Vì sao Đà Nẵng có mức tăng trưởng âm?

TP - 12 địa phương được công bố  tăng trưởng âm mà điểm  lại, toàn những tỉnh "tên tuổi". Thậm chí, nhiều nơi kinh tế tăng trưởng ở mức âm nặng như Đà Nẵng, Quảng Nam,  Khánh Hòa,  Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...

Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dịch COVID-19 kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay. Tại Việt Nam,  dịch bệnh đã làm  ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam chỉ đạt 0,36% do bị “đứt gãy” thị trường xuất khẩu. Đã có tới 12 địa phương được công bố  tăng trưởng âm mà điểm  lại, toàn những tỉnh "tên tuổi". Thậm chí, nhiều nơi kinh tế tăng trưởng ở mức âm nặng như Đà Nẵng, Quảng Nam,  Khánh Hòa,  Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...

Câu chuyện “tăng trưởng âm” thực ra không quá  bất ngờ  bởi từ  tháng 4/2020 đã “dấy” lên cảnh báo về nguy cơ xảy ra điều này. Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán SSI khi đó đã cảnh báo: Quý 2/2020 này, khả năng sẽ là quý đầu tiên tăng trưởng âm sau hàng chục năm, điều mà ngay cả trong khủng hoảng 2009 và 2012 chưa từng xảy ra.  

Phía sau  tăng trưởng âm  là gì? Mổ xẻ để thấy: Trong số 12 địa phương trên, hầu hết tăng trưởng đều đang có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỉ trọng lớn, hoặc tăng trưởng lại quá phụ thuộc vào khu vực FDI. “Khi khu vực FDI không xuất khẩu được do dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế các địa phương này đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Còn như Đà Nẵng, Khánh Hòa, phụ thuộc quá nhiều vào du lịch, thì  lập tức bị đại dịch tấn công”, một chuyên gia nhận xét. Thậm chí,  Đà Nẵng tăng trưởng âm còn được chỉ ra là  “cơ hội”  để chúng ta nhìn thẳng vào  bất cập tồn tại trong cơ cấu kinh tế các địa phương.  Đó là về chất lượng tăng trưởng khi yếu tố cấu thành, lệ thuộc quá lớn vào du lịch.  

Sự tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào 2 quá trình: Sự tích lũy tài sản (như vốn, lao động và đất đai) và đầu tư những tài sản này có năng suất hơn. Tiết kiệm và đầu tư là trọng tâm, nhưng đầu tư phải hiệu quả thì kinh tế mới tăng trưởng mạnh được.

Trong bối cảnh vừa đối mặt với dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, GDP cả nước 6 tháng qua vẫn đạt tăng trưởng 1,81%. Trong đó, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn bán lẻ tăng 4,3%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Làm gì để “cứu” tăng trưởng  lúc này? Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng  cho rằng, đã đến lúc các ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành là  cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. 

“Hiến kế” cụ thể hơn, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra: Liều thuốc “cứu” tăng trưởng ngay lúc này là phải đẩy mạnh giải ngân các công trình quốc gia trọng điểm như Sân bay quốc tế Long Thành, xây dựng đường băng tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài... nhằm hỗ trợ nền kinh tế. “Bởi cứ thêm 1% giải ngân đầu tư công, GDP sẽ tăng thêm 0,06%”, ông Lâm khẳng định.

Ngân sách giảm thu 1.100 tỷ đồng/năm

Tại tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA” do báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 2/7, ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, với EVFTA, EU sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, dự kiến từ 1/8/2020.

“Từ trước đến nay, chưa có một đối tác nào cam kết ở mức cao như vậy. Hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu (XK) của Việt Nam như da giày, dệt may... lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm với mức xóa bỏ dần hàng năm. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp cơ hội tăng giá trị XK” - ông Tùng nói. 

Bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan cho biết, việc cắt giảm thuế cũng sẽ dẫn tới việc thúc đẩy gia tăng kim ngạch thương mại. Bên cạnh những thuận lợi, theo bà Hương, việc này sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước. “Tính toán cơ bản của Tổng cục Hải quan, dự kiến tổng mức giảm thu ngân sách nhà nước theo lộ trình của Hiệp định EVFTA khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Mức tăng sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng”, bà Hương cho hay. 

MỚI - NÓNG