Hàng triệu tấn nông sản đang bí đầu ra

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện Trung Quốc vẫn đóng nhiều cửa khẩu để duy trì chính sách "Zero Covid”, nên xuất khẩu rau quả tiếp tục gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh, hàng triệu tấn nông sản sắp đến thu hoạch, nếu không có biện pháp kịp thời, việc tiêu thụ có thể ách tắc và giảm mạnh như các tháng vừa qua.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 1,17 tỷ USD (giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh khi chỉ đạt 455,4 triệu USD (giảm 25,3%).

Nguyên nhân do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid", các biện pháp phòng dịch của nước này làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ. Trong khi đó, với thị trường Liên minh châu Âu (EU), dù rau quả Việt Nam đang được hưởng lợi do ưu đãi thuế quan nên tăng trưởng tốt trong năm qua nhưng gần đây phát sinh vấn đề EU tăng tần suất kiểm tra đối với thanh long và rau gia vị từ 10% lên 20% khiến lượng xuất khẩu sụt giảm.

Theo Bộ NN&PTNT, trong bối cảnh đầu ra tiêu thụ gặp khó, giá một số loại nông sản đang giảm mạnh. Điển hình như giá mít ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm hơn một nửa hiện chỉ còn khoảng 6.000 đồng/kg với loại 1 và khoảng 4.000 đồng/kg với loại 2. Giá xoài Đài Loan trước đây từ 20.000 đồng/kg trở lên, nay thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá thanh long hiện cũng chỉ thu mua chỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg.

Tại Tiền Giang, sản lượng trái cây sắp đến thu hoạch khoảng 992.000 tấn, chiếm 60% sản lượng cả nước. Tuy nhiên, việc bí đầu ra khiến giá không ít loạt nông sản đang giảm, như sầu riêng ở tỉnh này đầu vụ bán ra đạt mức khá cao 80.000 - 90.000 đồng/kg nhưng sau đó giảm xuống dần, hiện ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg. Còn tại Đồng Nai, xuất khẩu chuối đang gặp khó khi giá chỉ có 5.000 đồng/kg (giảm hơn 50%).

Theo Bộ NN&PTNT, sắp tới hàng loạt trái cây đến vụ thu hoạch với số lượng lớn nếu không có biện pháp kịp thời, quá trình tiêu thụ nông sản có thể ách tắc và giảm mạnh như các tháng vừa qua.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp các đơn vị liên quan, doanh nghiệp sớm tổ chức hội nghị xúc tiến trái cây trước mùa vụ mới. Đồng thời, Bộ NN&PTNT yêu cầu Văn phòng SPS Việt Nam triển khai ngay các kế hoạch phối hợp địa phương, đặc biệt là những vùng nguyên liệu lớn để hướng dẫn những nội dung mới trong quy định xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm, đặc biệt là Lệnh 248, Lệnh 249 tại Trung Quốc.

Các đơn vị, địa phương cần lên sẵn kịch bản cho một số nông sản sắp vào mùa vụ như chuối, mít, lúa gạo xuất khẩu để có kế hoạch tiêu thụ phù hợp.

MỚI - NÓNG
Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?
Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?
TPO - Dự án khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được kỳ vọng là cơ hội góp phần vừa công nghiệp hóa vừa đô thị hóa cho địa phương, việc tái định cư trong giai đoạn đầu thực hiện tốt thì khi triển khai giai đoạn 2 sẽ rất thuận lợi. Khu tái định cư sẽ là cơ sở để hình thành nên các khu đô thị mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...