Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - tại Diễn đàn Hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022: Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TPHCM diễn ra ngày 15/9, tại TPHCM .
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. |
Theo ông Lộc, DN Việt Nam rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI do không cung ứng được các nguyên liệu vật tư, phụ tùng cần thiết. DN FDI rất khó tìm được các nhà cung ứng ở Việt Nam, do các nhà cung ứng của Việt Nam không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết và những công nghệ cần thiết để có thể trở thành nhà cung ứng cho DN FDI. Hiện tại, phần lớn các nguyên liệu, vật tư vẫn phải nhập từ nước ngoài.
“Người ta nói nhiều đến nền kinh tế 2 tốc độ, ở Việt Nam chính là tốc độ của khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, hai tốc độ này không bắt nhịp được với nhau và chúng ta chưa thực sự có được một cuộc “kết hôn” giữa các DN trong nước với DN FDI để cùng tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Vũ Tiến Lộc nói.
Nhận định làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam, tuy nhiên ông Leif Schneider - Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) - nhấn mạnh, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép (hoặc phê duyệt M&A).
“Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp, đây là điểm thuận lợi. Nhưng với trình độ học vấn tổng thể chưa cao, bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và trực tiếp đến quá trình làm việc” - ông Leif Schneider nhìn nhận.
Sản xuất ống thép luồn dây điện để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, dù có nhiều thuận lợi, song TPHCM đang đối mặt với một số khó khăn lớn, làm chậm tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố như sức ép lạm phát từ việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới (xăng dầu, than, giá cước vận chuyển…); hệ thống cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; quỹ đất để thu hút các dự án phục vụ sản xuất công nghiệp không còn nhiều…
Báo cáo mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, dù số lượng doanh nghiệp FDI gia tăng nhanh chóng những năm gần đây kéo theo nhiều cơ hội mở rộng mạng lưới kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực công nghiệp trong nước nhưng vẫn còn khoảng cách rất lớn để các doanh nghiệp chính thức đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy, mức độ tham gia của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là rất thấp nếu so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á.
Các số liệu cho thấy, đến nay mới chỉ có khoảng 36% doanh nghiệp Việt tham gia được vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả việc xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp của các doanh nghiệp FDI. Trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan lên đến 60%. Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất.
Điểm mấu chốt, theo VCCI, chính là do mới chỉ có khoảng 4% các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chí tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI đang có các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thường không được đánh giá cao trong việc tuân thủ những quy định sản xuất khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế.
Các yêu cầu về chuẩn hóa nhân lực, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đảm bảo yếu tố môi trường cũng như quy mô sản xuất công nghiệp, mức độ hiện đại hóa và quy trình quản trị cũng là những đòi hỏi mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó vượt qua các rào cản để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Số liệu mới nhất của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Tuy vậy, đến nay đã ghi nhận khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Các số liệu cho thấy, trong ngành dệt may da giày có 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% số doanh nghiệp chuyên cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường.
Với lĩnh vực điện tử, có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% số doanh nghiệp cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.