Vì sao người dân 'khoái' ông Nguyễn Bá Thanh?

Vì sao người dân 'khoái' ông Nguyễn Bá Thanh?
TPO - Người dân “khoái” ông Nguyễn Bá Thanh không chỉ bởi phong cách nói và làm cuốn hút, hết sức cụ thể và thiết thực, thậm chí thẳng đến mức nhiều khi làm cấp dưới toát mồ hôi...

> Ông Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương
> Nguyễn Bá Thanh sắp để lại Đà Nẵng sau lưng

Ông Nguyễn Bá Thanh giải đáp kiến nghị của dân. Ảnh: Nguyễn Huy
Ông Nguyễn Bá Thanh giải đáp kiến nghị của dân. Ảnh: Nguyễn Huy.

Cũng đúng thôi, bởi những điều ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vừa được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Nội chính T.Ư, nói ra đều giống như mệnh lệnh, nhưng lại gần gũi và thiết thực với đời sống mỗi người dân, là động lực để biến nơi đây trở thành “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi ông Thanh đăng đàn nói chuyện hay tới mỗi kỳ đại hội HĐND thành phố sắp diễn ra, đa phần người dân Đà Nẵng đều có chung tâm trạng háo hức chờ đợi.

Người ta chờ không phải bởi có quá nhiều điều bức xúc cần phải giải quyết, người ta đợi không phải có quá nhiều điều trong cuộc sống cần phải đổi thay. Cái mà người dân chờ đợi ở đây chính là để nghe ông Bí thư sẽ nói gì, vì mỗi lời ông nói trước bàn dân thiên hạ đều gắn với những quyết sách quan trọng của thành phố, ảnh hưởng thiết thực đến cuộc sống người dân và làm cuộc sống của họ ngày một tốt lên.

'Không biết mấy ổng làm kiểu chi?'

Mới đây thôi, tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng hồ hởi khoe: “Đà Nẵng được Diễn đàn hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tôn vinh là một trong 20 thành phố sạch nhất thế giới”.

Nghe tin này, ông Thanh tỏ ra nghi ngờ: “Không biết mấy ổng chấm kiểu chi mà tui thấy chưa sướng lắm nghe. Chắc mấy ổng không đi vào chỗ mà hôm trước tôi và anh Huy (ông Trần Văn Huy – Bí thư quận Thanh Khê) lội vô ở ven sân bay. Mấy ông tới đó chắc không chấm điểm Đà Nẵng đâu. Úi chui cha, đô thị chi rứa mà là đô thị, ăn ở mất về sinh, rác rưởi vất tùm lum”.

Kỳ thật, đến được khen mà cũng chưa mãn nguyện. Dường như, cái hay nhất của ông Thanh làm mọi người thích thú ở chỗ đó. Ông thấy được cái vẫn còn hạn chế của thành phố, không tự vỗ ngực, dù đó là người khác khen; không tự cao tự đại để rồi dẫn đến tự mãn, mặc dù lời khen đó xét cho cùng cũng không phải không có sơ sở.

Tuy nhiên, cái hay của ông Thanh lại ở chỗ ông tự nhủ và “khích tướng” để mọi người làm tốt hơn: “Dù muốn hay không, họ cũng công bố rồi. Mình lỡ bị công bố nên phải làm cho tốt hơn, chứ làm không đạt là mang tiếng”.

Qua việc này, người dân lại càng thích ông hơn, bởi cái tính đi sâu sát, gắn bó với thực tế, với người dân lao động để tìm ra cái xấu, cái chưa tốt của thành phố, và đề ra những quyết sách có lợi hơn cho cuộc sống người dân, tốt hơn cho sự phát triển của thành phố.

"Không làm được thì nên từ chức"

Người dân “khoái” nghe ông Thanh không chỉ vì cái cách nói cuốn hút vừa dân dã, vừa dể nghe, dễ hiểu nhưng lại hết sức cụ thể và thiết thực. Nó không nặng nề kiểu Nghị quyết này, Thông tư nọ, chi bộ này, đồng chí kia, mà luôn đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, không vòng vo, hết sức công khai và minh bạch.

Nhớ lại cách đây gần một năm khi ông Trần Văn Minh – nguyên Chủ tịch thành phố, mới được điều động ra làm Phó ban tổ chức TƯ và thành phố còn khuyết chức danh quan trọng như Chủ tịch, Phó chủ tịch và Giám đốc Sở Xây dựng, ông Thanh đã “đăng đàn” để nói chuyện với hơn 4.500 cán bộ chủ chốt.

Tại buổi nói chuyện này, rất nhiều người “không mời mà đến”, gồm cán bộ về hưu, người dân, cánh báo chí và được truyền hình trực tiếp… dẫn đến hội trường quá tải.

Tại đây, mỗi ứng viên vào những chức danh quan trọng trên đã được ông Thanh nêu lên và phân tích, mổ xẻ xem ông nào giỏi, ông nào tài và đâu là hạn chế của mỗi ông, để rồi cuối cùng, khi các chức danh trên được bổ nhiệm, đại đa số người dân đều đồng tình và cho là hợp lý và rất đúng người, đúng việc.

Có lẽ, đây cũng là địa phương duy nhất trên cả nước mà cái chức danh to nhất của địa phương được đem ra “bình” trước bàn dân thiên hạ.

Hay cũng mới đây thôi, khi nói về hiện tượng cướp giật lộng hành tại các thành phố lớn, ông Thanh cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là “sự đáng xấu hổ” của chính quyền. Ông chỉ mặt điểm tên những cơ quan phải chịu trách nhiệm là chính quyền và công an.

Ông so sánh: “Ở Hàn Quốc hay Singapore có bao giờ người ta hô hào cả hệ thống chính trị phải vào cuộc khi tệ nạn xã hội xảy ra đâu, mà người đầu tiên phải chịu trách nhiệm là chính quyền và công an. Không làm được thì tự động xin từ chức đi, chứ đừng đổ lỗi cho tập thể, cho người dân. Trách nhiệm của chính quyền là phải đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân chứ sao lại cứ đổ lỗi cho người này, người nọ”.

Và cũng không ít lần trước thiên hạ, ông Thanh "răn đe" chính quyền: “Việc này là của chính quyền, nếu thấy có lợi cho dân thì phải làm ngay đi chứ, sao cứ phải chần chừ. Nếu các ông không làm tui sẽ dùng quyền Chủ tịch HĐND thành phố để quyết cho coi”.

Thế mới biết, để người dân đồng tình và nghe và làm theo không phải dễ. Muốn làm được điều đó, người lãnh đạo phải có cái tâm, cái tầm, công khai minh bạch và đặc biệt phải cương quyết thực hiện cho bằng được.

Phải thành thực mà nói, trong mấy năm qua, Đà Nẵng đã trở thành một địa phương có tốc độ phát triển vượt bậc, một “hiện tượng” về cải cách và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, một mô hình để các nơi khác cần thiết phải suy ngẫm và noi theo.

“Thương hiệu” người đứng đầu

Nếu nói về lãnh đạo một tỉnh thành nào trên cả nước thì “Nguyễn Bá Thanh” chắc chắn là “thương hiệu” mà nhiều người biết đến. Đó là Bí thư thành ủy Đà Nẵng - ông Nguyễn Bá Thanh.

Người tán dương ông tài giỏi, xuất chúng, kẻ lại dè bửu chê bai ông chuyên chế, độc tài, nhưng tựu chung, bất cứ người dân nào của Đà Nẵng cũng phải tâm phục, khẩu phục mà công nhận: những gì ông Thanh làm được cho cái thành phố miền Trung này, để nơi đây trở thành “thành phố đáng sống” thì không cần bàn cãi.

Dù mỗi quyết sách mà Đà Nẵng đưa vào thực hiện đều có sự tham gia góp ý của nhiều “cái đầu”, tuy nhiên, những ý tưởng hay, những sáng tạo tốt bắt nguồn từ ông Thanh rất lớn. Nếu không có sự quyết liệt của ông Thanh, chắc chắn nhiều việc khó có thể mà thực hiện được.

Điều đầu tiên và cũng là thú vị nhất tạo ra "thương hiệu" Nguyễn Bá Thanh là sự mạnh mẽ, quyết liệt trong công việc. Trong bất cứ buổi họp hay nói chuyện nào, trong khi người dân thích thú và kéo đến rất đông để nghe ông Thanh, thì lãnh đạo các Sở, ngành lại rất “sợ” ông chất vấn.

Những vấn đề ông Thanh đưa ra rất cụ thể, sát thực và gần gũi với đời sống người dân, được hầu hết già trẻ, lớn bé quan tâm mong đợi. Trong khi đó, đây lại là những “bài toán khó” đối với lãnh đạo các Sở ngành, mà nếu không đi sâu sát, thì khó “giải được”.

Đã không ít lần, chính các vị “quan dân” này phải lúng túng “như gà mắc tóc”, khi ông Thanh nêu đích danh sự việc, địa điểm con người và yêu cầu phải có hướng giải quyết cụ thể, xác thực.

Tại một cuộc họp HĐND thành phố, khi bàn về lệnh cấm sử dụng Internet quá khuya trong các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, vì xảy ra nhiều tệ nạn xã hội do thanh niên tụ tập đêm khuya chát chít và chơi các trò chơi bạo lực, một lãnh đạo Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng báo cáo lệnh cắt Internet từ 23h đến 5h sáng đang chờ phê duyệt và thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin - Truyền thông.

Ông Thanh ngay lập tức yêu cầu: “Tôi yêu cầu các ông phải làm ngay lập tức, tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Ở đây tôi to hơn các ông, nếu có ai cắt chức tôi sẽ là người mất chức trước. Những việc thấy có lợi cho dân, cho nước thì phải làm ngay chứ chờ đợi đến bao giờ”.

Cũng trong buổi họp hôm đó, một việc tưởng rất nhỏ nhưng ông Thanh đã làm rất quyết liệt, đó là khi hỏi Giám đốc Sở công an thành phố về số điện thoại nóng để người dân phản ảnh khi có sự vụ xảy ra.

Khi nghe xong, ông Thanh thủng thẳng: “Số điện thoại các ông cho là nóng mà sao lủng củng khó nhớ vậy, tôi nghe còn khó nhớ thì người dân sao mà nhớ nổi. Tôi yêu cầu ngay ngày mai bên viễn thông cấp cho công an một số khác thật đẹp, thật dễ nhớ để làm số điện thoại nóng. Số có đẹp, có dễ nhớ thì người dân mới gọi cho công an nhanh được chứ”.

Trong các cuộc họp, trong khi lãnh đạo các tỉnh thành khác hay nhắc đến câu “tôi nghe báo chí, người dân nói rằng…” thì cái mà mọi người nghe được từ ông Thanh lại là “hôm trước tôi đi ngang qua chỗ này… chỗ nọ và thấy…”.

Nếu chỉ xét về nội dung thôi thì 2 cụm từ trên quả không khác nhau là mấy, nhưng suy ra thì sự khác nhau là rất lớn, một bên là thụ động, chờ đợi người khác mách bảo mới biết, còn một bên là chủ động tìm hiểu và quan sát. Và rõ ràng do tự chủ động nên ông Thanh thấy rất rõ những cái hay, cái dở và đưa ra hướng giải quyết rất nhanh

Tại kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 4 khóa VIII, ông Thanh đã yêu cầu Giám đốc các Sở phải đi sâu, đi sát cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế của người dân, không chỉ chờ cấp dưới báo cáo lên mới biết.

Ông Thanh nhấn mạnh: "Lãnh đạo các Sở, ngành phải thực sự tâm huyết, hành động quyết liệt, tự chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố và nhân dân. Nếu cảm thấy mệt quá, không thể hoàn thành nhiệm vụ thì xin nghỉ, còn làm thì phải làm đến nơi đến chốn, không thể nói chung chung và trách nhiệm chung chung”.

Một câu chuyện có thật, nhưng cũng khá hài hước do chính ông Thanh kể ra đó là cách đây mấy năm khi mà Sân bay Đà Nẵng mói vừa được khởi công, do nhìn bản thiết kế thấy xấu và chưa hợp lý nên ông Thanh đã cho mời lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không miền Trung đến và yêu cầu điều chỉnh lại sao cho đẹp và phù hợp hơn.

Vị lãnh đạo hàng không khi nghe xong đã nói lại đại ý rằng: đây là dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư chứ có phải của Đà Nẵng đâu mà thành phố can dự vào.

Ông Thanh nghe xong không lưỡng lự mà ngay lập tức trả lời: “đúng, đây là dự án của Bộ nên thành phố không có quyền tham gia, nhưng tên của sân bay mới khi xây xong sẽ là: Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Vậy nếu các ông không sửa thì xin bỏ cái tên Đà Nẵng đi, khi đó các ông muốn làm gì thì làm, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ không có ý kiến gì nữa”.

Với thái độ quả quyết như vậy nên sau đó Bộ GTVT đã có những điều chỉnh để sân bay Đà Nẵng to đẹp và hoanh tráng như ngày hôm nay.

Chỉ Đà Nẵng mới có

Có lẽ chưa ở đâu trên đất nước này mà cái chức Chủ tịch của một thành phố trực thuộc TƯ lại được bình chọn một cách công khai trước bàn dân thiên hạ như ở Đà Nẵng.

Trong buổi nói chuyện với gần 4500 cán bộ công chức ở Đà Nẵng và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, ông Thanh công khai giải thích tại sao Thường vụ thành ủy lại bầu ông này, mà không bầu ông kia vào chức Chủ tịch thành phố Đà Nẵng.

Ông cũng nêu đích danh 3 ứng viên được chọn và phân tích mặt mạnh, điểm yếu của từng ứng viên khi được bầu vào chức danh đó.

Cũng nhân cơ hội này, ông Thanh yêu cầu mọi cán bộ phải làm trước khi nói và tuyệt đối không được sách nhiễu, vòi tiền người dân hay doanh nghiệp.

Ông Thanh yêu cầu: “các đồng chí đừng biến mình thành những con thú trong rạp xiếc, cứ thấy cho ăn thì mới làm mà hãy làm trước đi, và nếu làm tốt thì người dân cũng sẽ không quên ơn đâu”.

Ông Thanh cũng khẳng định, việc thăng quan tiến chức ở Đà Nẵng tuyệt nhiên không có chuyện chạy vạy, mất tiền mà do năng lực thực tế. Bất cứ ai phát hiện việc chạy chức, quyền báo cho lãnh đạo thành phố sẽ điều tra và nếu có thật sẽ cách chức ngay lập tức.

Ông Thanh còn an ủi những cán bộ giỏi, cán bộ có tâm huyết: “nếu vì một lý do gì đó mà những người giỏi, có năng lực và tâm huyết chưa được đến đáp đúng mức, chưa được đề bạt một cách công bằng thì hãy kiên nhẫn chờ đợi, một ngày nào đó sẽ được thăng quan tiến chức xứng đáng, thành phố luôn dõi theo những người này và chắc chắn không để rơi họ”.

Một việc mà không chỉ người dân Đà Nẵng mà trên cả nước đều rất đồng tình đó là quyết định hỗ trợ mỗi chiến sĩ CSGT 5 triệu đồng/tháng. Giải thích về điều này, lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng, việc hỗ trợ nhằm giảm bớt những khó khăn về đời sống kinh tế cho các cán bộ chiến sĩ để họ yên tâm công tác, tránh mọi cám dỗ, tiêu cực.

Tuy nhiên, đổi lại tất cả CSGT đều phải tuyệt đối không được nhận tiền của các chủ phương tiện với bất cứ hình thức nào và với giá trị bao nhiêu, nếu bị phát hiện sẽ tước quân tịch và cho nghỉ việc ngay lập tức.

Chính vì lẽ đó nên nếu bất cứ ai, chức vụ nào mà vi phạm luật lệ giao thông tại địa bàn thành phố Đà Nẵng đều mau chóng chấp hành phạt mà không hề kêu ca hay xin xỏ, bởi họ thừa biết rằng nếu kêu ca hay nhờ vả cũng không có ai dám tha. Không những vậy, bất cứ ai dù ở chức vụ gì mà xin xỏ cho người vi phạm giao thông nếu phát hiện cũng sẽ bị kỷ luật.

Tôi có một anh bạn từ Hà Nội vào Đà Nẵng mua đất, do việc mua bán đến gần 12 giờ trưa mới hoàn tất nhưng vẫn thiếu một khâu quan trọng là công chứng giấy tờ. Trong khi đó, do chủ quan nên anh bạn tôi đặt vé máy bay để 2h chiều ngày hôm đó bay ngay ra Hà Nội.

Sau một hồi lưỡng lự, anh bạn tôi vẫn quyết định ra phòng công chứng nhưng trong lòng tự nhủ sẽ khó mà làm được vì lúc đó đã hết giờ làm việc, nếu để đến chiều chắc chắn sẽ trễ chuyến bay.

Tuy nhiên, khi đến nơi và được nghe trình bày, cô nhân viên phòng công chứng rất vui vẻ nhận lời giúp. Sau khi mọi việc hoàn tất, với tâm trạng hết sức cảm kích, anh bạn tôi chân thành lấy ra chiếc phong bì, trong đó có vài trăm ngàn nói lời cảm ơn và biếu cô nhân viên một chút gọi là bồi dưỡng làm việc ngoài giờ.

Nhưng kỳ thay, cái việc mà anh bạn tôi cho rằng rất hợp lý và chắc chắn sẽ xảy ra đó đã không diễn ra. Cô gái kia kiên quyết từ chối chiếc phong bì và mỉm cười nói rằng đó chỉ là bổn phận và cô ta cũng chẳng mất gì khi làm việc đó cả.

Thế là kể từ đó đến nay đã gần 2 năm trôi qua, mỗi khi “trà dư tửu hậu” hay có ai đó nhắc đến Đà Nẵng, anh bạn tôi đều kể lại câu chuyện này với một vẻ hết sức ngưỡng mộ và hào hứng.

Chúng tôi, những người làm trong nghề đều hiểu rằng, nếu ở một xã hội khác, một quốc gia nào đó trên thế giới này thì đây có lẽ chỉ là “ba cái chuyện lẻ tẻ” và không có gì đáng phải bàn, nhưng sao ở Việt Nam nó lại trở thành chuyện “hiếm như sao buổi sáng”.

Và chắc chắn không có bất cứ một phương tiện truyền thông nào lại tuyên truyền tốt hơn cái cách truyền miệng để đến bây giờ Đà Nẵng được nhiều người mến yêu như thế

Không chỉ đưa ra những quy định hay chế tài hợp lý mà những chính sách của Đà Nẵng còn rất có tình. Do thời gian gần đây, mật độ xe cộ bắt đầu khá đông nên Đà Nẵng đã chọn một số tuyến làm đường một chiều. Vài ngày đầu, do thói quen nên khá nhiều người dân và du khách ngoại tỉnh vẫn vi phạm và đi vào đường ngược chiều và bị phạt.

Biết được điều này, đích thân ông Trần Văn Minh khi đó còn là Chủ tịch UBND thành phố đã ra “chỉ dụ” cho lực lượng công an và dân phòng: “tuyệt đối không được phạt người dân hay xe ngoại tỉnh khi họ đi vào đường ngược chiều, chúng ta phải cắm biển cấm và chỉ dừng xe để nhắc nhở người vi phạm trong 2 tháng đầu tiên.

Trong thời gian đó, tôi cũng yêu cầu các phương tiện thông tin đại chúng phải liên tục đăng tải để người dân biết các đường ngược chiều để họ có ý thức và tránh đi vào, sau 2 tháng triển khai nhắc nhở nếu ai vi phạm thì mới được phạt.

Còn với xe ngoại tỉnh, chúng ta chỉ dùng xe để nhắc nhở thôi vì họ đâu có phải người dân ở đây mà biết đường cấm. Tôi tin là nếu biết chắc chắn không ai dám đi vào. Họ có yêu thì mới đến với Đà Nẵng, nếu vì vô tình mà ta cứ phạt thì sẽ để lại hình ảnh xấu cho du khách”.

Nhờ những chính sách kiểu như vậy mà đến nay người dân Đà Nẵng chấp hành rất nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, trong khi du khách không hề có cảm giác lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, đề phòng bị “vặt” khi vô tình vi phạm giao thông như các thành phố lớn khác.

Đối với vấn đề giải quyết chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp, có lẽ không đâu trên cả nước có giá rẻ như vậy. Chỉ cần tối thiểu hơn 200 triệu một chút là có thể mua được một căn hộ khá gần trung tâm thành phố với diện tích 50m2 có thang máy lịch sự, vườn hoa và chỗ sinh hoạt công cộng.

Không chỉ giá rẻ, điều kiện sinh hoạt tốt, gần trung tâm mà nhà thu nhập thấp ở Đà Nẵng mua cũng khá dễ dàng, ngay cả những vợ chồng công chức làm ở ngân hàng cũng rất dễ được xét duyệt.

Sự dễ dàng này bắt nguồn từ việc trong nững năm qua Đà Nẵng đã dành rất nhiều sự quan tâm cho nhũng đối tượng chính sách, người nghèo nên sự cấp thiết về nhà ở không còn nhiều, mặc dù trong những năm qua, Đà Nẵng luôn là thành phố có số lượng người ngoại tỉnh định cư nhiều nhất.

Nếu chỉ nói những việc lớn, vĩ mô hay cái hay, đẹp thì thật là thiếu sót bởi cuộc sống chung quanh ta đôi khi có những cái tầm thường nhưng lại tạo nên một cái đẹp, cái văn minh làm cho cuộc sống thêm phần thi vị.

Một trong những cái nhỏ đó vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống thường ngày tại Đà Nẵng. Một câu chuyện nhỏ tưởng như “chuyện lạ có thật” là cái nhà vệ sinh công cộng ở bến xe khách liên tỉnh Đà Nẵng.

Tại đây, bất cứ ai “buồn cái sự đời” đều được nhà vệ sinh công cộng đón tiếp miễn phí. Tuy nhiên, điều đặc biệt mà chắc chắn chưa ở đâu trên đất nước Việt Nam này, thậm chí là ở trên toàn thế giới có được, là bất cứ ai vào đây cũng phải để giày dép ở ngoài, sau đó thay dép khác mới được vào.

Chưa ai có thể khẳng định việc bỏ giày dép ở ngoài là hay hay dở, nhưng một sự thật mà ai cũng có thể hiểu được, đó là nhà vệ sinh ở đây chắc chắn phải rất sạch sẽ thì người ta mới làm được cái điều lạ lùng đó.

Lại bàn về chuyện tuân thủ quy định, luật pháp tại Đà Nẵng. Hình như người dân ở đây rất “ngại” đụng chạm đến pháp luật, họ tuân thủ một cách tự nguyện và vui vẻ.

Một chuyện rõ nhất đó là việc thu tiền tại các nơi công cộng hay bãi biển. Ở bất cứ chùa chiền nào, dù ngày rằm, mùng một hay những lúc cao điểm, giá trông giữ xe vẫn luôn như vậy, giá cho mỗi xe máy vẫn là 2000 đồng. Thậm chí, ở một ngôi chùa rất nổi tiếng là chùa Linh ứng, các phật tử hay du khách đến thắp hương còn tự tâm muốn bỏ bao nhiêu cũng được.

Một chuyện mà đã rất nổi tiếng cho Đà Nẵng là thu phí trông xe, tắm biển. Mặc dù giữa những ngày hè nóng nực 39, 40 độ, người dân Đà Nẵng cũng như du khách kéo đến các bài biển đông ngẹt, giá gửi một xe máy và hai người tắm tráng cũng chỉ mất 4000 đồng, cái giá mà rất nhiều người Hà Nội vào đây phải sửng sốt vì quá rẻ.

Đã có lần tôi thử hỏi một người trông xe tại sao không tăng giá lên một chút khi khách đông, câu trả lời chỉ đơn giản là không được, nếu thành phố mà biết thì chỉ còn cách giải nghệ mà thôi.

Phải chăng sự kiên quyết của các cấp chính quyền Đà Nẵng là rất tốt để ai cũng phải tự giác chấp hành. Nói đến vấn đề này, tôi lại chạnh lòng khi nghĩ đến Hà Nội với vô số việc tăng giá vô tội vạ mà người dân phải cam chịu mà không biết kêu ai, bởi ngay chính cả Giám đốc Công an thành phố cũng từng là nạn nhân.

Nhiều người ở địa phương khác có dịp ghé Đà Nẵng rất ‘nể’ ông Thanh bởi ở đây hầu như không có cảnh giữa đường chỉ vì một va chạm nhỏ mà giành giật đâm chém.

Không có chuyện lợi dụng sự khó khăn của người khác mà bắt chẹt, chèn ép. Không chỉ có thế, người dân ở đây còn được sống trong một môi trường sống hết sức lành mạnh, không có chuyện ra đường hễ một tý là sừng sộ đâm chém một cuộc sống có cạnh tranh nhưng không hề xô bồ bon chen, một đô thị lớn đang phát triển rất nhanh mà từ không khí, điều kiện sống rất tốt.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin khẳng định, trên đây chỉ là một số nhỏ những cái bề nổi mà tôi cũng như nhiều người từng nhìn và nghe thấy. Chắc chắn đằng sau cái hay, đẹp đó sẽ có cả những điều dở, những điều còn chưa tốt. Nhưng tôi tin rằng, cái dở, cái không hay đó chỉ là cá biệt và chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Một thành phố mà cái hay thấy nhiều, cái dở rất hiếm gặp, chắc chắn nơi đó phải là đô thị được quản trị tốt, bởi nếu không phải vậy tại sao người dân Đà Nẵng lại rất yêu, khách du lịch lại rất thích khi đến với thành phố biển miền Trung đầy thơ mộng này.

Người dân lao động đồng tình

Cái cách nói chuyện của ông Thanh không chỉ cuốn hút những cán bộ, trí thức mà còn rất dễ làm cho người dân lao động đồng tình. Mỗi chính sách ông đưa ra bao giờ cũng có mục đích tạo ra cuộc sống thuận lợi, sung túc cho người dân.

Tại cuộc họp HĐND vừa rồi, khi bàn về vấn đề đất đai, ông Thanh nêu rõ: Tôi yêu cầu trong năm 2013 này, thành phố phải hoàn tất việc làm sổ đỏ cho dân.

Người ta sinh sống lâu năm trên mảnh đất của họ mà không trong diện kiện cáo hay quy hoạch thì phải làm sổ đỏ cho người ta chứ. Cái sổ đỏ không chỉ là tấm bìa sở hữu mà còn để trong lúc khó khăn bà con còn đêm ra thế chấp vài đồng làm ăn hay giải quyết khó khăn qua ngày”.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 158-QĐ/TW về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương; Quyết định số 159-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.

Cùng ngày, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quyết định số 160-QĐ/TW về việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương; Quyết định số 161-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương.

Bộ Chính trị cũng ban hành các Quyết định số 655-QĐNS/TW về việc phân công ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Đồng thời, Quyết định số 656-QĐNS/TW của Bộ Chính trị phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam

Theo Viết
MỚI - NÓNG