Tuy vậy, thi thoảng, trong cuộc sống, vẫn bắt gặp những trường hợp mà nhờ phát ngôn của họ, người dân phần nào biết được tư duy quản trị. Lâu dần, có khi phát ngôn ấy vận vào cái tên vị quan chức đó. Hẳn là khi nói về ông “bung toang”, ai cũng dễ hình dung ra gương mặt của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và điệu cười khó hiểu trong bối cảnh họp bàn nghiêm túc về dịch bệnh. Cuối cùng, ông “bung toang” cũng…toang thật.
Trên con đường quan lộ, sẽ có những vị quan hanh thông nhờ tài dùng uyển ngữ, giỏi đổ lỗi cho khách quan. Họ có vẻ đã quên mất chữ ký của mình còn tươi màu mực dưới mỗi tờ quyết định ban hành. “Đường cong mềm mại” là một thứ uyển ngữ kiểu vậy. Mặc dù đã gần 10 năm trôi qua, nhưng cho đến tận bây giờ, nó vẫn được bắt “trend” (xu hướng). Con đường Trường Chinh (Hà Nội) dù đã xong nhưng bị gắn chặt bởi phát ngôn của lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lúc bấy giờ. Gần đây nhất, xu hướng đổ lỗi cho tự nhiên có vẻ tái xuất. Nếu thời tiết và những viên đá có tuổi thọ 70 năm “trên vỉa hè Hà Nội mà biết “nói năng”, phát ngôn của ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong liệu có tròn vành khi đổ cho “mưa xuống đá (vỉa hè) giãn nở, tự vỡ”?
Quan chức thường được ví như người gánh trọng trách. Xưa, quan như phụ mẫu, nay sự tăng trưởng kinh tế là một trong những thước đo quản trị quan trọng đánh giá thành công. Mục tiêu quan trọng hướng tới của cả hệ thống chính trị là “dân giàu, nước mạnh”. Bằng trách nhiệm của mình, mỗi cán bộ cần nhận thức rằng, khi địa phương, thành phố, đất nước mình chưa sánh với “cường quốc năm châu” phải lấy làm hổ thẹn. Trường hợp tự thấy năng lực điều hành mình còn yếu kém thì đứng sang một bên cho người khác làm như nhiều vị gần đây.
Vỉa hè đô thị liệu có bị ai đó thao túng? Nhiều người hẳn chưa quên lời một cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng thốt lên giữa hội nghị về nghi vấn bảo kê, chiếm đoạt nó. Chỉ cần so sánh vỉa hè các khu đô thị do doanh nghiệp tư nhân làm và trên các phố tiêu bằng tiền ngân sách sẽ thấy tuổi thọ nơi nào bền hơn. Chưa nói tới những vỉa hè, gắn đá bền hàng trăm năm khắp đô thị Châu Âu.
Đừng nghĩ vỉa hè thuần nơi mưu sinh của người lao động. Lấp ló đâu đó, có khi gương mặt một ông “quan thu phế”. Cũng đừng nói có một loại “quan chức vỉa hè” mà xúc phạm…