Trong triết lý kiểm soát bóng, để duy trì nhịp điệu, điều cần thiết phải tạo ra sự áp đảo về mặt quân số ở khu vực nhận bóng. Nhưng đội tuyển Việt Nam chưa thể đáp ứng điều đó.
Ví dụ như phút thứ 5 trận giao hữu với Hồng Kông (Trung Quốc), Quế Ngọc Hải dâng lên rất cao và bám biên trái. Khi có bóng, vì không có người hỗ trợ và cũng không thể đột phá, anh đành phải chuyền về cho Hoàng Đức. Thật không may, tiền vệ của Viettel trượt chân, mang đến cơ hội phản công cho đối phương. Pha bóng này Hồng Kông (Trung Quốc) chưa sẵn sàng cho việc đó, cho phép chúng ta lùi về, đồng thời Thanh Bình cũng kềm tỏa rất tốt Matt Orr.
Phải nói rằng trận đấu ở Lạch Tray, ĐT Việt Nam mắc không ít lỗi, như tình huống Duy Mạnh đẩy bóng quá dài phút 28 dẫn đến cú sút khiến xà ngang của Văn Lâm rung chuyển, hay pha mất bóng của Tuấn Anh phút 62, sau đó Hồng Kông (Trung Quốc) phản công nhưng cú sút của Sun Ming Him lại quá nhẹ.
Các hậu vệ ĐT Việt Nam chật vật trước các pha phản công của Hồng Kông (Trung Quốc). (Ảnh: Như Ý) |
Thật dễ để nói đó là sai lầm mang tính cá nhân, nhưng chính điều này cũng phản ánh vấn đề trong lối chơi của ĐT Việt Nam. Trước khi Duy Mạnh mắc lỗi, anh cùng đồng đội đã thực hiện 16 đường chuyền liên tục. Có điều tất cả đều ở vùng ngoại vi, không phải khu vực 1/3 sân đối thủ.
Chúng ta thiếu tốc độ để thay đổi tiến độ tấn công hoặc những đường chuyền đột biến để có thể thâm nhập vòng cấm. Thêm một yếu tố như đã nói, không đủ nhân sự ở các khu vực cần thiết dù đội hình được đẩy lên rất cao, sau đó tạo nên những khoảng trống khó lấp đầy nơi hàng thủ khi bị phản công.
ĐT Việt Nam đã rất may mắn khi giữ sạch lưới trong trận ra mắt của HLV Philippe Troussier. Lý do là Hồng Kông (Trung Quốc) không đủ tốt trong việc tận dụng các cơ hội có được. Nếu tại Lạch Tray là một đội bóng khác, kết quả có thể khiến nhiều người thất vọng.
HLV Troussier nhiều lần nổi nóng trước màn trình diễn của các học trò tại Lạch Tray. (Ảnh: Như Ý) |
Tất cả đã thấy ở SEA Games 32 dưới sự dẫn dắt của HLV người Pháp, U22 Việt Nam chỉ bảo toàn mành lưới duy nhất trận mở màn gặp Lào. 5 trận sau đó, các đối thủ luôn tìm được đường vào khung thành của Văn Chuẩn. Cả giải đấu U22 Việt Nam nhận cả thảy 19 cú sút trúng đích và 7 trở thành bàn thua dù giữ bóng bình quân 56,6%.
Ở 5 kỳ SEA Games trước đó, chưa bao giờ chúng ta thủng lưới nhiều đến vậy. Ngoài ra, con số 7 bàn thua gần tương đương tổng kết hợp ở 3 kỳ 2017, 2019 và 2021 (8). Chưa hết, ở các trận giao hữu còn lại dưới thời HLV Troussier, U23 Việt Nam cũng thủng lưới 16 bàn ở 8 trận giao hữu (3 ở Doha Cup).
Trên lý thuyết, lợi ích lớn nhất của triết lý kiểm soát bóng là ở khía cạnh phòng ngự (bởi đối thủ không có bóng để triển khai tấn công). Với các đội quân của HLV Troussier, nó đang phản tác dụng.
Duy Mạnh cùng đồng đội cần làm tốt hơn ở trận đấu với Syria. (Ảnh: Như Ý) |
Đơn giản vì chúng ta không thể tối ưu lợi thế cầm bóng, biến nó thành bàn thắng hoặc ít nhất là những pha tấn công nguy hiểm. Và khi cố gắng cầm bóng nhưng di chuyển thiếu đồng bộ, sự liên lạc giữa các cầu thủ không được duy trì, sai lầm dễ xảy ra, đẩy thủ môn vào tình thế nguy hiểm.
Trận giao hữu sắp tới gặp Syria, đội xếp thứ 90, cao hơn Việt Nam 5 bậc trên BXH FIFA, sẽ là liều thuốc thử đủ mạnh cho thầy trò HLV Troussier. Những cầu thủ từng ghi 3 bàn vào lưới Thái Lan hồi tháng 3 chắc chắn sẽ không bỏ lỡ các cơ hội tốt giống Hồng Kông (Trung Quốc), và chúng ta sẽ phải trả giá đắt nếu lặp lại màn trình diễn ở Lạch Tray.
Liệu 5 ngày có đủ để HLV Troussier giới thiệu một đội bóng hiệu quả trong tấn công và chắc chắn khi phòng ngự, chúng ta hãy cùng chờ xem.