Bước đi của Trung Quốc nhằm tiếp tục tước đi quyền tự trị của Hong Kong không phải hành động vội vàng, mà là tính toán có chủ đích, được chuẩn bị trong nhiều tháng. Bắc Kinh đã tính đến những rủi ro từ phản ứng quốc tế và đánh giá rằng họ sẽ không phải trả cái giá địa chính trị đáng kể nào.
Khi thế giới đang bận đối phó với đại dịch và những hậu quả kinh tế - xã hội sau đó, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động quyết liệt trong những tuần gần đây để phô trương sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế ở khu vực.
Tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), bám theo tàu thăm dò dầu khí của Malaysia, gây sức ép trước và trong lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, và bỏ từ “hòa bình” trong lời kêu gọi hằng năm về vấn đề thống nhất hòn đảo.
Quân đội Trung Quốc vừa đối đầu với quân của Ấn Độ trên vùng biên giới tranh chấp lâu năm của hai nước trên dãy Himalaya.
Tất cả những căng thẳng kéo dài đó, cùng với quyết định sẽ áp luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong – vượt qua cả tiến trình lập pháp của đặc khu – cho thấy điều gì có thể xảy ra khi Trung Quốc không kiềm chế, không còn lo ngại về phản ứng quốc tế.
Những cuộc biểu tình tái bùng lên ở Hong Kong hôm 24/5 và cưỡng lại sự kiểm soát lớn hơn của Bắc Kinh có thể đe dọa vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong.
Báo chí chính thống Trung Quốc chỉ trích Mỹ và các nước khác là ủng hộ “những thành phần ly khai” và “khủng bố” ở Hong Kong để làm suy yếu quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong vấn đề xử lý COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các trợ lý cáo buộc Trung Quốc gây ra tình trạng đại dịch lây lan ở Mỹ. Nhưng những chỉ trích đó không ảnh hưởng nhiều đến hành động của lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh đáp trả không hề “kém miếng”. Trung Quốc chỉ trích rằng thất bại ở Mỹ và các nước khác là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có mô hình quản trị tốt hơn.
Để đáp trả, chính quyền Trump gia tăng các hành động tấn công Trung Quốc, áp các biện pháp hạn chế thương mại và công nghệ, ca ngợi lãnh đạo Đài Loan hay làm lễ tưởng niệm 11 năm ngày lãnh đạo tinh thần của người Phật giáo ở Tây Tạng biến mất.
“Mỹ thực tế là đang đổ thêm dầu vào lửa, từng thùng một. Chính phủ Trung Quốc do đó chỉ bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia cơ bản nhất.”, Tian Feilong, giáo sư ngành luật tại ĐH Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, nói với báo Mỹ New York Times.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 24/5 nói rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể làm việc với nhau để thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu, nhưng lên án một số người ở Mỹ đang tìm kiếm bá quyền cho Washington.
“Đã đến lúc Mỹ từ bỏ mong muốn thay đổi Trung Quốc”, ông Vương Nghị nói, rồi cáo buộc các quan chức Mỹ mang tư tưởng Chiến tranh Lạnh.
Jean-Pierre Cabestan, một giao sư công tác tại ĐH Baptist Hong Kong, cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc sẽ bất chấp chỉ trích quốc tế để ngăn chặn điều mà họ coi là sự xâm phạm của nước ngoài vào an ninh quốc gia của Trung Quốc, trong khi Hong Kong ngày càng bị coi là nhân tố gây bất ổn cho nhà nước.
Những thách thức mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt xuất hiện vào thời điểm các đối thủ của Trung Quốc, trước hết là Mỹ, đang lộn xộn, giúp ông Tập có thêm nhiều dư địa để hành động.
Anh, một bên ký kết của hiệp ước năm 1984 về việc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, vừa cùng Úc và Canada ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc”. Các quan chức chính quyền Mỹ lên án bước đi của Bắc Kinh, cảnh báo Washington có thể tước bỏ đặc quyền về thương mại hoặc áp các biện pháp trừng phạt Hong Kong. Còn ông Trump chưa nói gì nhiều.
Với những ai ủng hộ vị thế của Hong Kong như một ngã ba về văn hóa và thương mại của châu Á, những cảnh báo như vậy không còn đủ để gạt đi quyết tâm của Bắc Kinh.
Victoria Hui, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Notre Dame và là tác giả của một cuốn sách xuất bản năm 2014 về Phong trào Dù ở Hong Kong, cho rằng cộng đồng quốc tế thường lên án việc Trung Quốc từng bước siết kiểm soát đặc khu, nhưng không có hành động trừng phạt thực sự nào.
“Phản ứng của cộng đồng quốc tế vẫn quá yếu. Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận việc các chính phủ nước ngoài chỉ dùng lời nói mà không có hành động”, ông Hui nói.
Khi Đài Loan tiến tới cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên vào năm 1996, Trung Quốc triển khai các cuộc bắn thử tên lửa ở Eo biển Đài Loan. Nhưng Bắc Kinh phải xuống nước khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi đó ra lệnh cho các tàu sân bay Mỹ tiến vào vùng biển này để thể hiện sự hỗ trợ về quân sự đối với Đài Bắc.
Nhưng các nhà phân tích đánh giá vị thế của Trung Quốc ngày nay đã rất khác, khiến lãnh đạo nước này sẵn sàng hành động quyết liệt hơn, bất chấp những chỉ trích quốc tế đối với cách hành xử của Trung Quốc ở trong và ngoài nước.
Ở biên giới với Ấn Độ, lực lượng Trung Quốc tháng trước có hai lần xung đột với quân Ấn Độ. Ấn Độ tố cáo Trung Quốc ngăn cản họ tuần tra bên phần của mình tính từ Đường kiểm soát, tức biên giới không chính thức giữa hai nước.
Trung Quốc cũng tăng cường hành động đơn phương nhằm độc chiếm biển Đông, phớt lờ tuyên bố chủ quyền của các nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines.
Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc thành lập 2 cái gọi là quận hành chính mới để cai quản những đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Hải quân Trung Quốc còn nói đã thành công trong việc trồng bắp cải và các loại rau khác trên đất cát của đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa để phục vụ binh lính đóng ở đó. “Sự hung hăng của Trung Quốc không phải chỉ ở lời nói”, bà Alice G. Wells, một trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nói trong hội thảo qua điện thoại ở Washington tuần trước.
“Dù trên biển Đông hay dọc biên giới với Ấn Độ, chúng ta tiếp tục thấy những hành vi khiêu khích và gây rối của Trung Quốc, làm dấy lên nhiều câu hỏi về cách Trung Quốc sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình”, bà Wells nói.