Việt - Lào hoàn chỉnh hệ thống mốc quốc giới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đến dự buổi lễ. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đến dự buổi lễ. Ảnh: TTXVN
TP - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 16/3 khẳng định, từ nay Việt Nam và Lào đã có đường biên giới rõ ràng, được ghi nhận rất chi tiết trong các văn kiện pháp lý và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa.

Phát biểu tại Lễ Tổng kết hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào diễn ra sáng qua tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự án được hoàn thành sau 8 năm, giúp giải quyết cơ bản công tác phân định biên giới lãnh thổ giữa hai nước, phù hợp luật pháp, thực tiễn quốc tế, hiện trạng đường biên giới và quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt - Lào. Thành quả này không những tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch của các địa phương và nhân dân vùng biên giới; góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện của hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong phát biểu, việc hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào là “sự kiện lịch sử” và “để lại di sản quý giá cho các thế hệ mai sau”. Thủ tướng Lào cũng cảm ơn Việt Nam giúp đỡ Lào hơn 10 triệu USD để thực hiện dự án này.

Tăng 4,5 lần mật độ cột mốc

Trong báo cáo tổng kết trình bày tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào, cho biết, Việt Nam và Lào chung đường biên giới dài 2.340km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Điểm khởi đầu là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc và điểm kết thúc là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Từ năm 1978 đến 1987, hai nước cơ bản hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa, với 214 cột mốc tại 199 vị trí. Từ năm 1995 đến 2003, hai nước hoàn thành việc lập bộ bản đồ quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1:50.000 bằng công nghệ kỹ thuật số và giải quyết toàn bộ công việc tồn đọng sau phân giới cắm mốc. Tuy  nhiên, sau gần 20 năm, hệ thống 119 vị trí mốc đã bộc lộ một số hạn chế, như mật độ cột mốc quá thưa (cách khoảng 10km, thậm chí 40km, mới có một cột mốc); chất lượng và độ bền vững của các cột mốc không cao, nhiều mốc đã xuống cấp nghiêm trọng; kích thước cột mốc không tương xứng.

Từ năm 2008, hai bên phối hợp triển khai cắm mốc đồng loạt trên toàn tuyến, tăng dày số cột mốc ở những khu vực cần thiết nhằm làm rõ hướng đi của biên giới trên thực địa; tôn tạo, xây mới các mốc hiện có, nhất là các mốc tại các cặp cửa khẩu, hình thành một hệ thống mốc mới kiên cố, khang trang, hiện đại, đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại, có độ chính xác cao để hoàn thiện hồ sơ pháp lý đường biên giới Việt Nam - Lào với 1.002 bộ hồ sơ pháp lý mốc giới. Với việc hoàn thành dự án, đường biên giới quốc gia giữa 2 nước dài 2.340km đã được bổ sung và cắm mới 1.002 cột mốc và cọc dấu, tăng gấp 4,5 lần so với trước đây.

Tại buổi lễ, dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith đã ký 2 văn kiện pháp lý quan trọng, gồm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai chính phủ Việt - Lào.

Đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư

Ngay trước buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong. Hai bên nhất trí ưu tiên triển khai tốt Kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2016 và Hiệp định hợp tác song phương Việt - Lào giai đoạn 2016-2020. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tiếp tục phối hợp kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả hợp tác; triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào, phấn đấu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 3 tỷ USD vào năm 2020; đẩy mạnh hợp tác kết nối giữa hai nước; nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo...

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh phối hợp, hợp tác trong quá trình Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2016; góp phần làm sâu sắc hơn tiến trình hợp tác, liên kết của Cộng đồng ASEAN; tăng cường thống nhất, đoàn kết trong ASEAN, phát huy vai trò trung tâm và tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược của khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông.

* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong.

MỚI - NÓNG