Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu rau quả của cả nước có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Sau khi lao dốc trong phần lớn thời gian của năm, trong tháng 11, xuất khẩu rau quả của Việt Nam phục hồi trở lại với 340 triệu USD kim ngạch, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả 11 tháng qua, xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 3,1 tỷ USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu rau quả giảm do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc khi nước này vẫn siết chặt các điều kiện kiểm tra dịch bệnh. Tuy vậy, trong 10 tháng từ đầu năm, đây vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam lớn nhất khi đạt 1,2 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 44% thị phần.
Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đang tăng mạnh |
Đáng chú ý, năm nay Việt Nam lại tăng mạnh nhập khẩu rau quả từ các nước. Trong 11 tháng, Việt Nam chi tới 1,87 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước để nhập khẩu rau quả. Trong đó, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng tới 83% so với cùng kỳ năm ngoái, (chiếm tỷ trọng 40%), Mỹ tăng 13,6% và Úc tăng 17%...
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho rằng, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng mạnh do điều kiện thông quan vào nước ta dễ dàng. Đặc biệt, nhờ giá rẻ và chất lượng có sự cải thiện, các loại trái cây như lựu, nho, lê, táo…hay rau củ như cà rốt, hành tây, hành, tỏi…của Trung Quốc đang được bày bán nhiều trên thị trường.
Theo ông Nguyên, trước việc hàng loạt các sản phẩm nông sản như bưởi, sầu riêng, chuối, chanh leo, nhãn…vừa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường khó tính trong những tháng cuối năm, ngành rau quả năm nay có cơ hội lội ngược dòng, đạt xấp xỉ khoảng 3,5 tỷ USD như năm ngoái.
Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam kỳ vọng, sang năm, khi các nghị định thư bắt đầu phát huy tác dụng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự kiến có thể tăng trưởng 20-30%.