Vì sao Khăm Bun chết?

Ánh mắt Khăm Bun, bảy tiếng đồng hồ trước khi qua đời
Ánh mắt Khăm Bun, bảy tiếng đồng hồ trước khi qua đời
TP - Voi Khăm Bun, món quà của Thủ tướng tặng, được đánh giá là có triển vọng diễn xiếc tốt do vừa còn non lại vừa đẹp đã chết. Nhận định bước đầu nguyên nhân dẫn đến cái chết của voi Khăm Bun, người đứng đầu Liên đoàn Xiếc Việt Nam thừa nhận trình độ non kém trong công tác thú y cũng như phản ứng chậm chạp của các bên.

>> Khăm Bun 'hồn thác xác còn'

Ánh mắt Khăm Bun, bảy tiếng đồng hồ trước khi qua đời
Ánh mắt Khăm Bun, bảy tiếng đồng hồ trước khi qua đời.


Mang vạ?

Ngày mới đưa về, NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam kể, Khăm Bun rất đẹp, ai thấy cũng yêu, đặc biệt nó rất hiền. Lúc đầu, khi nhận quyết định giao voi cho Liên đoàn, mừng lắm. Đã xây dựng kế hoạch cho Bun biểu diễn bằng cách đi vòng quanh khu sân bên ngoài. Làm xiếc thì thèm có voi con lắm, chứ voi to thì không thiếu. Voi từ bé thuần dưỡng, dạy làm trò biểu diễn sẽ đỡ vất vả rất nhiều.

Vui thì vui thế thôi, ông Hợp tiếp tục nhớ lại, ngay khi từ Hà Nội vào Buôn Đôn nhận con Khăm Bun, bác sĩ thú y của Liên đoàn đã nhận định, vết thương như vậy, sẽ rất khó khăn trong điều trị. “Khi tiếp nhận, con voi đã bị thương rất nặng do bị sập bẫy”, NSƯT Tạ Duy Nhẫn hơn 40 năm trong nghề, hiện là Trưởng đoàn Xiếc thú Hà Nội, Liên đoàn Xiếc VN, kể: “Thú thực, lúc đó Liên đoàn đã nản. Nhưng rồi cứ nghĩ nó bị đau bình thường, điều trị một thời gian sẽ liền da. Ai dè càng ngày càng nặng”, ông Hợp có vẻ ân hận.

Lại nữa, Liên đoàn có năm con voi, bốn con còn lại đều là voi cái. Riêng Khăm Bun khi về mới biết là voi đực. Voi đực thường chỉ biểu diễn được trong thời gian ngắn, sau đó chúng đều thành voi điên, không thể thuần hóa được.

Mặt khác, theo NSƯT Tạ Duy Nhẫn, Liên đoàn Xiếc VN phải chi hơn 70 triệu đồng cho người nhận trông giữ Khăm Bun ở Buôn Đôn. “Đến tiền chăm sóc, chữa trị, cũng đều Liên đoàn Xiếc bỏ ra.

Nguyên chữa trị cho chân voi, bác sĩ của Liên đoàn phải tiêm rất nhiều đợt kháng sinh”, ông Nhẫn khẳng định. “Voi do Thủ tướng tặng, nên làm gì, điều trị gì cũng phải thận trọng hơn”, ông Hợp bộc bạch. Không rõ có phải vì lý do “thận trọng hơn” ấy mà có những đề xuất phương án điều trị khác Liên đoàn không dám áp dụng.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn cho hay, hồi có mấy ông thầy lang người Lào Khămpết ra Hà Nội bán thuốc, tới 500.000 đồng/tải để ngâm rượu. Vào Liên đoàn cũng bảo thuốc đó chữa được cho Khăm Bun.

Rồi các cơ hội khác hoặc cũng bị từ chối hoặc để chậm như rùa. Ông Hợp cho biết, chị Nguyễn Thị Thanh Hà, một công dân Hà Nội có tình yêu động vật một cách hiếm có, ngỏ ý nhận nuôi Khăm Bun. “Chị nói đã có hơn 1.000m2 đất và dành một phần diện tích không nhỏ trong đó làm nhà cho nó. Nhưng trách nhiệm của Liên đoàn không thể gật đầu, bởi sự an toàn của người nhận nuôi và người xung quanh”, ông Hợp nói.

Hay chuyện một công viên ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, cũng muốn nuôi Khăm Bun. “Liên đoàn cũng làm công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao&Du lịch xin chuyển Khăm Bun sang nơi có điều kiện nuôi dưỡng, sống tốt hơn. Sau đó Bộ giao xuống Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhưng Cục còn đang xem xét”, ông Hợp nói.

Chuyên môn yếu

“Phải thừa nhận là Khăm Bun đang yếu đi từng ngày, từng giờ, trong khi chẩn đoán của thú y bên mình lại chậm quá. Bác sĩ thú y của ta toàn khám chó, khám mèo chứ đâu có biết gì về voi”, ông Hợp nói.

“Liên đoàn thấy ai mách gì, ở đâu có thuốc hay, có người chữa được cho voi là đều tìm đến... Người ta nói rằng, voi phải có khu đất trống đi lại thì nó mới khoẻ. Chúng tôi cũng muốn tìm những gì hay nhất, tốt nhất cho voi, nhưng điều kiện không cho phép”.

Ngay cả các ông thợ voi mách nước, khi bị như vậy, voi thường tìm đến tổ mối, chỉ dúi chân đau vào đó tự khắc khỏi. Chúng tôi cũng lùng tìm cả các tổ mối mang về cho Khăm Bun, nhưng đâu có kết quả...

Nhưng rồi, ông Hợp lại trải lòng “Trước đó, khi mang voi ra Hà Nội, người Tây Nguyên đã bảo với chúng tôi, Liên đoàn xiếc không chữa được cho voi đâu. Lúc đó chẳng tin. Nhưng giờ thấy đúng”.

Nhưng các vị lãnh đạo Liên đoàn Xiếc VN tịnh không ai nhắc đến việc có phải trình độ chuyên môn yếu kém đến mức không phát hiện được mủ hoại tử từ bàn chân đã lan lên đến tận xương bả vai?

Cú đánh cuối cùng

Bài “Khăm Bun trước khi qua đời” trên Tiền Phong ngày 12-8-2010, kể về những giờ cuối cùng của Khăm Bun qua chứng kiến của nhóm tác giả bài viết này và của chị Hà Voi, người thương yêu Khăm Bun hết mực. Thế còn qua con mắt của những người có trách nhiệm thì sao? Cú đánh cuối cùng nào khiến Khăm Bun ra đi đột ngột như vậy?

“Chân sau bị lật móng, chảy máu là do lúc Bun quỵ ngã, vướng vào xà lan Bun đứng. Sáng nay cho ăn, Bun vẫn còn ăn hết 5 kg củ đậu và một bó mía”, Thạc sỹ thú y Nguyễn Hải Đăng, Phó trưởng Đoàn Nuôi dạy Thú, người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn thú y tại Liên đoàn Xiếc VN, xác nhận.

“Cho tới tận thời điểm các nhà báo tìm đến (khoảng 4h00 chiều - PV), tôi mới biết tin Khăm Bun chết, tự dưng thấy tức ngực. Với mọi người nó là động vật, chứ với người làm xiếc, làm nghệ thuật như chúng tôi, chúng chính là bạn, là đồng nghiệp”, NSƯT Vũ Ngoạn Hợp xúc động.

Sáng sớm hôm cuối cùng của Khăm Bun, ông Hợp “có xuống cùng bác sĩ của Liên đoàn thăm khám. Thấy Khăm Bun có vẻ mệt, nên tôi yêu cầu làm gióng kéo lên, cho nó khỏi chịu sức nặng đè lên chân đau”.

Có thực các vị lãnh đạo ở Liên đoàn Xiếc VN đã làm hết mình để chữa trị cho Khăm Bun hay không? Ngoài năng lực chuyên môn chưa ngang tầm nhiệm vụ như đã thừa nhận, ai phải chịu trách nhiệm về việc để cho hai chân trước của Khăm Bun trở nên vô dụng trong một thời gian dài và khiến nó cuối cùng phải gục ngã? Mời bạn đọc đón xem số báo tiếp theo qua lời kể của chị Nguyễn Thị Thanh Hà - người mẹ thân yêu nhất của Khăm Bun, và của một chuyên gia thú y thuộc một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã nước ngoài

Những ngày vừa rồi, bác sĩ thú của Liên đoàn cũng như người chăm sóc chuồng voi đều nhận thấy dấu hiệu yếu đi của Khăm Bun. Chân đau của nó vốn đã khó điều trị, giờ thêm sức nặng của thân mình nặng như vậy đè xuống lại càng vất vả nếu để voi đứng. Nhưng voi mà nằm thì lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ hô hấp và tiêu hoá.

“Quả tình Liên đoàn Xiếc ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Hơn nữa lại trúng dịp liên hoan xiếc quốc tế”, ông Hợp bày tỏ. “Khi mới tiếp nhận, Khăm Bun được 500kg, sau đó về đây, nó ăn uống tốt, điều kiện chăm sóc thuận lợi, tăng cân rất nhanh được khoảng một tấn. Nhưng thời gian suy sụp vừa rồi, chắc giảm đi ít nhiều”.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn bổ sung, sáng hôm cuối cùng ấy, nhân viên của Liên đoàn được giao gia cố thêm giá đỡ cho Khăm Bun, “vì con voi đã phải dùng đến dây buộc đỡ thân cho nó tì lên cho khỏi đổ rạp. Chân đau của nó dường như không chống đỡ nổi nữa”.

Theo Th.S Nguyễn Hải Đăng, khi mới nhận về, Khăm Bun đã bị thối 1/3 bàn chân. Gần đây nhất, Liên đoàn vẫn điều trị cho Bun theo phác đồ điều trị của bác sĩ người Mỹ và Đức. Về bề ngoài thấy rất hiệu quả, Bun tăng cân, ăn uống khoẻ hơn. Nhưng bên trong rất phức tạp và khó khăn.

Những khó khăn đó gồm thiếu phương tiện chẩn đoán, chiếu chụp đặc chủng và biện pháp vệ sinh vết thương triệt để rất khó với Bun. “Rất nhiều lần, vừa đặt kháng sinh trong chân đau của Bun, nó lại dùng vòi lôi hết ra. Hơn nữa, nhiều lần tận mắt thấy Bun dùng vòi hút chính nước tiểu của mình, sau đó phun vào vết thương”, ông Đăng mô tả. Ngoài chân bị đau, chân khác lở loét là do Khăm Bun yếu quá phải thường xuyên dựa vào tường bằng cái chân đó.

Được chữa trị hằng ngày, sức khoẻ của Khăm Bun cũng khá lên chút ít. Có thời điểm, anh em trong đội sáu tháng trời không nghỉ vì chăm sóc sức khoẻ cho Bun. Ngày 6-8, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương có sang lấy mẫu về hội chẩn bệnh tình của Khăm Bun. Đến sáng 11-8 mới có kết quả fax sang, nhưng Liên đoàn vẫn chưa nhận được do máy trục trặc.

Hai tuần nay, trong những lần thăm khám, Th.S Đăng thấy Khăm Bun vỡ ra nhiều ổ áp xe mới, sau đó thấy Bun suy sụp dần, ăn ít và sức khoẻ có vẻ yếu.

Ngày cuối cùng của Khăm Bun, NSƯT Tạ Duy Nhẫn tường thuật, “anh em trong Liên đoàn đang khoan tường để làm khung treo, thì nó lăn ra chết, suýt nữa đè cả vào một công nhân cạnh đó. Bun chết lúc hơn 12h trưa”.

Chẩn đoán cái chết của Khăm Bun, theo Th.S Đăng, “khả năng do chính vết thương gây ra. Còn cụ thể và chính xác phải đợi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương”.

MỚI - NÓNG