Vì sao Triều Tiên, Hàn Quốc dọa nhau chán rồi thôi?

Quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên tại cuộc đàm phán cuối tuần qua.
Quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên tại cuộc đàm phán cuối tuần qua.
TP - Liên tục mấy ngày qua, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc có những lời lẽ cứng rắn và huy động lực lượng căng thẳng đến mức nhiều người tưởng họ sắp tấn công nhau đến nơi. Giới quan sát cho rằng, hành động đó và việc hai bên đạt được thỏa thuận tốt ngỡ ngàng là do Bình Nhưỡng và Seoul quá hiểu nhau.

Căng thẳng bắt đầu tăng khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đặt mìn ở khu vực biên giới làm hai lính của họ bị thương. Khi Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này, Seoul trả đũa bằng cách dùng nhiều loa công suất lớn phát nhạc K-pop và những thứ khác sang bên kia biên giới. Theo TS Justin Hastings tại Đại học Sydney, một trong những điều Triều Tiên ghét nhất là thông tin từ thế giới bên ngoài, dưới bất kỳ dạng nào.

Ông Hastings cho rằng, Triều Tiên không muốn người dân của họ, đặc biệt là binh lính, bị Hàn Quốc và cả phương Tây lôi kéo. Suốt 2 tuần, Hàn Quốc bật kênh phát thanh Tiếng nói Tự do qua biên giới. Thông tin từ kênh này gồm những đoạn nói chuyện thông thường, những nội dung chống Triều Tiên, chuyện kể của những người đào tẩu, báo cáo về nhân quyền và nhạc K-pop của Hàn Quốc. Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng xin lỗi vì vụ nổ mìn và dùng loa phóng thanh để thúc đẩy đòi hỏi này.

Triều Tiên bác bỏ, rồi trả đũa bằng cách huy động vài chục tàu ngầm và tăng cường lực lượng pháo binh ở tiền tuyến. Quân đội Hàn Quốc giương ăng-ten trong khi Mỹ đưa máy bay chiến đấu lượn khắp khu vực. Cuối tuần qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh cho quân đội chuẩn bị chiến tranh, khiến Liên Hợp Quốc phải kêu gọi hai bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Sau hơn 40 giờ đối thoại, hai bên đã đạt được đồng thuận hôm 25/8. Hàn Quốc tắt các loa phóng thanh, còn Triều Tiên “bày tỏ lấy làm tiếc” về vụ nổ mìn.

TS Hastings cho rằng, dù căng thẳng Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt đến mức khủng hoảng, ông vẫn tin rằng rất khó xảy ra một cuộc chiến toàn diện trên bán đảo Triều Tiên, trừ khi một trong hai “tính toán sai lầm nghiêm trọng”. “Tôi không nghĩ hai bên chủ ý đi xa (chiến tranh thực sự) đến vậy”, TS Hastings nói với báo Úc News. “Triều Tiên đã thành thạo sách lược tạo ra khủng hoảng. Họ không bao giờ chủ ý đẩy tình hình đến mức chiến tranh, nhưng cũng có khả năng một trong hai bên tính toán sai, ví dụ như một trong các tàu ngầm đi quá xa”, ông Hastings nói.

Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên tạo ra các cuộc khủng hoảng vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là để thử Hàn Quốc. “Nói chung họ thường tạo ra mâu thuẫn nào đó, sau đó đẩy tình hình đến mức sắp chiến tranh để xem Hàn Quốc phản ứng thế nào, để xem Hàn Quốc có nhượng bộ không và liệu có đáp ứng đòi hỏi của họ không. Họ có vẻ cũng làm điều đó để các nước khác chú ý đến họ”, ông Hastings nói.

Các học giả cho rằng, Hàn Quốc hiểu rõ cách nghĩ của Triều Tiên, nên có thể làm những điều thực sự khiến Triều Tiên khó chịu, và ngược lại. “Đó là sự thù hận giữa hai nước liên quan chặt chẽ với nhau, và bởi xung đột đến từ việc hai bên quá hiểu chứ không phải hiểu nhầm nhau”, TS Hastings nói.

Sau khi hai miền đạt được thỏa thuận ngừng đối đầu, Hàn Quốc hôm qua nói rằng họ để mở cơ hội đối thoại thêm với Triều Tiên về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin.

MỚI - NÓNG