quân đội, áo thun tối màu và thân dưới quấn longyi (váy truyền thống của người Myanmar) màu xanh từ trong trạm gác cạnh đó nhào ra và tiếp tục “làm luật”. Người phụ xe phải miễn cưỡng đưa tiền cho họ. Thấy tôi ngạc nhiên, người dẫn đường-một người Myanmar có tên tiếng Anh là John, giải thích trạm đầu là của Chính phủ, thu tiền vào mục đích công. Trạm kế bên là…vô chính phủ.

Theo lời John, trước đây, ngoài quân đội liên bang, các bang còn có quân đội riêng. Trong đó, bang Kayin có lực lượng quân đội thuộc loại hùng hậu và có truyền thống chống lại quân đội liên bang. Từ khi chính quyền dân sự điều hành đất nước, rất nhiều quân nhân thuộc chính quyền quân sự trước đây nay bị thất nghiệp.

Tuy nhiên, họ vẫn còn nhiều thế lực trong cả Quốc hội lẫn đời sống bên ngoài. Trạm gác thứ hai là do các cựu binh sĩ quân đội bang Kayin dựng lên để làm tiền bất hợp pháp nhưng không ai làm gì được họ. Vì xung đột lợi ích, các lực lượng của chính phủ và vô chính phủ ở đây vẫn thường xuyên đụng độ.

Khi đến Bayin Nyi, chúng tôi gặp phải một trạm gác dã chiến với nhiều binh lính chốt chặn. Không rõ lý do gì, song những binh lính với hai sắc phục khác nhau mặt lạnh như băng, người đeo đầy đạn và tay lăm lăm súng ống. Tôi định giương máy chụp cảnh này nhưng đã bị ngăn lại...

Ở cố đô Yangon, chúng tôi tìm đến một chợ đêm trong thành phố để ăn khuya và cũng để tìm hiểu về đời sống người dân. Đoạn đường từ khách sạn đến đó không xa, nhưng đi lại khá khó khăn và hồi hộp bởi thường xuyên gặp các trạm gác hay lực lượng vũ trang đi tuần.

Trong khi đó, nhiều khu vực, đoạn đường trong thành phố tối om vì mất điện. Theo lời John, vì tình hình phức tạp, thường có các nhóm nổi dậy có vũ trang quấy phá nên an ninh được siết chặt và kiểm soát gắt gao về ban đêm. Mấy lần xe của chúng tôi cũng phải dừng lại để kiểm tra.

Lực lượng an ninh đếm từng người và luôn hỏi từ đâu đến, lý do đi ngoài đường vào giờ này. Ánh đèn pin loang loáng từ tay lực lượng kiểm soát luôn chĩa về phía người đi đường. Thi thoảng có những tiếng kêu rôm rốp của súng lên đạn, nghe lạnh sống lưng.

Viết trước họng súng ảnh 2

Ngay lúc đó, trong tôi chợt hiện lên hình ảnh nhà báo người Nhật Bản, nhiếp ảnh gia APF Kenji Nagai bị giết trong cuộc đàn áp quân sự ngay tại mảnh đất này hồi tháng 9/2007, tức chín năm trước. Tôi không khỏi liên tưởng đến số phận của mình. Tình hình hiện tại đã ổn định hơn rất nhiều so với khi chính quyền quân sự nắm quyền điều hành đất nước, nhưng xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không ai biết được chuyện “tên bay đạn lạc”.

Dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình đã định. Ít ngày sau đó, trên báo Tiền Phong đã đăng ký sự hai kỳ về Myanmar, kết quả của những ngày đi và viết trước họng súng.

Theo giải thích của John, đây là khu vực có nhiều bất ổn và họ có thể nổ súng bất cứ lúc nào nếu mình không tuân lệnh hoặc chỉ cần có hành động gì đó khiến họ hiểu nhầm, hoặc phật ý. Chúng tôi buộc phải quay đầu xe khi những họng súng đang chĩa về phía mình.

MỚI - NÓNG