Vì sao giáo dục thể chất bị coi là môn vớ vẩn, đến điểm danh rồi về

Vì sao giáo dục thể chất bị coi là môn vớ vẩn, đến điểm danh rồi về
TPO - TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc môn giáo dục thể chất mãi nhàm chán vì những môn khác được coi trọng hơn rất nhiều khi Bộ GD&ĐT quyết định lấy kết quả đánh giá của chúng để xét lên lớp và thi đua.
Vì sao giáo dục thể chất bị coi là môn vớ vẩn, đến điểm danh rồi về ảnh 1 Được luyện tập thể dục thường xuyên sẽ góp phần phát triển toàn diện cho học sinh. Ảnh nguồn Internet
Chăm chăm đánh giá về điểm số

TS Vũ Thu Hương cho rằng, giáo dục Việt Nam chỉ chăm chăm đánh giá bằng điểm số cộng với bệnh thành tích nên học sinh cũng chỉ  chăm chăm học môn văn hóa mà quên đi môn giáo dục thể chất vốn cực kì quan trọng.

Theo TS Hương, đây là một trong những bất cập đầu tiên của giáo dục Việt Nam. Vấn đề thứ hai chính là việc học lệch. Lí do của việc học lệch là do cách đánh giá cực kì thiên lệch của cả hệ thống.

“Những môn như toán và tiếng việt (cấp 2 là toán, văn…) thì được tôn trọng hơn rất nhiều so với các bộ môn khác khi Bộ GD&ĐT quyết định lấy kết quả đánh giá của chúng  để xét lên lớp và thi đua”- Bà Hương nhấn mạnh.

Vì thế, theo bà Hương, những bộ môn như Thể dục, Tự nhiên – Xã hội, Mĩ thuật, Âm nhạc, … bị coi là môn phụ do kết quả đánh giá không ảnh hưởng tới việc xét lên lớp và thi đua.

Tuy nhiên, bà Hương chỉ ra, việc học lệch này đã dẫn đến tai hại là trẻ em Việt Nam cực kì kém hiểu biết về thế giới xung quanh. Nói chính xác ra, việc học lệch làm học sinh Việt Nam cực dốt trong cái kết quả học tập cực cao (điểm số).

Giáo viên Nguyễn Quốc Triệu, giáo viên dạy thể dục của trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho biết, thực sự môn giáo dục công dân đang được chỉ coi là môn phụ. Đa số các trường chưa coi trọng về thể dục, không đầu tư nên việc học thể dục rất hạn chế với cả giáo viên và học sinh. "Muốn môn này là môn đúng nghĩa thì bắt buộc Bộ GD&ĐT phải cho môn học này học như các môn văn hóa khác”- thầy Triệu đề xuất.

Giáo viên mong mỏi được trả về đúng vị trí

Theo TS Vũ Thu Hương, vấn đề cơ sở vật chất không phải là vấn đề quan trọng nhất trong việc dạy giáo dục thể chất ở nhà trường.

“Nhiều nước trên thế giới họ có cơ sở vật chất cho môn này rất tốt nhưng cũng có nhiều nước không bằng với nước ta nhưng thể dục vẫn được học sinh đón nhận như môn học chính”- bà Hương cho hay.

Vì thế, điều đầu tiên theo bà Hương là cần có ý thức về vấn đề rèn luyện thể chất, giáo viên có trách nhiệm trong việc dạy dỗ trẻ em biết bản chất và sự cần thiết của  việc phát triển thể lực.

Ngoài ra, cũng theo bà Hương, các bài giảng của giáo viên cần vui tươi dễ thương: “Vẫn là các động tác đứng lên, ngồi xuống, nhảy lò cò, nhảy chân sáo, nhưng giáo viên biết tạo ra bài học hấp dẫn khiến học sinh của họ vận động rất hay”.

“Cái chính là dường như ở Việt Nam coi môn giáo dục thể chất là môn vớ vẩn. Tôi thấy nhiều lớp thể dục của mình đến chỉ điểm danh, điểm danh xong bắt một vài học sinh làm mẫu rồi ngồi xuống rồi đi về. Chính bản thân các thầy không hề ý thức được việc học thể dục cần thiết, quan trọng thế nào”- TS Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hương, một “thủ phạm” nữa khiến giáo dục thể chất càng nhàm chán là do phụ huynh cũng thấy không cần thiết: “Nhiều phụ huynh kể với tôi thấy choáng khi thầy cô giáo chủ nhiệm nói họ không dám lấy giờ hát nhạc, mỹ thuật nhưng chúng tôi chỉ dám phụ đạo vào những giờ phụ như thể dục thôi. Có nghĩa là những giáo viên chủ nhiệm coi môn này là một vớ vẩn. Thậm chí, người ta vẽ ra môn này lắm chuyện”- bà Hương cho biết.

Bà Hương cũng lo lắng, nếu giáo dục Việt Nam nếu không chú trọng về thể lực cho học sinh thì đó cả là điều đáng ngại khi các con chỉ vùi đầu vào internet và các trò chơi điện tử.

“Khi các em không khỏe mạnh sẽ liên quan nhiều vấn đề về đạo đức. Điều này không thể xem nhẹ. Nhưng nếu vậy thì bất kể các môn nào trong nhà trường cũng phải đánh giá ngang nhau chứ không phải bây giờ, môn Toán- Tiếng Việt phải làm những bài rất khó còn những môn phụ như giáo dục thể chất chỉ là được đánh giá bằng mồm.

Rõ ràng hai cách đánh giá khác nhau thì giáo viên, học sinh và chính phụ huynh cũng có quan niệm mức độ nặng nhẹ, quan trọng các môn khác nhau”- bà Hương cho biết.

Vì thế, theo bà Hương, nếu môn nào cũng thi như nhau thì khác, lấy điểm cũng thế thì sẽ khác.

MỚI - NÓNG