Vì sao tỷ lệ nam giới mắc ung thư cao hơn nữ giới?

Vì sao tỷ lệ nam giới mắc ung thư cao hơn nữ giới?
TPO - Tại hội thảo Diễn đàn chuyên gia ung thư các nước Đông Dương do Bệnh viện K tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

          PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, ước tính các bệnh không lây nhiễm chiếm 2/3 tổng số gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, trong số này tử vong do ung thư chiếm 18%. TS Phu khẳng định, ung thư và các bênh không lây nhiễm khác là nguyên nhân chính dẫn đến quá tải bệnh viện. Chi phí điều trị các bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư gấp nhiều lần các bệnh khác, đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền và phải điều trị lâu dài, có nhiều biến chứng.

PGS. TS Trần Thanh Hương,  Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia chia sẻ, tại Việt Nam, cứ 10 người thì có tới 7 người tử vong vì các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh ung thư. Bà Hương cho biết thêm, số bệnh nhân tử vong vì bệnh ung thư cao hơn hẳn so với các nguyên nhân khác, phổ biến là các loại bệnh ung thư như: phổi, gan, ung thư vú, đại trực tràng…

Tại Việt Nam, tỷ lệ ung thư ở nam giới cao hơn hẳn nữ giới do tình trạng lạm dụng rượu, bia và các chất có cồn. Trong số 15 yếu tố nguy cơ khiến con người dễ mắc bệnh nhất, rượu bia và thuốc lá cũng chiếm vị trí hàng đầu.

GS.TS Trần Văn Thuấn thông tin, tỷ lệ mắc mới ung thư ở nam giới Việt Nam từ năm 2004 – 2013 tăng dần theo từng năm, nhất là 3 loại ung thư phổi, gan và vú lên tới gần 30%, trong đó Hà Nội dẫn đầu cả nước với hơn 9000 ca ung thư phổi, 4000 ca ung thư gan và hơn 5500 ca ung thư dạ dày. Đối với nữ giới, bệnh ung thư phổ biến nhất trong giai đoạn trên là ung thư vú với số liệu thống kê ở Hà Nội là hơn 8000 ca mắc mới, độ tuổi từ 29 – 75 tuổi.

Phát biểu tại diễn đàn, GS.TS Trần Văn Thuấn nêu rõ: Với mong muốn đưa ra những thông tin chi tiết về thực trạng ghi nhận, dự phòng và điều trị ung thư, dựa vào đó xây dựng nên những chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả kiểm soát ung thư trong khu vực Đông Dương, Bệnh viện K đã tổ chức “Diễn đàn chuyên gia ung thư các nước Đông Dương”. Theo lãnh đạo Bệnh viện K, đây là cơ hội quý báu đề cùng bàn bạc, thảo luận về các lĩnh vực trong nghiên cứu, dự phòng, chẩn đoán và điều trị ung thư tại các nước Đông Dương.

MỚI - NÓNG