Vì sao mắc sỏi thận, sỏi mật?

Ngày càng có nhiều người bị mắc bệnh sỏi thận, sỏi mật, cùng nhiều loại sỏi khác. Song phần lớn họ gần như đều không lý giải được tại sao trong cơ thể mình lại có sỏi?

Sỏi thận do đâu? Bệnh sỏi thận là bệnh có sỏi ở mọi chỗ trong hệ thống tiết niệu, như đài bể thận, niệu quản, niệu đạo, bàng quang. Là bệnh thường gặp và hay tái phát. Bệnh có nhiều biểu hiện như đau dữ dội, đau buốt hoặc đau như dao đâm vào vùng thắt lưng một bên thận, đau từ lưng xuyên sang bụng, đau lan xuống bàng quang và cơ quan sinh dục, đau tăng khi cử động đi lại, đau kéo dài vài giờ, đau liên tục hay cách quãng, có khi bệnh kéo dài vài năm hay vài chục năm, đau kèm theo đái dắt, đái khó, đái buốt, đái không ra, nước tiểu vàng, đỏ, đục, có cặn, cát, sỏi, máu... Có nhiều trường hợp bệnh nhân không thấy đau, chỉ khi sỏi to lên mới gây đau không chịu nổi, hoặc tình cờ khám một bệnh nào đó mới phát hiện là mình có sỏi. Những viên sỏi nhỏ có thể không gây triệu chứng gì.

Nhưng viên sỏi phát triển to dần gây tai biến làm hủy hoại thận và các chức năng của thận dẫn đến suy thận. Nhiễm khuẩn nặng cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Nếu thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ thận. Ứ nước bể thận, dãn nở đài bể thận lâu dần thận sẽ dãn mỏng như túi nước gây vỡ thận.

Sỏi thận gồm các loại sỏi: oxalat, urat, photphat, xystin hợp với xantin. Để biết chính xác được đó là loại sỏi gì thì cần phải xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang 2 thận, 2 niệu quản, bàng quang, niệu đạo để phát hiện và định rõ vị trí sỏi các loại (trừ sỏi photphat chụp X-quang không phát hiện thấy). Siêu âm cũng sẽ phát hiện thấy tất cả các loại sỏi (cả sỏi photphat) và đo được kích thước của chúng. Nguyên nhân tạo sỏi thận xét theo quan điểm y học hiện đại: Sự hình thành sỏi thận qua ba giai đoạn: tạo nhân, dính các phân tử vào thượng bì đường niệu và lắng đọng to dần thành sỏi. 

Các điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi thận là do lượng nước tiểu quá ít bị cô đặc, hoặc nồng độ các chất khoáng tăng cao, như: canxi chiếm 80-90% sỏi thận, oxalat, muối, urat, natri, xystin hay photpho tăng cao. Những chất này lắng đọng trong đài, bể thận và kết thành sỏi thận. Xét theo quan điểm Đông y: Bệnh sỏi thận gọi là Thạch lâm.

Nguyên nhân là do ăn nhiều chất cay, nóng hóa thành thấp nhiệt, uất kết lâu ngày dồn xuống bàng quang làm cho khí hóa bàng quang trì trệ không thông, hoặc do thận âm khuy tổn, âm hư hỏa động ảnh hưởng đến khí hóa của bàng quang làm cho tạp chất nước tiểu kết lại thành sỏi. Vì sao bị sỏi mật? Bệnh sỏi mật là bệnh có sỏi ở mọi chỗ trong hệ thống dẫn mật, trong gan, túi mật, ống túi mật, ngã ba ống túi mật, ống gan và ống mật chủ. Khi có sỏi mật ở thời kỳ bệnh phát cơn đau đột ngột (cấp tính) rất đau ở hạ sườn phải, hoặc đau ở vùng thượng vị, đau thành từng cơn nặng lên, cơn đau thắt dữ dội kéo dài vài giờ đến vài ba ngày và có thể sẽ tái phát lại, đau xuyên lên vùng vai hoặc bả vai phải, ấn đau tăng làm cho bệnh nhân phải ngừng thở hoặc thở nông. Người bệnh sốt cao hoặc vừa, có khi kèm cơn rét, mồm đắng, họng khô, buồn nôn, nôn ra mật hoặc thức ăn hoặc da mắt vàng, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón, lưỡi đỏ, hoặc vùng bụng trên bên phải căng tức, gan túi mật to, đau nhiều sốt cao, hôn mê nói sảng, ngoài da có nốt ứ huyết, chảy máu cam... Nhiều biến chứng gặp phải do sỏi mật, như túi mật tích nước trong trường hợp sỏi làm tắc ống túi mật mạn tính; Rò mật do sỏi làm thủng các đường dẫn mật, mật chảy vào các tạng bên trong ổ bụng như: dạ dày - tá tràng, tụy tạng, đại tràng... 

Những biến chứng dạng này thường để lại hậu quả rất xấu đối với bệnh nhân; Xơ gan do ứ mật: biến chứng này xảy ra do sỏi gây tắc ống mật chủ hoàn toàn nên gây ứ mật lâu ngày làm tổn thương tế bào gan một cách từ từ rồi dẫn đến xơ gan. Sỏi mật có thể chia ra sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật, sỏi muối mật, sỏi hỗn hợp. Sỏi cholestrol hay gặp, thường chỉ có một viên, sỏi không cản quang. Sỏi sắc tố mật rất cứng và nặng, thường phối hợp với canxi - sỏi canxi bilirubinat. Sỏi muối mật cũng thường phối hợp với canxi - sỏi canxi glycocholat. Sỏi hỗn hợp là sỏi của tất cả các thành phần của mật, hay gặp nhất là sỏi hỗn hợp của cholesterol và canxi bilirubinat cho nên sỏi này cản quang.

Để biết chính xác được kích thước, số lượng sỏi, cần phải chụp X- quang, hoặc siêu âm phát hiện sớm và định rõ vị trí sỏi nằm ở đâu.

Nguyên nhân tạo sỏi mật xét theo quan điểm y học hiện đại: Sỏi mật tạo nên do rối loạn chuyển hóa thành phần của dịch mật là cholesterol và sắc tố mật bilirubin kết tủa ra khỏi dịch mật và tạo nên sỏi mật. Nếu chỉ lấy sỏi mật ra, rối loạn chuyển hóa vẫn còn và tiếp tục phát sinh sỏi. Dịch mật quá đặc trong túi mật cũng sẽ lắng đọng tạo thành sỏi. Người có nhiều giun sán có nguy cơ bị sỏi mật vì trứng hoặc giun, sán có thể chui vào đường mật và chết ở đó thành nhân để tạo thành sỏi. Nhiễm trùng đường mật nhiều lần cũng là nguyên nhân gây sỏi mật, chính sỏi mật lại gây ra viêm, gây hẹp đường mật. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân sỏi mật dễ bị tái phát.

Ngoài hai thành phần chính cholesterol gây nên sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật bilirubin gây nên sỏi mật bilirubin, còn có một số yếu tố gây nên việc hình thành sỏi mật cholesterol. Đó là những người béo phì dễ bị rối loạn chuyển hóa lipit và tăng cao cholesterol; vấn đề chủng tộc: như người Mỹ sỏi cholesterol chiếm 80%; Giới tính: tỷ lệ phụ nữ bị sỏi mật nhiều hơn nam giới (ở độ tuổi 20-60 gấp 2 lần); Tuổi tác: trên 60 tuổi dễ bị sỏi mật hơn; Nhịn đói làm giảm chuyển động túi mật, do đó mật tích tụ lại với nồng độ cholesterol cao dễ bị sỏi mật... Xét theo quan điểm Đông y: Bệnh sỏi mật gọi là Đởm thạch bệnh. Nguyên nhân bệnh sỏi mật là do: Can đởm khí trệ; Can đởm thấp nhiệt đình trệ; Nhiệt độc nội thịnh; Huyết ứ nhiệt kết; Do trùng tích (giun sán). Với người sức khỏe bình thường, nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện mình mắc sỏi hay không để sớm điều trị kịp thời. Người từng mắc sỏi nên ba tháng đi siêu âm lại một lần nhằm phát hiện sỏi có tái phát hay không để tiếp tục điều trị.

Lê Văn Phượng (Lương y đa khoa)

Theo Theo Đại Đoàn Kết
MỚI - NÓNG