Vì sao người Bình Định thờ ơ với nhà máy nước sạch

Khung cảnh đìu hiu của nhà máy Ảnh: Tr.Định
Khung cảnh đìu hiu của nhà máy Ảnh: Tr.Định
TP - Hoàn thành tháng 1/2013, một công trình nước sạch được đầu tư 7,1 tỷ đồng ở Bình Định hoạt động cầm chừng rồi đắp chiếu.

Được khởi công vào năm 2012, công trình bổ sung nguồn nước cấp cho hệ thống nước sinh hoạt huyện Vân Canh (gọi tắt công trình cấp nước sạch) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng. Nhà máy xử lý có công suất 1.400m3/ngày. Dự kiến khi đi vào hoạt động, công trình sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 12.000 người dân thuộc các xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh).

Tháng 1/2013 công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau sử dụng được một thời gian, công trình chỉ hoạt động cầm chừng rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu”, từ năm 2014 đến nay. Trước đó, để giải quyết những khó khăn trong vận hành, ngày 6/12/2013, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý chủ trương giao cho UBND huyện Vân Canh tổ chức, quản lý và vận hành.

Thời điểm 2013, Cty TNHH Tổng hợp Vân Canh chỉ thu giá 750 đồng/m3 (hộ dân cư). Trong khi đó, chi phí điện, hóa chất để phục vụ hoạt động cho nhà máy nước khá lớn. Tiền bán nước không đủ để bù cho chi phí sản xuất. Do vậy, Cty rơi vào cảnh thua lỗ và phải bù lỗ 25 triệu đồng/tháng. Ghi nhận tại hiện trường, công trình này hiện bắt đầu xuống cấp. Các thiết bị tại hệ thống trạm bơm cấp 1, nhà máy xử lý nước bị hoen gỉ; bể chứa nước sạch, nhà hóa chất, hồ lắng bùn, nhà quản lý cũng bị rong rêu bám đầy. Cỏ dại mọc um tùm trong khuôn viên công trình.

Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Đây là một công trình rất thiết thực cho người dân. Khi đi vào vận hành, Cty xây dựng mức giá cũng không quá cao, phù hợp với giá quy định của nhà nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc sử dụng nước sạch có thu tiền nên người dân không đăng ký sử dụng. 

“Người dân quen với việc sử dụng nước sạch tự chảy, nước giếng không có thu tiền, còn đây có thu tiền nên họ không đăng ký sử dụng. Vừa rồi, huyện cũng xây dựng phương án, giao Phòng Tài chính kế hoạch tham mưu cho UBND huyện để xây dựng kế hoạch trong việc tổ chức và vận hành lại”, ông Vũ nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Sở đã giao cho UBND huyện Vân Canh đánh giá lại hiệu quả của công trình, đề xuất giải pháp. Từ đó, Sở sẽ phối hợp với huyện để bàn bạc, tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa đánh giá xong”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.