Vì sao xử lý nợ xấu cần ưu tiên số 1?

Vì sao xử lý nợ xấu cần ưu tiên số 1?
TPO - Hơn 1 năm ngồi vị trí Thống đốc, một trong những ưu tiên số 1 của ngành mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước - ông Lê Minh Hưng đau đáu là phải làm sao tháo gỡ được những rào cản về nợ xấu.

Trước thực trạng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và công tác xử lý còn chậm, gặp nhiều trở ngại,  sau rất nhiều tháo gỡ, tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã trình Quốc hội nghị quyết mới về xử lý nợ xấu. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600.000 tỉ đồng.

Cụ thể, báo cáo tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 22/5 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”(VAMC) ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định.

Trong 4 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Kết quả này đã góp phần giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt...

Bên cạnh kết quả nêu trên, quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Chẳng hạn quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài, thi hành án rất chậm, không hiệu quả; hay việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để; nhiều khoản nợ xấu tại các TCTD bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu…

"Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu đã bán cho VAMC, chưa xử lý chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này sẽ là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế,” Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, đến nay, việc xử lý nợ xấu của các TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc, do vậy NHNN cho rằng để triển khai thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, cần phải có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu do Quốc hội ban hành.

"Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015, các TCTD yếu kém đã được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của nhà nước và nhân dân được đảm bảo an toàn; Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, sử dụng các nguồn lực của xã hội; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo từng bước được xử lý; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD đã được cải thiện, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng đã dần được hoàn thiện và đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế,” Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng quá trình triển khai cơ cấu lại các TCTD còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là hiệu quả kinh doanh của các TCTD chưa cao do hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, áp lực từ nợ xấu lớn; Tỷ lệ nợ xấu đã được kiểm soát dưới 3% nhưng nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Cùng ngày, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo nhận định về Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của Chính phủ.

Theo đánh giá của BVSC, nghị quyết lần này đã gỡ được rất nhiều nút thắt hiện nay trong việc xử lý nợ xấu. Thứ nhất, dự thảo nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.

Thứ hai, về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều nút thắt trong luật đất đai hiện hành đã được xử lý. Cụ thể, bên có tài sản phải có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho các TCTD để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Thêm vào đó, nghị quyết mới đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Điều này giúp các TCTD rút ngắn thời gian thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng chây ỳ của người vay nợ. Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm.

BVSC cho biết: theo tờ trình của Chính phủ, tính đến 31/12/2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế.  Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này, BVSC cho rằng nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ sớm được đưa vào thực hiện, giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Diễn biến trên thị trường chứng khoán phiên hôm nay cũng cho thấy kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư liên quan đến vấn đề này khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh và trở thành nhóm dẫn dắt cho chỉ số chung.

MỚI - NÓNG