Vì sao lãnh đạo Nga, Trung chưa chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden?

Vì sao lãnh đạo Nga, Trung chưa chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden?
TPO - Mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Brazil… là một trong số ít các yếu tố không thay đổi trong thời gian 4 năm ông tại chức. Việc các nhà lãnh đạo này giữ im lặng khi ông Joe Biden được dự đoán chiến thắng có thể nói lên nhiều điều về mối quan hệ giữa Bắc Kinh với chính quyền mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Năm 2016, Điện Kremlin đã chúc mừng Tổng thống Donald Trump vài giờ sau khi báo giới Mỹ gọi tên người chiến thắng. Tuy nhiên, ông Putin đã không làm điều tương tự với ông Joe Biden.

Hôm thứ Hai, người phát ngôn Điện Kremlin – Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ đợi kết quả bầu cử chính thức trước khi đưa ra bất cứ lời bình luận hay chúc mừng nào.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã đi ngược lại chính sách lâu đời của Mỹ khi liên tục ca ngợi Tổng thống Nga Putin, làm dấy lên nghi ngờ rằng chiến dịch tranh cử của ông có liên quan đến việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế có lẽ không thể mong đợi mối quan hệ ấm cúng giữa hai ông Putin và Biden, vì ông Biden từng thề sẽ coi “sự can thiệp từ nước ngoài như một hành động thù địch”.

“Ông Biden sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác và đồng minh để đẩy lùi bất cứ những gì mà Nga đang làm, kể cả các hoạt động của Moscow ở Syria, Crimea…”, Karin von Hippel – cựu cố vấn cao cấp tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Obama nhận định. “Sự xuất hiện của ông Biden sẽ đánh dấu một bước quan trọng với Nga, vì Moscow đã rảnh tay suốt vài năm nay, từ cuối những năm đương nhiệm của ông Obama.”

Hồi cuối tháng 10, ông Biden gọi Nga là “mối đe dọa chính” đối với an ninh quốc gia Mỹ trong cuộc phỏng vấn với 60 Minutes trên CBS. Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov đáp lại bằng cách tuyên bố Nga không đồng ý với nhận xét của ông Biden, và những lời lẽ như vậy đã kích động “sự căm thù đối với Liên bang Nga”.

Trước cuộc bầu cử, hai nước không đạt được thỏa thuận gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí quan trọng, New START - được ký kết bởi cựu Tổng thống Mỹ Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào năm 2010.

Tổng thống Putin cho biết ông coi các hiệp ước chiến lược là một trong những điểm tiềm năng để hợp tác với ông Biden.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Dù từng có bài hùng biện chống lại Trung Quốc khi đang tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump vẫn được Chủ tịch Tập Cận Bình chúc mừng sau khi đắc cử.

Ông Tập kêu gọi Tổng thống Trump xây dựng mối quan hệ Mỹ - Trung ổn định. Và thực tế là hai nhà lãnh đạo đã có cơ hội vun đắp tình bạn khi gặp gỡ nhau tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump.

Tuy nhiên sau đó, quan hệ giữa hai nước xấu đi vì những chia rẽ rõ rệt trong lĩnh vực thương mại, công nghệ… và vì Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19.

Ngay cả trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tập cũng không vội vàng chào đón nhiệm kì mới của ông Joe Biden.

Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Hai từ chối trả lời câu hỏi về thời điểm chúc mừng chiến thắng của ông Biden. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói rằng Trung Quốc sẽ hành động “phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Thực tế, không khó để hiểu vì sao Bắc Kinh lại do dự. Ông Biden từng tuyên bố sẽ đối đầu với Trung Quốc sau khi cáo buộc ông Trump tỏ ra thân thiện với Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Dù ông Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc, sẽ phối hợp với các đối tác và đồng minh để có chính sách phù hợp với Trung Quốc, nhưng chiến dịch của ông ấy đã khẳng định sẽ thảo luận với Bắc Kinh về những lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm, từ biến đổi khí hậu đến vấn đề Triều Tiên. Tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn cho Trung Quốc, vì mối quan hệ sẽ không quá thất thường như thời ông Trump”, von Hippel nhận định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Khi còn là ứng viên Tổng thống, ông Trump đã ca ngợi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vì xử lý một âm mưu đảo chính.

Khi là Tổng thống, ông Trump đã chúc mừng chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý của ông Erdogan.

Việc ông Trump đột ngột rút quân ở Syria, khiến đồng minh chống IS của Mỹ là người Kurd phải lùi lại trước bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến ông Erdogan được khích lệ.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ đó đã mạo hiểm với sự phẫn nộ của liên minh NATO bằng cách mua vũ khí của Nga, đồng thời hậu thuẫn các cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ và châu Âu ở Trung Đông.

Nói tóm lại, ông Erdogan đã gần như được thoải mái làm những gì mình muốn. Nhưng dưới thời ông Biden, đó sẽ là một câu chuyện rất khác.

Phát biểu năm ngoái trên tờ New York Times, ứng viên Biden cho biết ông “lo lắng” về Thổ Nhĩ Kỳ, và sẽ “tiếp cận với Ankara theo cách khác”, bao gồm hỗ trợ lãnh đạo phe đối lập và người Kurd.

Ông Biden nói Tổng thống Erdogan sẽ phải “trả giá” cho những hành động của mình, thậm chí Mỹ có thể sẽ ngừng bán vũ khí cho Ankara.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Vì có nhiều điểm giống ông Trump, Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil thường được gọi là “Trump của vùng nhiệt đới”.

Ông Bolsonaro và các con – những người đóng vai trò tích cực trong hệ thống chính trị của Brazil – đã hy vọng ông Trump tái đắc cử.

Con trai ông Bolsonaro – Hạ nghị sĩ Eduardo từng đội chiếc mũ “Trump 2020” trong chuyến đi tới Washington với tư cách là phái viên của cha mình. Eduardo đã đặt câu hỏi về lá phiếu của ông Biden và tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Mỹ trên Twitter tuần trước.

Với việc ông Trump mất chức, Tổng thống Bolsonaro sẽ mất đi một đồng minh ngoại giao và phải đối mặt với một Tổng thống Mỹ có trọng tâm mới là vấn đề nhân quyền và môi trường. Thậm chí, việc ông Trump thất bại còn có thể được coi là sự khởi đầu cho làn sóng ra đi của các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador

Tổng thống Mexico đã đưa ra một tuyên bố thận trọng về cuộc bầu cử Mỹ, trong đó ông không đề cập đến ông Biden với tư cách là người chiến thắng, mà thay vào đó nói rằng ông sẽ đợi cho đến khi các thách thức pháp lý đối với việc kiểm phiếu kết thúc.

"Chúng tôi sẽ đợi tất cả các vấn đề pháp lý được giải quyết. Chúng tôi không muốn liều lĩnh”, ông López Obrador cho biết trên truyền hình nhà nước hôm thứ Bảy.

Ông López Obrador đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ trong vài năm qua, ngay cả khi đối mặt với sự chèn ép về kinh tế từ Washington.

Hai nhà lãnh đạo – đều theo chủ nghĩa dân túy – đã gặp nhau vào tháng 7 để kỷ niệm việc thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada.

Việc ông López Obrador chưa vội chúc mừng ông Biden có thể xuất phát từ tình bạn thân thiết mà ông có với Tổng thống Trump. Đồng thời, động thái này cũng có thể được hiểu là một phần chính sách đối ngoại của Mexico, tránh bình luận về công việc của các quốc gia khác.

Tổng thống Mexico nói thêm trong tuyên bố trên truyền hình hôm thứ Bảy: “Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với cả hai ứng cử viên. Tổng thống Trump đã rất tôn trọng chúng tôi và chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận tốt. Chúng tôi cảm ơn ông ấy vì ông ấy không can thiệp nội bộ Mexico. Và điều tương tự với ứng cử viên Biden. Tôi đã biết ông ấy hơn 10 năm.”

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.