Nhập gia tùy tục
Tại Diễn đàn kết nối nông sản với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” diễn ra sáng 10/12, Tiến sĩ Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc - cho biết, thị trường 1,4 tỷ dân không hề dễ tính.
Cho rằng các DN Việt Nam hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc, bà My lưu ý, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường đông dân nhất thế giới, việc cần làm trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu.
Thứ hai, cần tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, có kênh bán hàng tốt, có đội ngũ tâm huyết với việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Ngoài ra, DN Việt Nam nên tận dụng nguồn lực kiều bào hoặc hội DN Việt Nam tại nước bản địa.
Thứ ba, DN Việt Nam nên thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.
Thứ tư, “nhập gia tùy tục”, Trung Quốc yêu cầu rất cao về mẫu mã, số lượng không cần nhiều nhưng hộp quà phải đẹp. Vì vậy, cần tập trung chú trọng mẫu mã và đặc biệt để ý đến số lượng nên là những số 2, 6, 8.
Thứ năm, những DN Việt Nam muốn làm ăn lâu dài nên mở văn phòng đại diện hoặc công ty con tại Trung Quốc.
Đại diện Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết thêm, hiện Hội hỗ trợ miễn phí cho DN Việt Nam bảo hộ thương hiệu, logo trước khi vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, hỗ trợ không gian trưng bày cho những thương hiệu nông sản Việt đủ điều kiện XK vào thị trường Trung Quốc tại gian hàng quốc gia Việt Nam tại Trung Quốc. Đối với các tỉnh có nguồn nông sản lớn, Hội sẵn sàng tham gia chào hàng với những DN nhập khẩu lớn nhất Trung Quốc…
Theo ông Đinh Gia Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, với ngành rau củ quả thực phẩm, Trung Quốc là thị trường quan trọng, có sức mua lớn, tuy nhiên chưa có xúc tiến thương mại đầu tư tập trung hơn để xứng đáng với quy mô.
“Thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, đây là thị trường không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng. Những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm rất nghiêm túc và rõ ràng. Để XK sang thị trường Trung Quốc, ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng cần được nâng cao” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa kiến nghị, sớm hay muộn thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chúng ta càng sớm khuyến cáo đến nông dân về tiêu chuẩn phía bạn thì sẽ thuận lợi cho công tác XK về sau.
Đối với sầu riêng, cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc vì giá trị sản phẩm XK rất cao. Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000-15.000 USD/tấn.
“Sắp tới khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát được dịch và mở cửa với thế giới, nhu cầu trong ngành rau củ quả sẽ tăng lên rất cao. Nếu chúng ta sớm đón đầu làn sóng tiêu thụ này thì sẽ rất tốt” - ông Nghĩa cho hay.
Thu hoạch sầu riêng ở ĐBSCL (Ảnh: CK) |
Xuất hiện tình trạng gây nhiễu thông tin
Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T Group - cho biết, lần đầu XK sầu riêng vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư, tập đoàn đã triển khai các vùng trồng tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước... đồng thời, cam kết với các hộ dân mua giá cao hơn so với giá thị trường từ 1.000-3.000 đồng/kg tùy khu vực và tình hình.
Tuy nhiên, theo ông Phú, xuất hiện vấn đề bất cập trong quá trình buôn bán, đó là các DN không có cơ sở đóng gói thông báo mua giá cao hơn 5.000-20.000 đồng, điều này đã gây nhiễu thông tin trong quá trình mua bán của công ty với các hợp tác xã (HTX), nông hộ.
Hiện tại có một số DN lợi dụng sự không hiểu biết của người dân, ký giấy ủy quyền để làm mã sử dụng sai mục đích, gây khó khăn cho DN trong việc quy hoạch vùng trồng và triển khai cho việc XK.
"Công ty cũng đã có khuyến nghị với nông dân rằng, khi xây dựng được mã số vùng trồng XK sang Trung Quốc, mã này sẽ được bán ra cho DN, được ký xác nhận với chính quyền xã, hộ thành viên và HTX, xác nhận nguồn hàng và được XK sang thị trường Trung Quốc. Công ty mong muốn nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc liên kết nông dân, HTX với DN" - đại diện Vina T&T Group nói.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - đề nghị, các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; mô hình liên kết các bên sản xuất - thu mua; cơ chế phối hợp với Cục khi phát hiện cạnh tranh không lành mạnh, gian lận mã số vùng trồng, qua đó, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, thậm chí thu hồi theo quy định nếu DN, vùng trồng gian dối...