110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909-4/11/2019):

Vĩ thanh tưởng nhớ người đã khuất

Bà Tú Anh với bức tranh vẽ ngôi nhà sàn, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ra và lớn lên Ảnh: kiến nghĩa
Bà Tú Anh với bức tranh vẽ ngôi nhà sàn, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ra và lớn lên Ảnh: kiến nghĩa
TP - Sau khi Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp giết hại, một bài thơ xúc động được sáng tác để tiễn biệt ông. Bài thơ này được ông Lê Văn Chỉnh, người từng có thời gian làm việc với đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đọc lại nhiều lần cho con gái nghe. Để đến nay, 75 năm sau khi nhà cách mạng gạo cội này hy sinh, bài thơ ấy vẫn được con gái ông Chỉnh khắc sâu trong trí nhớ…

Thông tin quý từ độc giả

Sau khi kỳ 1 ký sự “110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ” của Tiền Phong ra mắt độc giả, một bạn đọc tại Hà Nội đã viết thư và chép một bài thơ khá dài với tiêu đề “Khóc anh Hoàng Văn Thụ” gửi tòa soạn. Trong thư, bà giới thiệu là Lê Thị Tú Anh, con ông Lê Văn Chỉnh, một lão thành cách mạng, người trước đây từng có thời gian làm việc với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Xúc động trước bài viết, bà đã viết thư cho báo Tiền Phong để cung cấp thêm một số thông tin về nhà cách mạng gạo cội Hoàng Văn Thụ.

Nhận được thông tin trên, phóng viên Tiền Phong đến gặp bà Lê Thị Tú Anh, hiện sống tại Hà Nội. Nay đã 86 tuổi, bà Tú Anh vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và là độc giả thường xuyên của báo Tiền Phong vài chục năm nay. Bà Tú Anh cho biết, quê gốc của bà ở làng Đại Mỗ, trước thuộc tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Năm xưa, Đại Mỗ cùng với các làng lân cận như Vạn Phúc, La Khê, La Cả, Tây Mỗ… của tỉnh Hà Đông là những địa danh mà đồng chí Hoàng Văn Thụ từng hoạt động với cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ.

“Trong bản khai về quá trình hoạt động của bản thân, bố tôi đã viết, vào năm 1938-1939, khi bị địch lùng sục gắt gao, cơ sở in tài liệu của Xứ ủy Bắc kỳ từ làng La Cả đã chuyển về nhà tôi. Thời kỳ này, bố tôi lo cung ứng vật tư và đời sống cho các cán bộ in ấn làm việc và sống tại nhà mình, qua đó có thời gian được làm việc với đồng chí Hoàng Văn Thụ”- bà Tú Anh cho biết.

Là người có tư tưởng tiến bộ, nên trước khi hoạt động cách mạng, ông Lê Văn Chỉnh (sinh năm 1911) từng tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống sưu thuế, điền thổ… của chế độ Thực dân tại địa phương. Tới năm 1937-1938, ông Chỉnh tham gia rồi gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Người giác ngộ ông khi đó là đồng chí Đào Duy Kỳ, một thủ lĩnh của tổ chức Đoàn thời đó.

Đến đầu năm 1939, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ mở rộng tại làng Vạn Phúc, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Từ đó, vùng đất Hà Đông trở thành một trong những địa danh để Hoàng Văn Thụ hoạt động. Và khi cơ sở in của Xứ ủy Bắc kỳ đặt tại nhà ông Chỉnh, Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ cũng thường qua lại nơi đây để kiểm tra.

Bà Tú Anh cho biết, ngày ấy bà chỉ khoảng 5-6 tuổi, nhưng cũng đủ để nhận biết nhà mình thường xuyên có người sống trong nhà và khách đến chơi. “Về sau, trong bản tự thuật, cha tôi đã viết có lần kiểm tra cơ sở in, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dặn ông: Sau khi in xong nhớ đừng sờ tay vào cột nhà hoặc bức vách, phòng khi địch khám xét có thể phát hiện ra vết tay mình”- bà Tú Anh cho biết.

Rồi bà kể thêm, có những lần đồng chí Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Cừ đến nhà bà rồi ở lại ăn cơm. Chiếc mâm đồng của gia đình dọn cơm mời hai lãnh đạo của Đảng sau đó được gia đình giữ gìn rất cẩn thận. Đến năm 1969, ông Chỉnh đã tặng kỷ vật này cho Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Cũng trong dịp này, ông Chỉnh còn tặng thêm tờ tín phiếu 500 đồng Đông Dương mà ông đã mua để ủng hộ Cách mạng vào tháng 2/1945.

Bài thơ “Khóc anh Hoàng Văn Thụ”

Lúc đến gặp bà Tú Anh, tôi được xem bức tranh bà vẽ ngôi nhà sàn nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ đã sinh ra và lớn lên, phỏng theo hình ảnh trong bài viết trên báo Tiền Phong mà bà vừa đọc. Bà Tú Anh cho biết, khi đọc bài báo và nhìn hai bức ảnh quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ in trong bài khiến bà rất xúc động. “Thế là sau khi viết thư gửi báo Tiền Phong và chép lại bài thơ “Khóc anh Hoàng Văn Thụ” xong, tôi bắt đầu vẽ ngôi nhà sàn này, nét vẽ của người nghiệp dư thôi, sau khoảng hai giờ thì hoàn thành”- bà Tú Anh cho biết.

Tôi cầm tờ giấy bà Tú Anh chép lại bài thơ “Khóc anh Hoàng Văn Thụ” lên xem. Bài thơ khá dài, gần hết hai trang khổ giấy A4 nhưng được bà Tú Anh chép thẳng hàng, không gạch xóa. Chủ nhân cho biết, sau 75 năm kể từ khi biết đến bài thơ này, bà đã chép lại bài thơ một cách liền mạch do vẫn thuộc lòng. Rồi bà kể, năm bà 11 tuổi (năm 1944), có thời gian, bà thấy cha mình rất buồn, như mất người thân trong gia đình.

Sở dĩ còn nhỏ mà bà vẫn biết được cảm giác này vì từng chứng kiến cha mình đã thương cảm thế nào khi trước đó vài năm mẹ bà đã mất vì bạo bệnh. Sau đó, trong những lần ngồi bên hai con (bà Tú Anh và em gái bà), ông Chỉnh thường khóc và đọc bài thơ “Khóc anh Hoàng Văn Thụ” cho các con nghe. Hồi đó, vì còn nhỏ, nên bà Tú Anh chưa hiểu Hoàng Văn Thụ là ai, chỉ thấy đó là bài thơ buồn nhưng đầy khí phách. Bà cứ nghe nhiều thành quen, rồi thuộc lòng bài thơ lúc nào không hay.

Kể đến đây, bà Tú Anh đọc lại bài thơ “Khóc anh Hoàng Văn Thụ” cho tôi nghe, trong đó cảm xúc nhất là những đoạn: “Tiếng súng thét anh Hoàng Văn Thụ/Thân đổ nghiêng máu đỏ tuôn tràn/Pháp trường ảm đạm màu tang/Cây rung hạt lệ khóc trang anh hùng/Mười lăm năm vẫy vùng ngang dọc/Anh đã vì dân tộc hy sinh/…/Ba mươi sáu tuổi đời anh/Tắt trong một đoạn bình minh khói mờ/…/Cờ khởi nghĩa tung bay trước gió/Đoàn quân đi núi đổ sấm vang/Xông pha rửa nhục non sông/Và cùng rửa hận anh hùng Việt Nam”.

Bà Tú Anh cho biết, hồi đó do còn nhỏ, bà không biết và sau này cũng không có dịp hỏi bố tác giả bài thơ là ai. Bà chỉ biết rằng bài thơ ra đời sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh ít lâu, như là lời tiễn biệt một nhà cách mạng kiên trung của Đảng. Rồi bà chia sẻ: “Tôi nghe bố kể lại, sau khi địch xử bắn đồng chí Hoàng Văn Thụ tại pháp trường Tương Mai (Hà Nội) năm 1944, mộ ông đã được lập gần đó. Những năm sau này, mỗi khi có dịp là bố tôi lại đạp xe đến mộ để thắp hương cho đồng chí Hoàng Văn Thụ”.

Vĩ thanh tưởng nhớ người đã khuất ảnh 1

Bản chép tay bài thơ “Khóc anh Hoàng Văn Thụ” của bà Tú Anh

Vĩ thanh tưởng nhớ người đã khuất ảnh 2

Ông Lê Văn Chỉnh. Ảnh gia đình cung cấp 

Chiều 24/5/1944, là ngày tòa án binh Pháp xử tử anh Hoàng Văn Thụ (anh Lý). Trong thời gian bị bắt, tổ chức đã nhiều lần tìm cách cứu anh nhưng vô hiệu…

Họp với các đồng chí trong Tổ công tác giúp việc cho Trung ương, anh Trường Chinh nói: “Báo nên có bài khóc anh Thụ. Một bài thơ càng hay”.

Từ hôm đó, mọi người đều nghĩ về anh Thụ, và bài thơ dài 44 câu theo thể song thất lục bát ra đời. Đọc bài thơ thấy hào khí của người anh hùng, và thấy cảnh tàn ác của thực dân Pháp, cảnh thê lương của chiến tranh. Có đồng chí đã lẳng lặng chép bài thơ đó thành nhiều bản đem dán ở trường bắn Tân - Mai nơi xử anh Thụ.

Người viết bài thơ đó, họ Tạ, tên Phách (Tạ Ngọc Phách).

(Theo Nhà thơ Võ Bá Cường)

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.