Chủ nhân của các giải Nobel 2016 trong các lĩnh vực Vật lý, Y học, Hóa học đều là nam giới, thấp nhất là 65 tuổi và hầu hết là trên 72 tuổi.
Tuổi của những người đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học có xu hướng tăng, trong khi ở lĩnh vực Nobel Hòa bình có xu hướng giảm. (Đồ họa: BBC)
Tuy nhiên, quay ngược lại nửa đầu thế kỷ 20, tuổi trung bình của những người đoạt giải Nobel chỉ là 56. Chủ nhân các giải Nobel Vật lý trước đây có độ tuổi trung bình 47 nhưng giờ đây thường là một nhóm nam giới trong độ tuổi cuối 60.
Trên thực tế, trong tất cả các lĩnh vực khoa học truyền thống, có một khuynh hướng đáng chú ý là các nhà khoa học thường đoạt giải Nobel ở những năm về sau của cuộc đời. Khuynh hướng này bắt đầu từ khoảng những năm 1950 và tiếp tục cho tới ngày nay.
Vì sao vậy? Liệu có phải là do ngày nay có nhiều thông tin và học thuyết tới nỗi các đột phá khoa học chỉ xảy ra ở tuổi già?
Đó dường như không phải là câu trả lời.
Gustav Källstrand, hướng dẫn viên chính tại bảo tàng Nobel ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), cho hay 100 năm trước chỉ có khoảng 1.000 nhà vật lý. Nhưng ngày nay, ước tính có 1 triệu nhà vật lý trên thế giới.
“Vì vậy đây là một nhân tố quan trọng. Thời gian chờ đợi để nhận một giải Nobel đang trở nên lâu hơn và họ không nhận được giải thưởng ngay tức thì sau một phát hiện đột phá nào đó”, ông Källstrand nói.
Ngày nay các nhà khoa học có các phát minh khi còn trẻ nhưng hàng nghìn người khác cũng như vậy, và ủy ban giải Nobel đạt ra quy chuẩn cao về quá trình đánh giá nên các nhà khoa học phải mất nhiều năm mới giành được giải thưởng.
Các quốc gia có số người đoạt giải Nobel cao (Đồ họa: BBC)
Nhưng giờ đây cũng có thêm hàng nghìn nhà văn, nhà kinh tế và những người hoạt động vì hòa bình so với 100 năm trước. Khuynh hướng tuổi của những người đoạt giải lại hơi khác. Và tại sao những người đoạt giải Nobel Vật lý lại già hơn so với những người đoạt giải trong lĩnh vực Y học?
Đó có thể là do cuộc cách mạng khoa học vào đầu thế kỷ 20, được tạo ra bởi lĩnh vực đang bùng nổ khi đó là cơ học lượng tử.
Ông Källstrand nhấn mạnh rằng: “Vật lý trong nửa đầu thế kỷ 20 là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Nhiều nhà vật lý học còn trẻ và họ có những phát hiện khoa học rất sớm”.
“Ủy ban Nobel biết điều đó. Đó là một lĩnh vực họ quan tâm và họ đã công nhận các thành tựu khá sớm”, Källstrand nói.
Các nhà khoa học Werner Heisenberg và Paul Dirac mới 31 tuổi khi họ đoạt giải Nobel Vật Lý vào những năm 1930, cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực cơ học lượng tử.
Về câu hỏi tại sao những người đoạt giải Nobel Hòa bình lại có khuynh hướng trẻ hơn, ông Källstrand cho hay giải thưởng này lại có những điểm rất khác.
“Ủy ban Nobel Hòa bình luôn cố gắng cập nhật. Họ không cần đợi để xem các biện pháp hòa bình có thành công hoàn toàn hay không, ví dụ như xem nền dân chủ tại Indonesia có tồn tại mãi mãi không”, ông Källstrand lý giải.
“Cuộc cách mạng” chậm chạp nhất
Bất chấp nhiều thay đổi trong lĩnh vực khoa học và nhân đạo, có một điều không mấy thay đổi là phần lớn các chủ nhân giải Nobel là nam giới.
Biểu đồ cho thấy tỷ lệ nam giới (đường màu đỏ) giành giải Nobel áp đảo so với nữ giới (đường màu xanh) (Đồ họa: BBC)
Do số lượng các nhà khoa học gia tăng khiến các ứng viên tiềm năng phải mất nhiều năm chờ đợi để nhận giải, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ nam giới nhận giải áp đảo nữ hiện thời phản ánh thế giới ra sao nhiều thập niên trước.
Nam giới hiện vẫn áp đảo trong lĩnh vực khoa học, nhưng một khi sự đa dạng được cải thiện và sự tồn đọng về các ứng viên giảm bớt thì sự trao giải công bằng rồi sẽ có lúc trở thành hiện thực.
Bảo tàng Nobel khẳng định rằng mặc dù không có ghi chép nào về việc Ủy ban Nobel cố tình không chú ý tới các công trình của phụ nữ nhưng trên thực tế đã có một câu chuyện về việc ủy ban “lách luật” để ủng hộ phụ nữ.
Vào năm 1903, khi Marie Curie không được đề cử cho giải Nobel, chồng bà và cũng là người cùng nghiên cứu với bà về phóng xạ đã phản đối điều này. Sau đó, dù muộn nhưng ủy ban đã chấp nhận đưa tên bà vào danh sách đề cử. Năm đó, bà Marie cùng người chồng Pierre đã giành giải Nobel Vật lý cùng nhà vật lý người Pháp Henri Becquerel. Marie trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel.