Vì sao Hà Nội bùng phát dịch sốt xuất huyết?

TP - Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 14 người tử vong. Hà Nội tiếp tục là điểm nóng của dịch bệnh này với khoảng 130 người mắc mới mỗi ngày, nguy cơ tử vong tăng cao.

Tại các quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ba Đình, số ca mắc mới tăng gấp từ 40 đến 70 lần so với tuần trước. Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, số ca đến khám và nhập viện điều trị do SXH dao động từ 25-35 bệnh nhân mỗi ngày, 10-15 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Từ 2017 chẩn đoán lâm sàng 1.115 ca, 637 ca nhập viện điều trị.

Phân tích nguyên nhân dịch bệnh bùng phát, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện SXH không còn bùng phát theo quy luật 5 năm nữa, có những năm như năm 2017 này chỉ sau 2 năm SXH đã lại gây dịch lớn.

Theo TS Cảm, năm 2017, khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm, không có đợt rét tháng 3 nên đàn muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ đường ống nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy, lăng quăng phát triển.

Ngoài ra rất nhiều công trình xây dựng đang triển khai trong các khu vực dân cư và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh không đảm bảo là môi trường để bọ gậy sinh sôi, hình thành đàn muỗi gây bệnh. Hoạt động kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã cho thấy, các ổ bọ gậy, ổ muỗi tồn tại rất nhiều trong cộng đồng nhưng không ít người dân không quan tâm dọn dẹp hay loại bỏ.

Thuốc diệt muỗi an toàn với người

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, phun thuốc phòng chống dịch SXH là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là lo lắng không có cơ sở. Sau khi phun, người dân chỉ cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút là vào nhà an toàn. Với một số người có bệnh đường hô hấp hoặc trẻ nhỏ có dễ bị kích ứng (có thể bị ho) thì nên tránh ra ngoài lâu hơn từ 2 tới 3 tiếng sau đó vào nhà.

Được biết, loại thuốc mà đội dập dịch của y tế dự phòng phường, xã tới nhà phun sẽ được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi phun chống dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch SXH ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người. Đó là nhóm Pyrethrine, thuốc thuộc thế hệ mới nhất, đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền của Việt Nam cho kết quả an toàn. Hiện các nước trên thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.