Lội ngược dòng
Ngày 28/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ xuất khẩu chính ngạch lô bưởi da xanh đầu tiên sang Mỹ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Mỹ là thị trường khó tính bậc nhất hiện nay, tuy nhiên nhu cầu về nhập khẩu các loại trái cây tươi vẫn rất lớn.
Do vậy, sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng giúp quả bưởi Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp DN và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.
Theo ông Nam, bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất vào Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
“Việc quả bưởi chính thức được xuất sang Mỹ là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam, khẳng định uy tín của nông sản Việt ngày càng được nâng cao trên thị trường thế giới”, ông Nam chia sẻ.
Nông dân trồng bưởi xuất khẩu ở Bến Tre. Ảnh: Hòa Hội |
Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu - đơn vị đảm nhận việc xuất lô bưởi đầu tiên sang Mỹ cho biết, sản phẩm vào được thị trường Mỹ vừa góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu vừa làm tăng uy tín cho các sản phẩm trái cây Việt Nam.
“Với tình hình này, trong tháng 11, xuất khẩu nông sản dự kiến đạt được hơn 400 triệu USD và năm nay ngành rau quả có thể đạt kim ngạch xấp xỉ bằng năm ngoái, khoảng 3,5 tỷ USD. Sang năm 2023, xuất khẩu nông sản dự kiến có thể tăng trưởng tới 20-30%”.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả
Sau khi vào được thị trường Mỹ, bưởi Việt Nam cơ hội rất lớn để mở rộng chinh phục các thị trường khác như Úc, New Zealand, Nhật, Trung Quốc. Thời gian tới, mục tiêu của công ty này là đưa trái bưởi vào các chuỗi hệ thống siêu thị lớn như Costco, Walmart.
Không chỉ trái bưởi, gần đây, nông sản Việt liên tục đón hàng loạt tin vui khi nhiều loại nông sản chính được chấp thuận xuất chính ngạch sang một số thị trường khó tính.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), từ cuối tháng 11, quả chanh, bưởi sẽ chính thức có “visa” xuất sang New Zealand. Quả nhãn sẽ sang Nhật Bản và trở thành loại quả thứ 4 được phép xuất sang thị trường này.
Bưởi ở Bến Tre được trồng với quy chuẩn, vùng quy quy hoạch riêng để xuất khẩu. Ảnh: Hòa Hội |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, tính đến tháng 10, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,75 tỷ USD (giảm 8%) so với cùng kỳ năm trước. Trong những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc siết chặt quy định nhập khẩu, ngành rau quả rất chật vật, có thời điểm giảm gần 20%.
Tuy nhiên, việc hàng loạt các nông sản trong những tháng cuối năm được cấp phép xuất khẩu chính ngạch đang giúp ngành rau quả có cơ hội lội ngược dòng ngoạn mục. Sau khi sầu riêng được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, xuất khẩu mặt hàng này tăng đột biến khi đạt hơn 20.000 tấn chỉ trong vài tháng. Giá bán tăng gấp 3 lần, có lúc lên tới 80-100 nghìn đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, sự kiện xuất khẩu chính ngạch những lô bưởi đầu tiên được tổ chức tại Bến Tre là niềm tự hào không chỉ của người trồng bưởi Bến Tre mà còn là niềm vui chung của người dân trồng bưởi trên cả nước. Xuất khẩu chính ngạch trái bưởi sẽ giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ rộng lớn và cũng là một trong những thị trường khó tính bậc nhất hiện nay.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trong 7 sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam được xuất sang Mỹ thì Bến Tre có 3 sản phẩm gồm: Bưởi, Nhãn, Chôm Chôm.
Với diện tích trồng bưởi khoảng 10.000ha, hằng năm cho sản lượng trên 200.000 tấn, tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Đồng thời, chú trọng đến các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Mỹ quan tâm; xây dựng các vùng trồng, tổ chức sơ chế, đóng gói sau thu hoạch, đảm bảo đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang EU và Mỹ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, ngành nông nghiệp Bến Tre định hướng phát triển chuyên sâu, hiện đại gắn với tiến bộ khoa học kỹ thuật; đặc biệt là hướng đến xuất khẩu sản phẩm chủ lực ở thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Nâng cấp công nghệ bảo quản
Là một trong những DN đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu bưởi chính ngạch sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group chia sẻ, DN rất vui khi liên tục nhận được thông tin hàng loạt trái cây của Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.
Trong mấy ngày qua, DN tất bật chuẩn bị nhiều lô hàng để xuất khẩu, hưởng ứng sự kiện. Tuy nhiên, theo ông Tùng đặc thù của trái cây tươi là nhanh hư hỏng trong khi vận chuyển xuất sang Mỹ, châu Âu,… mất nhiều thời gian, do đó để chinh phục thành công các thị trường đòi hỏi DN phải đầu tư bài bản, đặc biệt là trong nâng cấp công nghệ bảo quản để vận chuyển dài ngày.
Tổng thư ký Hiệp hội rau quả của Việt Nam cho rằng, trái cây Việt tại thị trường Mỹ được đánh giá rất ngon và chất lượng nhưng phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm đến từ các nước gần Mỹ với chi phí logistics thấp hơn. Do đó, về lâu dài các DN phải đầu tư công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm khác như nước ép, tinh dầu bưởi…
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc mở cửa được thị trường và ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch thêm hàng loạt nông sản sẽ tạo động lực cho người nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô hơn. Tuy vậy, hiện nông sản Việt phải đáp ứng hàng tá tiêu chuẩn khắt khe từ phía các nước đưa ra.