"Việt Nam đã giúp tôi mở lòng mình"

"Việt Nam đã giúp tôi mở lòng mình"
Đang làm chủ một doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ, Kenneth Bryda nghe lời rủ rê của một người bạn Mỹ gốc Việt sang VN chơi. Không ngờ chuyến đi đã biến Ken (tên thân mật của Kenneth) thành một người khác.
"Việt Nam đã giúp tôi mở lòng mình" ảnh 1
Kenneth Bryda

Trở về Mỹ, ông chủ 38 tuổi này quyết định từ bỏ công việc, đến làm tại một nhà mở nuôi dạy trẻ em khuyết tật và ấp ủ một dự án săn học bổng cho sinh viên VN.

“Người bạn của tôi luôn nói VN đẹp lắm nhưng tôi không tin, cho tới khi đặt chân đến đất nước các bạn!” - Ken kể.

Anh thú nhận từng có cảm giác e ngại trước khi đến VN vào tháng 7/2005 bởi những lời cảnh báo và tin đồn không mấy thiện cảm.

Cũng vì lý do đó, Ken chỉ dự định ở lại 20 ngày “để xem cho biết”, nhưng không cần đến ngày thứ 20 để anh nhận ra rằng những định kiến về VN là hoàn toàn sai lầm.

Dự định ban đầu “phá sản”, thay vào đó là khoảng thời gian lưu lại VN mà chính Ken cũng không ngờ tới: năm tháng!

Điều gì níu chân anh ở lại VN lâu đến vậy?

“Tôi bị mê hoặc bởi những bờ biển trải dài mướt mắt ở Đà Nẵng, Nha Trang, những ngôi chùa cổ kính trầm mặc ở Huế. Nhưng ấn tượng mạnh nhất chính là con người VN”.

Ken không thể nào quên những người bạn vị tha, tốt bụng đến bất ngờ, sẵn sàng giúp anh lúc gặp khó khăn, bất kể thân sơ. “Trước khi đến VN tôi cũng sống ích kỷ, vụ lợi như bao nhiêu người Mỹ khác. Những con người bình dị này đã làm tôi thay đổi”.

Suốt thời gian ở VN, Ken sống chủ yếu tại Đà Nẵng. “Đó là thành phố biển thật xinh đẹp và yên bình, giống như Rhode Island, tiểu bang nơi tôi đang sống tại Mỹ vậy. Tôi yêu Đà Nẵng vô cùng, xem như quê hương thứ hai của mình”.

Chính tại Đà Nẵng mà Ken nhận ra giới trẻ VN rất năng động, thông minh và ham học. Mỗi buổi sáng, anh thường đến dùng điểm tâm tại quán cà phê New Life, và ngày nào cũng có vài bạn sinh viên đến bắt chuyện với anh, nhờ anh chỉ dẫn ngữ pháp tiếng Anh hoặc tìm hiểu về phương thức kinh doanh của người Mỹ. Học phí chỉ là bữa ăn sáng mà các bạn SV giành phần trả để cảm ơn thầy Ken.

 “Tôi thật sự kinh ngạc khi thấy các bạn ấy còn thông minh, giỏi giang hơn mình. Bạn biết không, đa số đều nói được hai ngoại ngữ và mơ ước trở thành nhân viên kinh doanh giỏi trong tương lai”.

Ken nhận ra VN sẽ nhanh chóng gia nhập WTO, khi đó sẽ có nhiều nhà đầu tư Mỹ tìm đến VN để làm ăn. “Nhưng một số doanh nghiệp Mỹ tìm đến VN là để khai thác nguồn nhân công giá rẻ.

Trả cho mỗi công nhân 60 USD/tháng là điều có lợi cho doanh nghiệp, nhưng không tốt cho công nhân. Tôi nghĩ người Mỹ cần bù đắp cho VN thông qua giáo dục”.

Vậy là ra đời ý tưởng về một tổ chức gây quĩ và vận động cấp học bổng cho sinh viên VN muốn học tại Mỹ. Ken hào hứng cho biết mọi kế hoạch đã đâu vào đấy, chỉ còn chờ Chính phủ Mỹ cấp giấy phép thì tổ chức có tên gọi “Vietnam 2 America 4 Education” (VN đến Mỹ để học) sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Trong thư vận động gửi các trường đại học Mỹ và doanh nghiệp Mỹ tại VN, Ken viết: “Tại sao chúng ta nên đưa sinh viên VN đến Mỹ? Đó là nhành nguyệt quế hòa bình. VN có thể tự giải quyết những khó khăn của mình, nhưng với một chút giúp đỡ, họ có thể đẩy nhanh quá trình đó”.

Giờ đây, Ken đã chấm dứt công việc kinh doanh trước đây luôn chiếm hết thời gian, chấp nhận làm ca đêm tại một nhà mở để có thêm thời gian đầu tư cho tổ chức. “Đây là món quà tôi dành tặng VN, như một lời cảm ơn vì đã giúp tôi mở rộng tấm lòng mình!”.            

Theo Thanh Trúc
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG