Vì sao giá xăng dầu vẫn cao?

Người tiêu dùng tiếp tục bị thiệt thòi do giá xăng dầu trong nước vẫn cao so với thế giới. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Người tiêu dùng tiếp tục bị thiệt thòi do giá xăng dầu trong nước vẫn cao so với thế giới. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, Nghị định 83 (thay thế Nghị định 84) về kinh doanh xăng dầu là bước tiến mới trong việc đưa giá xăng dầu sát hơn với giá thị trường. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 83 có hiệu lực (1/11/2014) đến nay, giá xăng dầu trong nước chỉ được điều chỉnh giảm nhỏ giọt và mức giá hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với các nước.

Cao gấp đôi Singapore

Hiện, giá xăng RON 92 theo niêm yết của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có giá 20.250 đồng/lít (khu vực 1). Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, giá xăng dầu tại Mỹ, thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn nhất thế giới, đang ở mức trung bình 2,74 USD cho mỗi gallon (khoảng 3,78 lít). Tức mỗi lít xăng tại Mỹ có giá 0,72 USD. Đem nhân với giá USD chuyển khoản Vietcombank công bố ngày 4/12 là 21.340, giá xăng bán lẻ tại Mỹ đang vào khoảng 15.468 đồng/lít. Thậm chí, trang CNN Money còn đưa tin có cây xăng tại Mỹ đã giảm xuống dưới 2 USD/gallon. Trong khi đó, theo đánh giá của trang GasBuddy.com, khả năng nhiều cây xăng khác trên toàn nước Mỹ sẽ sớm giảm giá theo xu hướng này trong hai ngày cuối tuần sắp tới. Tức dự báo giá xăng tại Mỹ sẽ giảm còn khoảng 11.291 đồng/lít vào cuối tuần.

Tại Singapore, thị trường cung cấp phần lớn xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam, cũng đang có giá xăng là 2,34 SGD/gallon, nhân giá SGD là 16.157 như niêm yết của Vietcombank ngày 4/12, giá xăng tại quốc đảo này đang rơi vào khoảng 10.000 đồng/lít. Như vậy, so với Việt Nam, giá xăng tại Singapore thấp hơn nửa.

Tại Indonesia, vốn được cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào giá xăng để bình ổn thị trường (khá tương đồng như ở Việt Nam), giá xăng cũng đã giảm còn 18.000 đồng/lít.

“Điều hành giá xăng dầu hiện nay không phản ánh đúng thị trường. Thị trường ở đây là giá xăng dầu thế giới. Hãy lấy giá xăng dầu thế giới để soi vào mới biết giá xăng dầu trong nước có hoạt động theo thị trường hay không”.     

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Có luồng ý kiến cho rằng, giá dầu thô thế giới đang xuống bằng với mức giá của năm 2010, nên giá xăng dầu thành phẩm cũng phải xuống theo mức 4 năm trước. Tức giá xăng dầu trong nước thay vì mức trên 20.000 đồng/lít như hiện tại, phải giảm xuống còn khoảng 16.000 đồng/lít như thời điểm cuối năm 2010. Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính, khó có thể so sánh theo kiểu mốc thời gian như vậy. Theo lý giải, tình hình kinh tế xã hội thời điểm này khác với thời điểm cách đây 4 năm. Ngoài ra, giá xăng dầu vào thời điểm hiện tại cũng chịu thuế cao hơn trước đây, thậm chí còn chịu thêm loại thuế mới là thuế môi trường.

Đồng quan điểm không thể so sánh giá theo mốc thời gian như vậy, nhưng chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long vẫn khẳng định giá xăng dầu phải tiếp tục giảm thêm nhiều nữa mới hợp lý. Theo ông Long, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu phải chịu thêm các loại thuế mới, hay như tỷ giá ngoại tệ bây giờ cũng cao hơn nhiều so với 4 năm trước. Tuy nhiên, ông Long lật ngược lại vấn đề rằng, các quy định của cơ quan nhà nước liên quan đến quản lý kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83 của Chính phủ, Thông tư liên tịch 39 của liên Bộ Công Thương- Tài chính) đều muốn hướng đến mục tiêu điều hành diễn biến giá xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng thực tế không phản ánh đúng thị trường. “Thị trường ở đây là giá xăng dầu thế giới. Hãy lấy giá xăng dầu thế giới để soi vào mới biết giá xăng dầu trong nước có hoạt động theo thị trường hay không”, ông Long nói.

Lỗi do cơ quan điều hành

Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức giá xăng trong nước đang cao hơn mốc 20.000 đồng/lít như hiện tại là không phản ánh đúng diễn biến thị trường thế giới. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lỗi ở đây chính là từ cơ quan quản lý. Mong muốn của Chính phủ và hai cơ quan phối hợp Bộ Công Thương và Tài chính điều hành thị trường xăng dầu lần lượt thông qua Nghị định 83 và Thông tư liên tịch số 39 xem ra không sát với thực tế. Theo ông Long, việc điều hành hiện tại để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Cụ thể, hiện giới doanh nghiệp và cả người tiêu dùng đang chịu thiệt từ việc giá xăng trong nước giảm chậm hơn so với các nước trên thế giới. Doanh nghiệp bị thiệt hại do giá xăng dầu không giảm ở khía cạnh là chi phí đầu vào liên quan đến sử dụng xăng dầu cao, nên sản phẩm tạo ra có giá thành cao, không thể nâng cao sức cạnh tranh so với đối thủ ở thị trường khác. Trong khi đó, người tiêu dùng bị thiệt thòi vì không được sử dụng sản phẩm đúng chất kinh tế thị trường như kêu gọi của các nhà quản lý.

Một chuyên gia kinh tế (xin giấu tên) cho biết, theo quy định, khoảng thời gian điều chỉnh giảm giá xăng dầu là 15 ngày, thì trong hai tuần đó, đại bộ phận doanh nghiệp và người tiêu dùng phải mua xăng dầu với giá cao, trong khi các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu “ung dung” ngồi thu lãi, đó là chưa kể đến mức lãi 300 đồng/lít trong giá theo quy định.

Theo vị chuyên gia trên, kể từ lần điều chỉnh giảm gần đây nhất vào ngày 22/11, sớm nhất là ngày mai (6/12) dự kiến giá xăng dầu sẽ được các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục điều chỉnh giảm. Trường hợp nếu có điều chỉnh giảm, mức trên 20.000 đồng/lít xuống mức quanh 16.000 đồng/lít như mong chờ của người tiêu dùng là điều không thể. Ai cũng thấy rằng, ngay như lần điều chỉnh giảm được xem là lớn nhất trong đợt giảm giá năm 2014 vào ngày 22/11 vừa qua, giá xăng cũng chỉ giảm 1.140 đồng trên/lít. “Người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị thiệt thòi nếu tiếp tục cách điều hành giá xăng dầu theo kiểu kinh tế “nửa” thị trường hiện tại”, vị này nói.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.