Vì sao hồ sơ hạt nhân Triều Tiên chậm được giải quyết?

Vì sao hồ sơ hạt nhân Triều Tiên chậm được giải quyết?
TPO - Đã có nhiều biện pháp trừng phạt và các cuộc thảo luận được đưa ra liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa ngăn chặn được tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vấn đề hạt nhân Triều Tiên chậm chễ được giải quyết đó là các bên liên quan đều có những lợi ích và toan tính khác nhau.

Sự khôn khéo của Triều Tiên

Vì sao cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên chưa được giải quyết?. Và vì sao ông Kim Jong-un liên tiếp ra lệnh thử tên lửa và hạt nhân bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế?

Nhiều chuyên gia về bán đảo Triều Tiên cho rằng, sở dĩ như vậy là vì Triều Tiên đã lợi dụng một cách tài tình mâu thuẫn sâu sắc giữa các nước lớn đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.

Đặc biệt, chính quyền của ông Kim Jong-un đã biết cách giành lấy không gian rất lớn trong mâu thuẫn giữa một số nước lớn để tạo ra khủng hoảng một cách nhuần nhuyễn. Và sau mỗi cuộc khủng hoảng, Triều Tiên luôn là bên giành chiến thắng, còn nước lớn là bên thất bại.

Sự mâu thuẫn giữa các nước lớn trong trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc soạn thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên sau mỗi lẫn nước này thử hạt nhân hoặc tên lửa là một minh chứng rõ nét nhất.

Và sau mỗi lần xảy ra khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, các nước liên quan thường chỉ trích lẫn nhau nên khó có thể đạt được nhận thức chung trong hành động, cuối cùng chỉ có thể chờ đợi một cách mệt mỏi, vô vọng một cuộc khủng hoảng lớn hơn tiếp theo. 

Lợi ích và ý đồ khác nhau của các nước liên quan còn được chứng minh qua cơ chế đàm phán song phương 6 bên. Cơ chế đàm phán song phương 6 bên từng có thời gian là "kim chỉ nam" cho việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.

Tuy nhiên, xuất phát từ những lợi ích và ý đố khác nhau của các bên liên quan. Cơ chế này cuối cùng bị "đổ bể". Và chính quyền của ông Kim Jong-un ngay lập tức đã tận dụng tài tình mâu thuẫn của các bên liên quan để thực hiện mục tiêu cuối cùng là trở thành quốc gia hạt nhân.

Lợi ích và toan tính của các bên liên quan

Sở dĩ Mỹ chậm chễ trong giải quyết vấn đề hồ sơ hạt nhân Triều Tiên là vì, nếu vấn đề hạt nhân Triều Tiên được giải quyết, Mỹ sẽ không còn cớ để hiện diện quân sự tại Hàn Quốc. Đây chính là điểm mấu chốt của việc vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, các đời tổng thống Mỹ chưa bao giờ cho thấy, họ thiếu tính chủ động trong vấn đề này. Nếu có khác chỉ là cách thức Mỹ thực hiện mà thôi. Đặc biệt, hiện tại Mỹ vẫn ở vào thế chủ động trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Mỹ có thể phát động chiến tranh, cũng có thể không, điều đó được quyết định bởi những đánh giá của Washington đối với Bình Nhưỡng. 

Như vậy, đối với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, mục tiêu cuối cùng của Mỹ vẫn là kiềm chế Trung Quốc. Do đó đối với Mỹ, việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc có tầm quan trọng hơn ưu tiên giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên không những tạm thời chưa làm suy yếu mà sẽ tăng cường quyền bá chủ của Mỹ. Điều cấn nhấn mạnh là không gian để Mỹ hai tay trục lợi là do nước này vẫn giành quyền chủ động chiến lược.

Ngoài ra, duy trì cục diện căng thẳng Triều Tiên, còn giúp Mỹ giành quyền chủ động trước Trung Quốc trong vấn đề Đông Bắc Á. Bởi khi cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên không được giải quyết, không gian hoạt động của Trung Quốc khi xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ ngày càng nhỏ, quan hệ Trung-Hàn nhanh chóng rơi vào bế tắc, quan hệ Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật cũng sẽ cần nhiều thỏa thuận ngầm hơn, điều này sẽ chỉ làm tăng cường cục diện Mỹ giành chủ động, Trung Quốc bị động. 

Hơn nữa, việc trì hoãn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên không những tạo cho Mỹ lý do không thể chối cãi rằng cần tăng cường sự hiện diện ở Tây Thái Bình Dương. Đặc biệt, điều đó giúp Mỹ có nhiều thuận lợi hơn trong việc kiềm chế Trung Quốc mà không phải trả giá thành cao. 

Đối với Nhật Bản, họ cũng là bên được lợi trong quá trình cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên leo thang. Nhật Bản là láng giềng của Triều Tiên, một trong những quốc gia quan trọng của khu vực Đông Bắc Á. Nhiều thế hệ lãnh đạo của Nhật Bản đều tìm cách khôi phục quyền tự chủ của nước này trong vấn đề quân sự. Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên vừa hay đã trở thành cái cớ để Nhật Bản mở rộng sức mạnh quân sự.

Đối với Trung Quốc, nếu không tiếp tục tranh giành quyền chủ động với Mỹ, hoặc nhường quyền chủ động cho Mỹ, thì việc giải quyết và trì hoãn giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo đều gây ra những tổn hại rất lớn đối với lợi ích địa chính trị của mình. 

Việc Trung Quốc tỏ kiên quyết đoán khi Mỹ triển khai Hệ thống THAAD cũng cho thấy được những lo ngại thực sự của nước này về mục đích chính của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trên thực tế từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ vừa tìm kiếm hợp tác vừa không từ bỏ kiềm chế Trung Quốc, hai chiến lược này bổ sung cho nhau, về cơ bản đều là nhằm củng cố và kéo dài vị thế bá chủ trên biển của Mỹ. Cách xử lý của Mỹ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên chính là hình ảnh thu nhỏ của sự mơ hồ này. 

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.