Vì sao huy động vốn vùng Đông Nam Bộ thấp?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Huy động vốn của vùng Đông Nam Bộ tính đến hết quý I vừa qua đạt 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%); tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).

Chiều 11/5, tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ.

Vì sao huy động vốn vùng Đông Nam Bộ thấp? ảnh 1

Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Đông Nam Bộ là vùng kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước. Đây là khu vực mà kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, chiếm 41,2%.

Tuy nhiên, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, một số tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp (TPHCM tăng 0,7%%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%), hoặc tăng trưởng âm (Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,75%). Sản xuất, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều DN không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao (xuất khẩu TPHCM tháng 4/2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ, Bình Dương giảm 1,4%, Bình Phước giảm 5,66%, Đồng Nai giảm 8,44%)...

Thị trường bất động sản khu vực tiếp tục khó khăn - cung, cầu, giá đều giảm. Số vốn đăng ký DN thành lập mới giảm và số DN tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công còn chậm, 4 tháng đầu năm 2023 giải ngân đạt khoảng 10.805 tỷ đồng, đạt 9,26% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình cả nước là 15,65% (trong đó 3 tỉnh, thành phố giải ngân thấp gồm TPHCM đạt 3,48% kế hoạch, Đồng Nai 11,58%, Bình Dương 13,16%).

Tại khu vực Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tín dụng, phòng giao dịch, Quỹ tín dụng nhân dân, đến hết quý I, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%; tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm.

Vì sao huy động vốn vùng Đông Nam Bộ thấp? ảnh 2

Các ngân hàng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất vùng Đông Nam Bộ chiều 11/5.

Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng vùng Đông Nam Bộ thấp, ông Đào Minh Tú cho rằng, do tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực rất thấp, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế giảm sút; DN tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm; số vốn đăng ký DN thành lập mới giảm và số DN tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.

“Kinh doanh bất động sản là ngành trọng yếu của khu vực, đặc biệt là tại TPHCM. Tuy nhiên, những khó khăn của thị trường, nhất là vấn đề về pháp lý dẫn tới các dự án mới chậm được triển khai…, ảnh hưởng lan tỏa tới các ngành có liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng, sắt, thép… Giải ngân đầu tư công còn chậm, thấp hơn mức trung bình cả nước, ảnh hưởng tới sức cầu nền kinh tế và tác động gián tiếp tới cầu tín dụng” - ông Tú nói.

Ngoài ra, do tốc độ tăng năng suất lao động thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn yếu, chưa đồng bộ; một số công trình trọng điểm chậm tiến độ…

Vì sao huy động vốn vùng Đông Nam Bộ thấp? ảnh 3

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong quý IV/2022 và quý I năm nay, kinh tế xã hội TPHCM gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua có một số tín hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 3%, du lịch tăng 71,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng tăng 6,2%. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng tháng 4 cũng cải thiện so với 3 tháng đầu năm nay.

Dẫu vậy, số DN thành lập mới chỉ 14.752 với số vốn đăng ký 144.568 tỷ đồng (giảm 9,59% về số lượng, giảm 24,79% về vốn đăng ký so với năm 2022); số DN tạm ngừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ; số vốn đầu tư nước ngoài giảm 23,45% so với cùng kỳ. “Những con số này đã cho thấy tình hình sức khỏe của DN - một lực lượng quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế thành phố thời gian” - ông Mãi nói.

Qua nhiều lần làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, người đứng đầu thành phố nhìn nhận, có gần 50% DN sản xuất cầm chừng, nhiều DN gặp khó với các khoản vay đến hạn thanh toán, DN ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi vì nhu cầu, vì ngại liên quan đến cơ quan chức năng. Đối với lĩnh vực bất động sản, người mua ngại vay vốn và mong có chính sách ưu đãi hỗ trợ.

Dự báo thời gian tới,TPHCM sẽ tiếp tục đối mặt những khó khăn, thách thức. Ông Phan Văn Mãi kiến nghị, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời, hiệu quả, đưa tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, ổn định lãi suất hướng tới giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. Nhiều DN cho biết lãi suất có giảm nhưng vẫn còn cao, trên 10%.

Giải pháp về vốn, tín dụng để giải quyết nhu cầu vốn lưu động, thanh toán ngắn hạn cho DN; giảm, giãn và không chuyển nhóm nợ xấu đối với DN gặp khó. Với khoản vay mới, ông Mãi đề nghị NHNN có giải pháp phù hợp, như định giá tài sản thế chấp, giải ngân trên tài sản, một số có DN có lịch sử tín dụng tốt, có đơn hàng, hợp đồng rõ ràng có thể được áp dụng vay tín chấp.

Ngành ngân hàng tiếp tục hỗ trợ để thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023; Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cho công nhân, sinh viên, người yếu thế... nhằm góp phần hạn chế tín dụng đen; Đẩy mạnh chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, các gói hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà...

MỚI - NÓNG