Vì sao khó phát triển cao tốc ở ĐBSCL?

0:00 / 0:00
0:00
TP - ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với nhiều lợi thế về nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là hạ tầng giao thông, đường cao tốc kém phát triển.

Phát biểu tại hội thảo “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại TPHCM ngày 31/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng chưa cao, đời sống người dân còn khó khăn. Tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TPHCM và khu vực Đông Nam bộ còn hạn chế.

Vì sao khó phát triển cao tốc ở ĐBSCL? ảnh 1

ĐBSCL có nền địa chất yếu nên việc xây dựng đường cao tốc tốn rất nhiều thời gian, tăng tổng mức đầu tư. Ảnh: M.H

“Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Đến nay, toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%”, ông Lâm nói.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên suất đầu tư xây dựng lớn. Theo tính toán, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL cao hơn 1,3-1,5 lần so với các khu vực khác, đây cũng là một phần lý do khiến số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, khó khăn lớn nhất khi đầu tư cao tốc ĐBSCL là địa chất nền đất yếu. Mỗi năm vùng ĐBSCL lún trung bình 1 cm, cá biệt một số khu vực lún tới 5-7 cm/năm. Xây dựng công trình qua nền địa chất yếu tốn rất nhiều thời gian, tăng tổng mức đầu tư, kém hiệu quả.

Khó khăn nữa là tình trạng khan hiếm vật liệu như cát, đất đá. Ngoài ra, hạn mặn xâm nhập gây khó khăn, các địa phương phải xây dựng đập ngăn mặn cũng ảnh hưởng tới vận chuyển vật liệu, kéo dài dự án. Hệ thống kênh rạch chằng chịt của ĐBSCL dù là lợi thế của vùng, nhưng lại là hạn chế với xây dựng công trình do phải vận chuyển vật liệu từ tàu lớn sang tàu nhỏ, ảnh hưởng tiến độ.

Ông Đỗ Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng, kết nối hạ tầng ở ĐBSCL còn yếu nên nhà đầu tư rất khó để xây dựng phương tài chính khi quyết định đầu tư cao tốc.

Quy hoạch đường bộ cao tốc đã hoạch định đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180 km/9.014 km của cả nước, trong đó đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km. Nhu cầu vốn để hoàn thành hệ thống cao tốc giai đoạn 2026-2030 là rất lớn.

Hoàn thành thêm 460 km cao tốc giai đoạn 2021-2025

Theo quy hoạch của Bộ GTVT, giai đoạn 2021-2025, ĐBSCL hoàn thành thêm khoảng 460 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số lên khoảng 550 km cao tốc trong vùng. Cụ thể, hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; triển khai và cơ bản hoàn thành tuyến Cần Thơ-Cà Mau với chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng. Chính phủ đang trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng với chiều dài 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Bộ GTVT đang lập dự án đầu tư tuyến Mỹ An-Cao Lãnh dài 26 km, tổng vốn 4.770 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023; tuyến Cao Lãnh-An Hữu dài 27 km, tổng vốn khoảng 5.886 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.