Liên quan vụ vinh danh “Nhà thơ thế giới”:

Viết thêm về giải thưởng văn học thế giới Rahim Karim

TP - Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về “nhà thơ thế giới” T.T.N với các danh hiệu thật kêu và nghe khá lạ lẫm. Trong các bức ảnh mà nữ thi sĩ nọ đã đăng trên trang cá nhân và được nhiều FBker đăng lại, có hình ảnh tấm bằng chứng nhận bà được trao giải thưởng quốc tế Trái Tim Vàng của Qũy Thế giới mang tên nhà thơ Rahim Karim (Karimov).

Rahim Karim Karimov là ai?

Rahim Karim chính là cái tên gần đây mới được TPCN nhắc đến trong bài báo “Giải mã Giải Văn học Thế giới Rahim Karim 2022”, theo đó có tới 11 nhà văn nhà thơ Việt Nam được đề cử giải thưởng này.

Trước tiên, cần phải khẳng định đây là một giải thưởng văn học do một cá nhân tự lập ra và mang tên chính ông ta.

Trên trang cá nhân của ông Rahim Karim Karimov hôm 20/12 đã đăng đầy đủ danh sách cá nhân được đề cử “Giải thưởng văn học Thế giới” này. Thông thường, các giải thưởng văn học thường mang tên các nhà văn nhà thơ tên tuổi đã qua đời, như giải thưởng văn học Andersen, giải thưởng văn học Gogol…

Có lẽ đây là một trường hợp hy hữu trên thế giới, khi một nhà thơ nhà văn 62 tuổi không mấy tên tuổi tự lập ra một giải thưởng mang tên chính bản thân, và đề cử các hạng mục của giải thưởng này có tới mấy trăm người từ các quốc gia khác nhau. Kỳ lạ hơn, trong số này có đương kim Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres. Không biết ai đề cử ông? Chính trị gia xuất thân là cử nhân vật lý này đã có những tác phẩm thơ ca, văn xuôi nào để lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng văn học lần đầu tiên xuất hiện này? Và liệu ông có biết được điều đó hay không?

Theo dõi danh sách các hạng mục đề cử do ông Rahim Karim đưa ra thì thấy có Thơ ca cổ điển (357 người), Văn xuôi (26 người), Thơ hiện đại (76) người, ngoài ra còn có các hạng mục khác như Phê bình, Dịch thuật... Không biết Ban giám khảo của Giải thưởng này có bao nhiêu người, gồm những ai để có thể đọc và thẩm định hết được tác phẩm của trên 400 tác giả khắp thế giới viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Viết thêm về giải thưởng văn học thế giới Rahim Karim ảnh 1

Tổng thư ký LHQ António Guterres cũng được đề cử Giải thưởng văn học Thế giới Rahim Karim 2022.

Karimov đã tốt nghiệp Trường viết văn Gorky năm 1986. Lĩnh vực sáng tác của ông khá đa dạng, thơ, văn, dịch thuật, kịch bản và từng đạt một số giải thưởng, như Giải thưởng văn học quốc gia mang tên Moldo Niyaz, giải nhì Diễn đàn sách quốc tế Open Central Asia Book Forum & Lễ hội văn học - 2012 (Anh), huy chương bạc của Liên hoan văn học Á-Âu “LiFFt” (2017) ở Moskva… Liệt kê như vậy, để biết rằng Karimov cũng từng đoạt một số giải thưởng này nọ về văn chương, dù mới chỉ ở tầm quốc gia và khu vực.

Rahim Karim hóa ra chỉ là bút danh. Tên thật của ông này là Karimov Rahimdzhan Zakirovich sinh năm 1960, người Uzbekistan nhưng sinh ra và sống tại Kyrgyzstan, một quốc gia Trung Á có dân số hơn 6 triệu người, từng là một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (khi đó gọi là Kirgizia). Người con ưu tú nhất của Kyrgyzstan mà người Việt Nam biết đến nhiều nhất, chính là nhà văn Chingiz Aitmatov huyền thoại, với Giamilia, Chuyện núi đồi và thảo nguyên, Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên...

Chưa hết. Có thể nói ông Rahim Karim Karimov này những năm gần đây còn nhận vô số giải thưởng từ nhiều tổ chức của các quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Bangladesh, Maroc... Gần đây nhất Karim mới nhận giải thưởng Quốc tế “Văn hóa Phục hưng của thế kỷ XXI” do một Viện văn hóa quốc tế của Bangladesh trao, năm ngoái ông còn được nhận giải “Oscar vàng” do Mạng lưới truyền thông… Ả rập trao tặng, bằng chứng nhận có in hình cả bức tượng hệt như tượng Oscar của Hollywood (!).

Đôi ba ngày trước, ông này cũng mới nhận một giải thưởng do… một tập đoàn của Ấn Độ trao tặng. Năm 2021, ông khoe đã được trao danh hiệu “nhà thơ của lục địa châu Á”. Điều kỳ lạ là danh hiệu này được Liên minh thế giới các nhà văn Mỹ Latinh trao tặng. Ông Karim kể với báo chí Kyrgyztan là danh sách này bao gồm “những nhà thơ xuất sắc nhất hành tinh ở Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương”.

Theo lời của ông, các nhà thơ xuất sắc nhất lục địa châu Á, ngoài Rahim Karim còn có 7 nhà thơ người Ấn Độ, 1 người Thổ Nhĩ Kỳ, 1 người Philippines, Malaysia… Danh sách này còn có cả 1 nhà thơ Việt Nam là Ngọc Lê Ninh. Thật tình cờ, không biết bằng cách nào mà ông Rahim Karim đã biết đến bài thơ “Diệt giặc Corona” của tác giả Việt Nam này để dịch sang tiếng Nga. Bản dịch tiếng Nga này đã được đăng trên báo Vietnamnet vào tháng 3/2020, với lời chú thích dịch giả này là “Nhà thơ lớn, thiên tài của nước Cộng hòa Kyrgyzstan”.

Cũng trên trang cá nhân, ông Karim cũng cho biết thơ của ông cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, như tiếng Anh, Ấn Độ, Bangladesh Rumania, Anbania... và gần đây nhất là được dịch sang tiếng Việt Nam (với một chùm thơ 5 bài, kèm tiểu sử trên một trang web).

Giải thưởng từ tiền quyên góp?

Trở lại với Giải thưởng quốc tế Trái tim vàng mà Qũy thế giới Rahim Karim đã trao, thực chất đó là gì? Trên trang FB của Qũy thế giới mang tên nhà văn Rahim Karimov bằng tiếng Nga (Всемирный Фонд имени писателя Рахима Каримова (Карима)) có ghi rõ Tiêu chí và mục đích của Quỹ cá nhân này của ông Rahim Karim, xin lược dịch:

“Quỹ Thế giới mang tên nhà văn Rakhim Karimov (Karim) được thành lập theo sáng kiến của các nhà văn nổi tiếng trên thế giới nhằm cứu thế giới, nền văn minh trên Trái Đất, chủ nghĩa nhân văn và sự tiến bộ của Nhân loại, nhằm ngăn chặn các cuộc chiến tranh, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc quốc tế”. Không rõ các nhà văn nổi tiếng trên thế giới là những ai?

Tiếp theo là các thông tin liên quan đến nguồn thu và giải thưởng do Quỹ này lập ra: “Quỹ Thế giới mang tên nhà văn Rakhim Karimov (Karim) sẽ được hình thành từ nguồn đóng góp tài trợ, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cơ quan, cá nhân, nhằm hướng đến việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn học, trao Giải thưởng Thế giới mang tên nhà văn Rakhim Karimov (Karim) trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật.

Tiền có thể được gửi đến tên của: Karimov Rakhimdzhan Zakirovich, Cộng hòa Kyrgyzstan, thành phố Osh”.

Như vậy, có thể hiểu Giải Văn học Thế giới Rahim Karim 2022 mà TPCN từng nhắc tới với nhiều nhà thơ nhà văn Việt Nam được đề cử là do Quỹ của nhà văn này lập ra. Quỹ có nguồn thu từ tiền quyên góp tài trợ từ các tập thể và cá nhân. Dễ hiểu, tiền giải thưởng (nếu có), thì cũng từ nguồn thu này mà ra.

Trang Vesti.kg của Kyrgyzstan ngày 24/7/2022 (ảnh chụp) có đưa thông tin: “Nhà thơ Kyrgyzstan Rahim Karim trao hơn 280 tấm bằng Trái tim vàng cho các nhà hoạt động văn học thế giới”. Tấm bằng (ghi là giải thưởng quốc tế) Trái tim Vàng mà nữ thi sĩ T.T.N được ký vào ngày 5/7/2022 có phải nằm trong số 280 tấm bằng này?

Bài báo này viết: “Nhà thơ Rahim Karim người Kyrgyzstan để thể hiện lòng tri ân của bản thân, đã trao tặng 280 tấm bằng Trái tim Vàng cho các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của thế giới”. Tri ân vì lý do gì, không nói thì chắc ai cũng đoán ra.