Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả chật vật tìm hướng đi mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ đầu năm đến nay, trong khi các ngành hàng xuất khẩu khác đều phục hồi ấn tượng, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rau quả vẫn đang vật lộn giải bài toán muôn năm cũ “bí đầu ra, giá rớt mạnh”. Nếu không tìm được hướng đi mới, ngành rau quả khó đạt được mục tiêu 4 tỷ USD trong năm nay.
Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả chật vật tìm hướng đi mới ảnh 1

Doanh nghiệp mong các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả

Như ngồi trên đống lửa

Ông Nguyễn Công Kính, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Thành Phát cho biết, DN đang ngồi trên đống lửa vì hàng nghìn tấn thanh long đến vụ thu hoạch nhưng không bán được.

Theo ông Kính, cước vận chuyển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tình trạng khan hiếm container tiếp tục xảy ra khiến DN rơi vào tình trạng càng xuất, càng lỗ. Như thị trường châu Âu, châu Mỹ, trước đây DN xuất hàng chỉ mất khoảng 21 ngày (từ lúc đóng hàng lên tàu), phía đối tác sẽ nhận được và đưa vào thị trường phân phối. Nhưng hiện nay mất từ 60 đến 80 ngày, dẫn tới trái thanh long bị hư, có những lô hàng hỏng đến 80%, khiến DN mất trắng.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc vẫn đang kiểm tra rất ngặt nghèo về phòng chống dịch COVID-19. Một số thành phố lớn của nước bạn thực hiện phong tỏa nên hoạt động tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam càng khó khăn hơn. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đang giảm mạnh nên khó đủ bề, trong khi đây là thị trường chủ lực của rau quả Việt Nam.

“Mọi năm cứ đến vụ thu hoạch, công ty đóng hàng, xuất cả chục container mỗi ngày rất sôi động, nhưng giờ công nhân ngồi dài đợi lịch xem có đặt được tàu không, cửa khẩu đóng mở thế nào. Thậm chí, khi có chuyến xuất đi rồi, DN vẫn lo lắng vì thủ tục kiểm tra từ phía bạn thường kéo dài, mất nhiều thời gian thông quan, dẫn tới hàng dễ bị hỏng hay giảm chất lượng”, ông Kính cho hay.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Bình (Đồng Nai), đơn vị chuyên các sản phẩm về chuối cho biết, ngay cả xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch bằng tàu biển cũng gặp nhiều rủi ro.

Trước đây, mỗi container chuối 20 tấn xuất sang Trung Quốc mất khoảng 60 triệu đồng, nay giá cước tăng lên gần gấp 3 lần. Trong khi đó, giá chuối liên tục giảm mạnh, từ 20.000 đồng xuống còn chỉ 5.000 đồng/kg.

“Một số vườn chuối đã đến thời điểm thu hoạch nhưng nông dân không buồn cắt vì càng bán càng lỗ. Thời gian tới, nhiều vùng chuối xuất khẩu sẽ vào vụ thu hoạch, nguồn cung tăng nhanh trong khi xuất khẩu gặp khó, giá thấp nguy cơ ùn ứ không tiêu thụ được hết”, ông Hùng nói.

Doanh nghiệp mong tháo gỡ gì?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,17 tỷ USD (giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh khi chỉ đạt 455,4 triệu USD (giảm 25,3%). Trước tình hình này, nhiều DN chuyển hướng xuất khẩu, tập trung vào các thị trường mới như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Úc…

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, EU đang là thị trường tiềm năng rất lớn đối với rau quả Việt Nam, nhất là các sản phẩm thế mạnh như chôm chôm, thanh long, dưa, dứa, nhãn, vải… Hiện, rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này mới chỉ chiếm 1% thị phần trong khi chúng ta có lợi thế về thuế quan hơn các nước khi được giảm về 0%.

Theo ông Tùng, từ đầu năm đến nay, lượng rau quả của công ty xuất sang EU tăng rất mạnh, số lượng đơn hàng từ các đối tác cũng tăng vọt. Tuy nhiên, điều đáng lo, mới đây Ủy ban châu Âu ra quyết định tăng tần suất kiểm tra đối với các lô hàng xuất khẩu thanh long của Việt Nam từ 10% lên 20% và một số loại rau gia vị, đậu bắp và ớt…

“Cơ hội là rất lớn nhưng rau quả Việt Nam sang thị trường này cũng đối diện nhiều thách thức do tính đồng bộ và liên kết trong sản xuất chưa cao, thiếu vùng sản xuất quy mô lớn đảm bảo chất lượng cũng như nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Các DN còn thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu, thị trường và kênh tiếp cận khách hàng châu Âu nên sức cạnh tranh chưa mạnh”, ông Tùng nói.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Malaysia và bưởi sang Mỹ nên rất cần những thông tin về thị hiếu, dung lượng thị trường và các nhà nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, hiện việc nhận hỗ trợ thông tin từ các đại sứ quán chưa phổ biến nên DN gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

“Các bộ, ngành cần tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán mở cửa thị trường để thêm nhiều loại trái cây của Việt Nam vào những thị trường trọng điểm như Mỹ, Úc, Canada…”, bà Vy nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu rau quả, Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây tại Trung Quốc, đồng thời tập trung đàm phán và hoàn thiện các thủ tục để thúc đẩy xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc; bưởi, chanh sang New Zealand và khảo sát vùng trồng bưởi, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Mỹ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Trung Quốc tiếp tục thắt chặt chính sách “Zero Covid”, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường chủ lực này dự báo tiếp tục gặp khó khăn, nên mục tiêu xuất khẩu mặt hàng này đạt 4 tỷ USD trong năm nay khó đạt được.

Với hơn 1,5 triệu tấn trái cây sắp đến thu hoạch, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, bộ đang yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp sớm tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu trái cây trước mùa vụ mới và lên sẵn kịch bản cho một số nông sản sắp vào mùa vụ như chuối, mít, lúa gạo xuất khẩu.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.