Vĩ tuyến 17... chuyện của người trong cuộc

TP - Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân” của đạo diễn Hà Lan nổi tiếng thế giới Joris Ivens và giao lưu với nhân chứng đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967.

Xuất hiện một phụ nữ dáng đậm, da mồi, tóc bạc trắng. Đó là nữ đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, tác giả của hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng...” - một hồi ký văn chương đậm chất điện ảnh, sâu thẳm nhân sinh nhận Giải thưởng văn học năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM. Cạnh đó là người phiên dịch và cộng sự của đạo diễn Hà Lan nổi tiếng thế giới Joris Ivens, ông Phạm Công Đức -nhân vật “em bé 9 tuổi cầm súng” trong phim.

Thêm một nhân vật trẻ măng Viên Hồng Quang, 27 tuổi, người phục chế phim của Joris Ivens từ đen trắng sang phim màu. Các thế hệ già trẻ bên nhau, cùng ôn lại một thời đau thương mà hào hùng Vĩ tuyến 17-chiến tranh nhân dân, để tiếp thêm sinh lực “gánh gánh gồng gồng, gánh sông gánh núi” trong thời kỳ mới.

Ở “ĐẤT THÉP” VĨNH LINH

Bà Phượng kể, tháng 5/1965, đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens đến Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1967, ông cùng với vợ là bà Marceline Loridan đi vào vùng giới tuyến vì muốn có những hình ảnh chân thực, một góc nhìn từ bên trong cuộc chiến, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến sự. Phương pháp làm việc của ông là “đưa máy quay phim vào trong hành động”.

Bác Hồ phân công bà Phượng làm người phiên dịch, hỗ trợ ông Joris Ivens. Bác căn dặn: “Đồng chí Ivens là bạn của Bác, là một chiến sĩ điện ảnh cách mạng quốc tế uy tín trên thế giới. Bằng mọi giá phải bảo vệ đồng chí ấy. Những thước phim của Ivens có giá trị to lớn đối với quốc tế khi nói về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Về tuyên truyền đối ngoại, phim của Joris Ivens có sức mạnh như một sư đoàn, một lữ đoàn, một binh đoàn”.

Mặc dù quãng thời gian ở trong hầm, ông Ivens bị bệnh hen mãn tính khá nặng nhưng ông và cộng sự vẫn thực hiện được những thước phim quý giá như cảnh quay lá cờ Việt Nam trên cột cờ ở bờ Bắc Hiền Lương tung bay vươn sang bờ Nam. Hay hình ảnh một lớp học dưới hầm của người Vĩnh Linh, một mái trường mà không nơi nào trên thế giới có được. Sau khi hoàn thành, bộ phim được công chiếu tại Paris năm 1968. Sau đó, bộ phim được bán cho truyền hình các nước Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Ý... để công chiếu rộng rãi. Tháng 5/1968, với những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cùng thành công của bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, đạo diễn Joris Ivens đã được trao giải thưởng Hoà bình quốc tế Lênin.

Bà Phượng cho biết, từ năm 1965, trước tin bom đạn Mỹ tàn phá đất nước Việt Nam, Joris bàn với vợ sẽ sang làm những phim Việt Nam trong chiến đấu. Sau khi bàn bạc, Joris bảo vợ cầm cố ngôi nhà mình ở Pháp lấy một số tiền sang Việt Nam làm phim. Nhất định không dựa vào tiền của một đất nước đang bị bom đạn trút xuống, vợ ông đã cầm cố ngôi nhà.

Bà Phượng nhớ lại khi ở xã Vĩnh Kim, quay một lớp học dưới hầm. Ivens hét lên: “Tôi không bảo các anh quay một mái nhà tranh. Các anh phải thể hiện cho bằng được cảm xúc của mình khi ghi lại hình ảnh của một mái trường của đất Vĩnh Linh. Một mái trường mà không thể nào có được ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Mái nhà thì nửa nổi nửa chìm trên mặt đất mà trí tuệ thì bất khuất, vững vàng”. Buổi tối, trong địa đạo mịt mùng, vợ ông Marceline vặn máy ghi âm. Trong bóng đêm vang lên tiếng trẻ em học bài, tiếng cười nói, tiếng bom nổ, một tiếng gà gáy. Ivens bảo: “Đoạn này không cần dịch ra tiếng Pháp. Bất kỳ một con người nào trên thế giới có chút lương tri đều sẽ hiểu”.

Bà Phượng kể: “Đạo diễn Ivens từng nói với bà, Phượng ơi, nghề quay phim chiến trường đã cho ta một hạnh phúc, hạnh phúc vô song là chứng kiến niềm hạnh phúc sinh sôi từ trong cái chết chóc”. Một lần khác, trước ngày về nước, ông Ivens vỗ vai bà Phượng, bảo: “Nghề làm phim chiến trường ở ngay mặt trận trong lúc này rất cần thiết. Tôi thấy Phượng có tố chất của một nhà làm phim. Hãy can đảm lên, bỏ nghề cũ đi và trở thành người làm phim chiến trường”.

Những năm 1967-1968, Việt Nam đang trong binh lửa chiến tranh nên đời sống người dân vô cùng khó khăn. Lúc đó, bà Phượng đang là bác sĩ phụ trách một phòng khám đầy đủ phương tiện, thiết bị của Bộ Ngoại giao. “Tôi phân vân mãi. Nhưng rồi, tôi nghĩ đến con người, mảnh đất Vĩnh Linh, thấy công việc ở phòng khám nhàn nhã quá. Cuối cùng, tôi đã tự nguyện bỏ nghề bác sĩ, bỏ nghề phiên dịch để trở thành phóng viên, đạo diễn phim tài liệu chiến trường từ đó. Tấm gương thầy Joris Ivens và mảnh đất Vĩnh Linh đã làm thay đổi cuộc đời của tôi”.

CUỘC TRÙNG PHÙNG XÚC ĐỘNG

Trong phim có chuyện em bé Phạm Công Đức, 9 tuổi cầm súng, bằng trí thông minh của mình đã giúp bộ đội phá được một sân bay trực thăng. Chú bé Đức quê ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh. Tuổi nhỏ song Đức đã làm liên lạc cho bộ đội và được đưa ra Vĩnh Linh để học tập.

Bà Phượng kể, trong thời gian thực hiện bộ phim, cậu bé Đức gây ấn tượng với bà cùng các thành viên bởi câu nói “con sợ ma nhưng không sợ Mỹ”. Ông Đức nhớ lại: “Lúc bấy giờ, một cán bộ huyện Vĩnh Linh bảo tôi đi theo để gặp người Tây (đoàn làm phim). Họ nói tiếng nước ngoài nên tôi không hiểu gì, cũng không biết mình được quay phim. Vì vậy, mọi hoạt động của tôi đều diễn ra rất bình thường. Quãng thời gian gắn bó với đoàn làm phim, tôi thường gọi bà Xuân Phượng là “O Phượng của con”.

Vĩ tuyến 17... chuyện của người trong cuộc ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng và ông Phạm Công Đức giao lưu với các em học sinh.

Chia sẻ với thầy trò Trường THPT Vĩnh Linh, ông Đức xúc động: “Tôi tham gia cách mạng từ những năm 1959-1967, làm nhiệm vụ liên lạc. Thật may mắn lúc bản thân trở thành nhân vật trong bộ phim này. Phim đã tái hiện lại cuộc sống của nhân dân những năm chiến tranh. Là cựu học sinh Trường THPT Vĩnh Linh, sau này tôi được đi học và trở thành thầy giáo. Việc chiếu phim tại trường rất ý nghĩa, giúp học sinh và mọi người hiểu thêm về cuộc sống và quá trình chiến đấu của nhân dân ta”.

“Buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 -chiến tranh nhân dân” lần đầu tại Trường THPT Vĩnh Linh như một tiết ngoại khóa để học sinh hiểu thêm về lịch sử. Cần lan tỏa bộ phim rộng hơn nữa để học sinh và người dân hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Lần đầu được xem phim tư liệu này, nhiều học sinh bày tỏ niềm tự hào về các thế hệ cha ông đã vượt qua gian khổ, đương đầu với bom đạn kẻ thù”.

Ông NGUYỄN HOÀN - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Trị

Bà Phượng bảo, sau ngày nước nhà thống nhất, "tôi đã cất công đi tìm Đức rất nhiều lần, ra tới Quảng Bình rồi vào Quảng Trị nhưng vẫn bặt tin". Đến năm 2007, qua nhà báo Phan Khiêm ở Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị, bà mới tìm được ông Đức. Chuyện là thế này, sau nhiều lần tìm kiếm không có kết quả, một hôm Khiêm chợt nhớ có một người thầy từng dạy mình tên là Đức ở huyện Gio Linh. Thế là anh nối phôn gọi cho thầy giáo của mình xác minh thông tin. “Tuy nhiên, phía đầu dây bên kia không trả lời. Tôi hụt hẫng quá và quyết định sáng mai sẽ trở về Hà Nội. Nhưng khoảng 30 phút sau, tôi thấy một bóng người từ bên ngoài chạy vào khách sạn gọi rất to: “O ơi O! O ơi O!”. Tôi nhìn ra thì thấy chú bé Đức ngày nào của tôi trước mặt. Lúc đó, chúng tôi ôm lấy nhau và vỡ òa trong niềm xúc động”, bà Phượng kể.

Joris Ivens sinh ngày 18/11/1898 tại Hà Lan. Năm 1911, ông làm bộ phim đầu tiên lúc 13 tuổi, có tên “Lều của người da đỏ”, diễn viên là các thành viên trong gia đình Joris Ivens. Ông học trường THPT, học trường Sĩ quan Pháo binh, học kinh tế tại Trường Cao đẳng Thương mại, học kỹ thuật ảnh. Năm 1927, đồng sáng lập Hội phim Liga, bắt đầu thử nghiệm làm phim. Ông đã làm phim ở nhiều nước và nhận được nhiều giải thưởng. Năm 1965 - 1970, ông làm một số phim chống chiến tranh ở Việt Nam. Những bộ phim về Việt Nam: “Bầu trời, Mặt đất” (1966), “Việt Nam xa xôi” (1967), “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” (1968), “Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1969).

Sau lần gặp đó, ông Đức đã gửi biếu bà Phượng 2 gói tiêu cay nồng, đặc sản từ quê nhà Gio An của mình. Bà Phượng sang Paris gặp Marceline Loridan-vợ đạo diễn Joris Ivens (lúc này ông Ivens đã mất) và trao lại quà tặng của “em bé Đức”. Quá xúc động, bà Marceline Loridan ôm món quà vào lòng, sau đó cho những hạt tiêu đen của Đức vào một cái hộp nhỏ rồi đặt lên trên mộ ông Ivens.

“BẮC CẦU” ĐƯA NGƯỜI TRẺ VỀ QUÁ KHỨ

Viên Hồng Quang, 27 tuổi, sống tại Hà Nội, từng học ngành công nghệ thông tin. Hiện em đang làm công việc đúng với niềm đam mê của mình là phục chế màu, nâng cao chất lượng hình ảnh bằng phương pháp thủ công và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, làm phụ đề tiếng Việt cho nhiều tư liệu lịch sử, sau đó chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Bà Nguyễn Thị Thuý Hà, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bảo, Quang là tác giả của hàng trăm tác phẩm phục chế màu tư liệu cũ về các nhân vật lịch sử, trong đó có những thước phim giá trị về Bác Hồ được hàng chục triệu lượt xem trên mạng xã hội. Các tư liệu lịch sử được Quang phục chế, làm mới được coi là những «cây cầu» kết nối giới trẻ về với quá khứ, với lịch sử một cách hấp dẫn, thú vị.

Vĩ tuyến 17... chuyện của người trong cuộc ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng.

Bên cạnh phục chế màu các phim tài liệu về Bác Hồ, Quang đã lên màu cho hàng trăm bức ảnh và nhiều video phỏng vấn các nhân vật lịch sử quan trọng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng... Trong một lần phục chế đoạn phim phỏng vấn Thượng tướng Chu Văn Tấn ghi hình hơn 50 năm trước, Quang vô tình nhìn thấy một người phụ nữ rất giống đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng. Tìm hiểu thông tin thì đúng là bà Xuân Phượng - phiên dịch của Thượng tướng Chu Văn Tấn. Ngay sau đó, Quang liên lạc đạo diễn Xuân Phượng để gửi lại hình ảnh đã phục chế sang bản màu cho bà xem.

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929, quê làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 16 tuổi, cùng cậu trốn gia đình đi theo tổ chức “Học sinh cứu quốc Huế” hoạt động chống Pháp. Tham gia Đoàn Tuyên truyền kháng chiến Trung Bộ và Liên khu 4; chế tạo thuốc nổ; làm báo; bác sĩ trưởng phòng khám nhi, rồi phòng khám bệnh Ủy ban liên lạc văn hoá với nước ngoài, được Bác Hồ khen: “Cô này làm việc rất khá, phải biểu dương”; làm phiên dịch cho Đoàn làm phim của đạo diễn Joris Ivens; làm biên kịch, đạo diễn phim tài liệu đạt nhiều giải tại các liên hoan phim quốc tế và Việt Nam; tổ chức nhiều triển lãm tranh ở trong nước và nước ngoài; năm 2011, bà được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh về những đóng góp cho chiếc cầu hữu nghị Việt - Pháp. Hiện bà mở phòng tranh Lotus ở TPHCM, là “bà đỡ” cho nhiều họa sĩ tài năng.

Quang bảo, lúc phục chế bộ phim “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân”, em không có bất cứ một khoản tài trợ nào, hoàn toàn làm vì đam mê. Trong suốt một năm qua, em đã dành toàn bộ tâm sức để phục chế lại bộ phim dài 120 phút từ bản đen trắng sang bản màu. Bà Xuân Phượng bảo: “Lúc nhận được những đoạn phim màu từ cháu Quang gửi cho tôi xem, tôi đã hoàn toàn bất ngờ và xúc động khi được nhìn lại những nét mặt, những nụ cười sao mà rõ ràng và lấp lánh đến vậy. Một người trẻ dấn thân vào công việc đòi hỏi về kiến thức lịch sử, chuyên môn kỹ thuật, sức bền bỉ và cả tài chính thật sự không hề dễ dàng, vậy mà cháu Quang đã không ngần ngại gì chỉ vì tình yêu mến nghệ thuật, say mê lịch sử để lao vào làm giúp bộ phim được rõ ràng hơn, lấp lánh hơn. Tôi và rất nhiều thế hệ phải cảm ơn Quang”.