'Viết sách giáo khoa cho từng vùng miền là điều không tưởng'

Bộ GD&ĐT đang triển khai chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh: Anh Tuấn.
Bộ GD&ĐT đang triển khai chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh: Anh Tuấn.
"Chúng ta không nên hiểu sai lầm và máy móc rằng, cần có nhiều bộ sách giáo khoa cho vùng, miền", Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Kanazawa, Nhật Bản, viết.

Cơ chế “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” trải qua nhiều tranh luận, cuối cùng cũng được Bộ GD&ĐT chính thức thừa nhận và thực hiện. Cơ chế này, cho dù chưa thể hoàn hảo như cơ chế “tự do” được thực hiện ở các nước Bắc Âu, nhưng nó vẫn có nhiều ưu điểm và được nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến áp dụng.

Ở Nhật Bản, cơ chế này được gọi là “chế độ sách giáo khoa (SGK) kiểm định” và được thực hiện từ năm 1947 đến nay. Việt Nam không có truyền thống và kinh nghiệm về cơ chế biên soạn, sử dụng sách giáo khoa dạng này, vì vậy hiểu đúng về nó không dễ.

“Một chương trình - nhiều sách giáo khoa” là gì?

Nhìn vào lịch sử ra đời và phát triển của SGK trên thế giới từ trước đến nay sẽ thấy có mấy kiểu cơ chế biên soạn, lựa chọn và sử dụng SGK: Quốc định, công nhận, tự do, kiểm định.

Cơ chế “quốc định”, Việt Nam sử dụng từ trước đến nay. Các trường học trên toàn quốc sẽ sử dụng duy nhất bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn.

Cơ chế “công nhận” thường xuất hiện và được thực thi vào buổi đầu của nền giáo dục cận đại, khi nhà nước có xu hướng can thiệp và kiểm soát sâu vào nội dung giáo dục quốc dân. Khi đó, Bộ giáo dục sẽ tiến hành sàng lọc, phân loại các cuốn sách đang được dùng như là SGK trong các trường học và công nhận một số cuốn có đủ tư cách là SGK. Những cuốn không được công nhận sẽ bị coi sách tham khảo hoặc hủy bỏ.

Cơ chế “kiểm định” có nhiều điểm giống “công nhận” ở trên. Nhà nước thừa nhận và đảm bảo sự tồn tại hợp pháp của nhiều bộ SGK. Bộ giáo dục là cơ quan đóng vai trò ban hành quy chế biên soạn, thẩm định SGK thông qua các hội đồng chuyên môn.

Các bản thảo đăng ký kiểm định, nếu được hội đồng thẩm định chấp nhận, sẽ trở thành SGK. Việc lựa chọn bộ hay cuốn SGK nào thuộc quyền của các địa phương hoặc trường học. Như vậy, cơ chế “một chương trình - nhiều SGK” là cách diễn đạt “Việt hóa” của cơ chế này.

Ở cơ chế “tự do”, SGK được biên soạn và lựa chọn tự do như cuốn sách thông thường khác. Với những nền giáo dục tiên tiến đó, vai trò của SGK trong trường học thường rất ít khi mang màu sắc “tuyệt đối chủ nghĩa” vốn thường thấy ở các nước đang phát triển, nơi giáo dục truyền đạt tri thức chiếm vị trí thống soái.

Để thực hiện cơ chế “tự do” cần nhiều điều kiện, vì vậy một số nước đã lựa chọn cơ chế “kiểm định”. Vai trò, ý nghĩa lớn nhất của “kiểm định” SGK (một chương trình - nhiều SGK) nằm ở chỗ nó tạo ra không gian “tự do” tương đối cho những người soạn SGK và các giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Nếu như trong cơ chế “quốc định”, các tác giả thường là viên chức nhà nước, được lựa chọn trong phạm vi hẹp và ít thay đổi thì với “kiểm định”, các tác giả rất đa dạng, bao gồm cả những người có kinh nghiệm thực tiễn giáo dục và có sự liên kết giữa nhiều tác giả xuất thân, chuyên môn khác nhau. Sự phong phú về tác giả cùng sự cạnh tranh bình đẳng tạo ra sức mạnh thúc đẩy nâng cao chất lượng SGK.

Nếu thực hiện tốt cơ chế này bằng việc Bộ giáo dục chỉ nắm khâu thẩm định cuối cùng, sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn khi các nhà xuất bản SGK phải nỗ lực làm tốt để giành lấy sự tin cậy của giáo viên, phụ huynh, học sinh, từ đó thu hồi vốn và có lãi. Như vậy, chi phí làm SGK sẽ được xã hội hóa và vận hành theo cơ chế thị trường.

Đối với các giáo viên trực tiếp giảng dạy, cơ chế “một chương trình - nhiều SGK” sẽ tạo khoảng không gian rộng lớn hơn để sáng tạo khi lựa chọn nội dung giáo dục và phương pháp hướng dẫn học sinh học tập.

Thay vì 100 giáo viên ở 100 địa phương trên cả nước dạy một bài y hệt nhau, giáo viên sẽ có điều kiện sáng tạo nên “thực tiễn giáo dục” của chính mình phù hợp tình hình thực tế và mục tiêu giáo dục chung.

Có hay không tính vùng, miền trong SGK?

Việc tổ chức biên soạn 2 hay 3, 4 bộ SGK cũng là điều bình thường trong cơ chế “một chương trình - nhiều SGK”. Tuy nhiên, bản thảo các cuốn sách đó phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế thẩm định và được đối xử công bằng như các bản thảo do các nhóm tác giả khác biên soạn. Trường hợp bản thảo đó không đạt tiêu chuẩn, vẫn bị đánh trượt như thường.

Việc không công bằng, khách quan trong thẩm định sẽ làm hỏng toàn bộ vai trò của cơ chế một chương trình - nhiều SGK, biến nó thành chuyện “bình mới rượu cũ”. Ngay cả khi đã vượt qua vòng thẩm định, các cuốn SGK này vẫn phải được lựa chọn một cách công bằng, khách quan.

Mặt khác, trong cơ chế một chương trình - nhiều SGK, để cải cách giáo dục diễn ra trong thực tế, Bộ giáo dục chỉ nên đóng vai trò chủ yếu trong việc đề ra chương trình khung, quy chế thẩm định, lựa chọn SGK và tiến hành thẩm định bản thảo, giám sát việc thực hiện quy chế đó. Việc tham gia trực tiếp việc biên soạn SGK thông qua các bản thảo chỉ nên tiến hành trong một thời gian ngắn lúc “giao thời”.

Ở Nhật Bản, sau 1945, Bộ giáo dục Nhật cũng trực tiếp biên soạn một vài cuốn SGK dùng cho các trường phổ thông trước khi thực hiện hoàn toàn cơ chế kiểm định. Một khi thực hiện cơ chế kiểm định, Bộ giáo dục Nhật Bản không trực tiếp biên soạn SGK nữa mà chỉ biên soạn chương trình khung để các nhà xuất bản lấy đó làm căn cứ soạn SGK, đề ra quy chế và tiến hành thẩm định bản thảo đăng ký. Đây là kinh nghiệm được kiểm nghiệm trong thực tế 70 năm qua, chúng ta cần học tập.

'Viết sách giáo khoa cho từng vùng miền là điều không tưởng' ảnh 1

Nguyễn Quốc Vương hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu của anh là lịch sử giáo dục và giáo dục lịch sử Nhật Bản sau 1945.

Cơ chế “quốc định”- cả nước dùng chung bộ SGK duy nhất có nhiều bất cập. Một trong những nhược điểm lớn của cơ chế đó là thiếu cân nhắc đến tính đa dạng của học sinh, địa phương, trường học. Tuy nhiên, không nên hiểu một cách sai lầm và máy móc rằng, cần phải có nhiều bộ sách SGK cho các vùng, miền. Việc làm này là không tưởng vì vùng, miền không thể hiểu đơn giản là miền Nam, miền Bắc hay miền núi, nông thôn, đô thị.

Phạm vi không gian mà học sinh sinh hoạt thường có trung tâm là xã hội ở địa phương và trường học mở rộng dần theo độ tuổi, vì vậy phạm vi của nó không phải lúc nào cũng trùng khớp phạm vi địa lý phân chia kiểu hành chính.

Dẫu đa dạng thế nào thì nền giáo dục hiện đại vẫn phải thống nhất về mục tiêu - triết lý giáo dục thể hiện tập trung ở hình ảnh tương lai của xã hội cần xây dựng và hình ảnh con người mơ ước cần tạo ra để xây dựng, bảo vệ xã hội ấy.

Vì vậy, SGK trong cơ chế một chương trình - nhiều SGK, dù đa dạng, vẫn phải là tài liệu tham khảo quan trọng dành cho giáo viên và học sinh trên cả nước, không phân biệt vùng, miền. Khi thực hiện cơ chế này, chuyện học sinh ở các trường miền Bắc lựa chọn sách của tác giả ở miền Nam và ngược lại là điều rất bình thường. Khi đó, không phải chuyện tác giả ở đâu biên soạn mà uy tín của tác giả và NXB có được từ chất lượng SGK sẽ trở thành chuyện đáng quan tâm.

Vậy tính vùng, miền hay rộng hơn là tính đa dạng trong nhu cầu tiếp nhận nội dung giáo dục sẽ được cân nhắc và đáp ứng như thế nào?

Trên thực tế, sự cân nhắc này không phải được thể hiện trong bản thân nội dung SGK, mà nó được thể hiện trong việc thực hiện cơ chế một chương trình - nhiều SGK. Bản chất của việc thực hiện cơ chế này là mềm hóa tính đúng đắn tuyệt đối của SGK và nhấn mạnh vai trò tự chủ của giáo viên trong lựa chọn, biên soạn nội dung giáo dục.

Không bao giờ có các bộ SGK hoàn hảo ngay cả ở các nước dẫn đầu thế giới về giáo dục hiện nay. SGK, trong quan niệm của các nhà giáo dục hiện đại, sẽ chỉ là tài liệu tham khảo quan trọng dành cho cả giáo viên và học sinh. Việc hướng dẫn học sinh học gì, học như thế nào là do giáo viên và học sinh quyết định.

Để có thể lựa chọn, biên soạn được nội dung học tập và phương pháp tổ chức học tập hợp lý, phù hợp mục tiêu - triết lý giáo dục nói chung thì SGK, tình hình trường học, địa phương, học sinh nơi giáo viên giảng dạy sẽ là các căn cứ quan trọng.

Vì vậy, trong cơ chế này, để làm tốt công việc của mình, giáo viên sẽ phải lao động trí tuệ thật sự, điều tra thực tế, nghiên cứu tài liệu để hiểu về không gian xã hội địa phương mà học sinh đang sống, phải hiểu được mối quan tâm, hứng thú của học sinh, các trải nghiệm trong đời sống thường ngày của các em từ đó mà thiết kế, biên soạn nên chương trình giáo dục của riêng mình.

Ý nghĩa cân nhắc vùng, miền của cơ chế “một chương trình -nhiều SGK” nằm ở chỗ đó chứ không phải ở trong nội dung SGK. Không có cuốn SGK nào có thể có nội dung cân nhắc được tới từng địa phương và cũng không thể biên soạn từng bộ SGK cho từng địa phương.

Biên soạn SGK là công việc cần đầu tư lớn về trí tuệ và cả tiền bạc, vì thế, sẽ không có NXB nào mạo hiểm làm các bộ SGK để rồi chỉ được lựa chọn và tiêu thụ trong một phạm vi địa phương nào đó. Công việc dạy học cũng không phải đơn giản là chuyện truyền đạt lại nội dung SGK tới học sinh.

Việt Nam đã thực hiện chế độ SGK “quốc định” trong một thời gian dài, vì thế để chuyển đổi thành công sang cơ chế “kiểm định” (một chương trình - nhiều SGK), sự minh bạch, công khai và công bằng trong quy chế kiểm định và lựa chọn SGK đóng vai trò quyết định. Một khi đảm bảo được điều đó, sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ được những cuốn SGK hay từ các tác giả người Việt trong và ngoài nước.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.