Sáng nay (7/4), tại Hậu Giang diễn ra hội nghị “Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, đến hết năm 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 2.615 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và 20 liên hiệp HTXNN, chiếm 13,4% tổng số HTXNN toàn quốc.
Các HTXNN ở ĐBSCL tập trung nhiều ở lĩnh vực trồng trọt (lúa, cây ăn quả) với 1.266 HTX, chiếm 52%; nuôi trồng thủy sản (tôm, cá) là 327 HTX, chiếm 13,5%. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, khai thác thủy sản, cung cấp nước sạch nông thôn chiếm tỷ lệ thấp.
Quang cảnh hội nghị. |
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, với trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản. Hiện nay toàn vùng đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản và 36,5% lượng trái cây cả nước…
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năng lực của các HTXNN trong vùng ĐBSCL nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ cán bộ, thiếu cán bộ kỹ thuật. Thành viên HTX cũng khó khăn về nguồn vốn. Do đó, HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững (GAP).
Các chính sách hỗ trợ HTXNN như tín dụng, khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ rủi ro thiên tai dịch bệnh... thời gian qua các HTX nhìn chung khó tiếp cận; chưa tỉnh nào ở ĐBSCL tổ chức được bảo hiểm nông nghiệp. Nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ HTX còn hạn chế...
Là vựa nông nghiệp của cả nước nhưng số lượng HTXNN ở ĐBSCL còn khiêm tốn. |
Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang - cho rằng, đa số HTXNN hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; các dịch vụ quan trọng như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm, nên số HTX thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân còn ít, hiện mới chỉ có khoảng 12% số HTX thực hiện việc bao tiêu một phần nông sản cho nông dân.
Các mặt hàng nông sản của HTX làm ra tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đảm bảo chất lượng và ổn định về số lượng do việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trên cây trồng, vật nuôi còn ít; số lượng HTX xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa chưa nhiều, các sản phẩm của HTX đóng gói, bao bì còn ít… nên chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, người tiêu dùng, sức cạnh tranh trên thị trường thấp.
Hầu hết các HTXNN đều không có trụ sở làm việc; cơ sở vật chất như máy móc thiết bị cũ, vẫn còn nhiều HTX chưa tiếp cận được công nghệ sản xuất hiện đại. Năng lực nội tại và quản trị của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh, lúng túng trong định hướng hoạt động, đầu ra không ổn định, chi phí cao nên lợi nhuận thấp, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp...