Thi THPT quốc gia 2017:

Việc tích hợp các môn thi cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

Ảnh: Như Ý
Ảnh: Như Ý
TPO - Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vừa có ý kiến như vậy về việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong đó có  những nội dung về đổi mới phương thức thi - phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Thường trực Ủy ban Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi cho rằng, về cách tổ chức kỳ thi, việc giao trách nhiệm chủ trì tổ chức kỳ thi cho các địa phương phù hợp với chủ trương phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương.  

Về môn thi, bên cạnh ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thì các bài thi tổ hợp các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là hợp lý để có thể đánh giá toàn diện năng lực, kiến thức của học sinh.

Tuy nhiên, việc tổ hợp và tiến tới tích hợp các môn thi về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có lộ trình phù hợp và thống nhất kế hoạch đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở giáo dục phổ thông cũng như việc đào tạo chuyên nghiệp ở các trình độ sau THPT.

Về hình thức thi, Thường trực Ủy ban ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với hầu hết các bài thi nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khách quan và độ tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy vậy, thường trực ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt công tác đề thi, nhất là ngân hàng câu hỏi thi phục vụ các bài thi trắc nghiệm khách quan, một mặt bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan và phù hợp với chuẩn chương trình giáo dục; mặt khác, nội dung phải có tính khoa học, kích thích được tư duy sáng tạo của thí sinh, đồng thời có sự phân hóa trình độ để có đo lường được kỹ năng và kiến thức của người học, phục vụ cho hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy cho việc tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Về việc thực hiện, đề nghị Chính phủ chú trọng công tác truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng và chính xác để xã hội, giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng thuận, ủng hộ.

Về giải pháp lâu dài, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ tiến hành xây dựng Đề án về đổi mới căn bản từ tổ chức, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và kiểm định chất lượng GDĐT như yêu cầu của Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ, để có giải pháp căn cơ, đồng bộ nhằm thực hiện tốt việc đổi mới căn bản công tác thi, kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

“Việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cần có lộ trình cụ thể, bảo đảm tính khoa học, khả thi; đồng thời, cần có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm thực hiện"- thường trực Ủy ban ý kiến.  

MỚI - NÓNG