Vì sao Nhật Bản quyết giải cứu Sharp?

Khách hàng đi qua một quảng cáo của Sharp trong siêu thị. Ảnh: Bloomberg
Khách hàng đi qua một quảng cáo của Sharp trong siêu thị. Ảnh: Bloomberg
Không muốn để công nghệ trong nước rơi vào tay Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc), Chính phủ Nhật quyết tâm cứu trợ, bất chấp thiệt hại về uy tín.

Là hãng điện tử lâu đời có tiếng Nhật Bản, nhưng Sharp đã thua lỗ từ nhiều năm nay. Với năm tài chính kết thúc vào tháng 3 này, giới phân tích dự báo hãng sẽ lỗ tới 694 triệu USD. Sharp đang đàm phán với 2 vị cứu tinh: Foxconn Technology Group của Đài Loan (Trung Quốc) và Innovation Network Corp. of Japan (INCJ) - quỹ đầu tư quốc doanh của Nhật Bản.

Foxconn ra giá 5,1 tỷ USD, còn INCJ muốn trả 2,6 tỷ USD. Chủ tịch Foxconn - Terry Gou cũng đã gặp các ngân hàng cho vay Sharp cũng như quan chức Chính phủ để thúc đẩy thương vụ, một nguồn tin thân cận cho biết.

Thoạt nhìn, phần thắng có vẻ thuộc về Foxconn. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, các công ty đang gặp rắc rối từ lâu luôn phải dựa vào Chính phủ. Và theo một nguồn tin thân cận của Bloomberg, ban lãnh đạo của Sharp nghiêng về phương án thứ 2 hơn.

Những người chỉ trích cho rằng Sharp chính là bằng chứng của việc Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe không kiên quyết với các biện pháp cải tổ cứng rắn. Sau khi cam kết tự do hóa thị trường lao động và nói lỏng kiểm soát nhiều ngành công nghiệp, ông vẫn chưa thực hiện được các thay đổi đáng kể.

Từ khi ông Abe nhậm chức, Nhật Bản đã 3 lần rơi vào suy thoái. "Đây là phép thử với ông Abe", Michael Cucek - Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Temple nhận xét.

Những người ủng hộ cứu Sharp cho rằng đây là bước đi chiến lược của INCJ để bảo vệ việc làm và các ngành công nghiệp trong nước, từ màn hình smartphone đến tủ lạnh, không để Nhật Bản quay về thời mới công nghiệp hóa. "Nhật Bản chưa sẵn sàng bán những viên ngọc quý trên vương miện công nghệ cho các quốc gia đối thủ. Điều này cũng như các nước khác thôi", Nicholas Smith - chiến lược gia tại hãng môi giới CLSA nhận xét.

Danh tiếng của Nhật Bản trong việc hồi sinh các doanh nghiệp sắp đổ vỡ đã có từ thập niên 90. Khi đó, nợ xấu của nước này vượt GDP, còn giảm phát bắt đầu kéo dài. IRCJ - tiền thân của INCJ ngày nay - trở thành cơ quan chuyên đi giải cứu các công ty và tái cấu trúc cả ngành công nghiệp, từ xây dựng đến du lịch.

INCJ được thành lập năm 2009 với 2.000 tỷ yên, phần lớn thuộc sở hữu Chính phủ. Các khoản đầu tư lớn nhất của hãng này trước nay đều vào mảng chip và màn hình của các hãng điện tử lớn.

INCJ đã đổ tiền vào Renesas Electronics - công ty hình thành năm 2010 từ mảng bán dẫn của các hãng Mitsubishi Electric, Hitachi và NEC. 4 năm sau, INCJ lại tạo ra Japan Display từ mảng sản xuất màn hình đang gặp khó của Toshiba, Sony và Hitachi.

Để Sharp vào tay một nhà đầu tư ngoại sẽ đe dọa Japan Display và có lẽ là cả ngành sản xuất màn hình điện thoại trong nước. Công nghệ IGZO của Sharp cho phép tạo ra màn hình có độ phân giải tốt hơn, cảm ứng nhạy hơn và ít tốn pin hơn sản phẩm của các đối thủ. Công nghệ này có thể được Foxconn sử dụng trong các nhà máy tại Trung Quốc của hãng.

Nếu kết hợp được Sharp với Japan Display, Nhật Bản sẽ tạo ra một hãng sản xuất màn hình có thể cạnh tranh thị phần với Samsung Display. 9 tháng đầu năm 2015, hãng công nghệ Hàn Quốc đã xuất xưởng 24% số màn hình cỡ vừa và nhỏ trên thế giới, hãng nghiên cứu IHS cho biết. Japan Display đứng thứ 2 với 15%, theo sau là LG Display và Sharp với lần lượt 13% và 9%.

"Japan Display có lẽ không muốn ôm thêm công suất dư thừa từ Sharp đâu, nhưng vẫn còn hơn là để công nghệ rơi vào tay Foxconn", Alberto Moel - nhà phân tích công nghệ tại Sanford C. Bernstein cho biết.

Động thái cứu trợ có lẽ sẽ khiến nhiều doanh nhân Nhật Bản và nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Họ sẽ coi đây là một ví dụ cho việc Chính phủ dùng tiền thuế của dân để bảo vệ các công ty lâu đời. "Việc này không hề tốt với cải tổ quản trị. Và nó cũng chẳng phải điều hay ho gì với Chính phủ Nhật Bản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài", Nicholas Benes – Giám đốc Viện đào tạo Hội đồng Quản trị tại Nhật Bản cho biết.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.