Việt Nam mở rộng hợp tác với Hungary, Thái Lan

TP - Sau hội đàm sáng 27/11 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hungary Áder János chứng kiến lễ ký 4 văn kiện hợp tác. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-chan chứng kiến lễ ký 3 văn kiện hợp tác.
Việt Nam mở rộng hợp tác với Hungary, Thái Lan ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Hungary Áder János. Ảnh: TTXVN

Hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Áder János khẳng định, Hungary coi Việt Nam là đối tác truyền thống ở khu vực và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đồng thời thông báo sẽ mở Tổng lãnh sự quán Hungary tại TPHCM năm 2015 để mở rộng hợp tác hai nước. 

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi thương mại song phương, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu thị trường, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo quản và chế biến thực phẩm, dược phẩm, quy hoạch đô thị và giao thông công cộng, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước…


 Việt Nam và Hungary nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về giáo dục - đào tạo (lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước), cũng như lĩnh vực phát triển khoa học - kỹ thuật, an ninh - quốc phòng, tài nguyên - môi trường, y tế, nông nghiệp… Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Hungary xem xét cấp thêm ODA cho các dự án mà Việt Nam có nhu cầu cấp thiết về quản lý nguồn nước, trồng rừng, xử lý chất thải, y tế cộng đồng, cải cách hệ thống bảo hiểm. Chủ tịch nước cảm ơn phía Hungary đã quyết định tăng số học bổng hằng năm cấp cho sinh viên Việt Nam từ 40 lên 100 suất từ năm 2015.

Tổng thống Áder János khẳng định, với tư cách là thành viên tích cực của Liên minh châu Âu (EU), Hungary ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, đẩy nhanh kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, thúc đẩy EU sớm công nhận kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông. Hai bên nhất trí rằng, mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Áder János chứng kiến lễ ký 4 văn kiện hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, thông tin truyền thông, hợp tác chứng khoán…

Hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 27/11, Tổng thống Áder János cho biết, Hungary rất quan tâm nhập khẩu hàng hóa nông sản từ Việt Nam; hợp tác trong lĩnh vực thế mạnh của nước này là dược phẩm; mong muốn hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quản lý nước, xử lý và cung cấp nước sạch, trong đó có dự án xử lý nước mặt sông Hồng và chuyển giao công nghệ xử lý nước nhiễm asen. 

Tổng thống Áder János cũng cam kết Hungary tiếp tục cung cấp ODA cho dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam lập bản đồ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Tổng thống cũng đề xuất sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia Việt Nam đang được đào tạo trong lĩnh vực điện hạt nhân tại Hungary được tham gia nghiên cứu thực tế quá trình lập dự án, đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới của nước này sắp được triển khai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ; đề nghị Hungary ủng hộ thúc đẩy để sớm hoàn tất và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

Việt Nam, Thái Lan tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề biển Đông
Hội đàm chiều 27/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-chan nhất trí tiếp tục phối hợp tích cực góp phần giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đàm phán thực chất về COC. Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Thái Lan trong việc điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc thời gian qua, góp phần duy trì đoàn kết và tiếng nói chung của ASEAN trong vấn đề biển Đông. 

Hai bên nhất trí sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hợp tác hiện có, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lời mời của Thủ tướng Prayut Chan-o-chan sẽ tham dự Hội nghị GMS tháng 12 và sớm thăm chính thức Thái Lan, đồng chủ trì họp Nội các chung lần thứ 3 trong năm 2015. Sau hội đàm, hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết 3 văn kiện hợp tác, gồm Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014-2018, Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014-2016, Thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Chachongsao.

Ngày 27/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Tổng thống Hungary Áder János và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-chan.


MỚI - NÓNG