Vì sao cứ mưa rào hạ tầng thoát nước Hà Nội lại 'tê liệt'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cùng với dự án thoát nước đã hoàn thành đi vào sử dụng, trong nhiều năm nay thành phố Hà Nội đã chi thêm hàng chục nghìn tỷ đồng để xây các trạm bơm hỗ trợ cho công tác thoát nước. Tuy vậy, tình trạng "cứ có mưa rào là ngập" là điệp khúc vẫn diễn ra thường xuyên.

Cứ mưa rào là ngập

Từ đầu mùa hè (tháng 5) đến ngày 22/6, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 5 trận mưa rào. Cường độ mưa so với nhiều năm trước chỉ ở mức trung bình là 50 đến 70 mm. Tuy nhiên, nhiều tuyến phố Hà Nội rơi vào tình trạng ngập sâu, khiến không ít phương tiện tham gia giao thông bị chết máy. Gần đây nhất, trận mưa chiều 20/6 làm cho nhiều tuyến phố như Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc, Thụy Khuê, Tôn Đản, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoa Bằng… ngập nước.

Thậm chí, cơn mưa đầu giờ chiều ngày 12/6 chỉ diễn ra khoảng hai giờ đồng hồ nhưng đã làm hàng chục tuyến phố ngập sâu, giao thông hoàn toàn bị tắc nghẽn: Tràng Tiền, Thái Thịnh, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trãi, Phạm Hùng… Ngoài ra, tại quận Nam Từ Liêm, nước mưa ngập đã tràn vào nhiều tầng hầm các khu chung cư mini, làm nhiều xe máy của người dân để dưới hầm bị chìm trong nước.

Vì sao cứ mưa rào hạ tầng thoát nước Hà Nội lại 'tê liệt'? ảnh 1

Mưa ngập trên nhiều tuyến phố Hà Nội ngày 8/5/2023

Thông tin về trận mưa này, ông Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước) cho biết, do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu nên trưa 12/6 trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có mưa rào, lượng mưa đo được dao động 10 - 71 mm/giờ.

Trong đó, tại quận Hà Đông, lượng mưa là 71.9 mm, quận Thanh Xuân 70,7 mm, quận Nam Từ Liêm 69,9 mm. Đề cập tình trạng ngập, ông Sơn cho biết, do cường độ mưa lớn, lại tập trung tại một số khu vực nội thành nên xuất hiện úng ngập tại một số vị trí như phố Quan Nhân, hầm chui Đại lộ Thăng Long, Nguyễn Trãi, Triều Khúc (ngõ 97 đến Ao Đình), Bùi Xương Trạch, Vương Thừa Vũ.

Đánh giá về 5 trận mưa vừa qua, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng, so với cùng kỳ năm 2022 (có mưa lên đến trên 150 mm/giờ) thì mưa các tháng đầu mùa hè có cường độ trung bình từ 30 đến 70 mm/giờ. Tuy nhiên, các trận mưa này vẫn vượt năng lực thiết kế của hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố, trong đó có các trận mưa vào các ngày 8/5, 12/6 và 20/6.

Hạ tầng thoát nước “bất lực”?

Vì sao cứ mưa rào hạ tầng thoát nước Hà Nội lại 'tê liệt'? ảnh 2

Mưa khiến nước ở đường Nguyễn Trãi ngập hơn nửa bánh xe máy ngày 12/6/2023

Đánh giá về hệ thống thoát nước hiện nay, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, hệ thống hạ tầng, đường ống và trạm bơm từ dự án thoát nước Hà Nội đã được xây dựng xong và có công suất 310mm/2 ngày (tương đương các trận mưa có cường độ 50mm/2 giờ).

Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết, hầu hết các trận mưa gây ngập trên địa bàn thành phố thời gian qua đều có cường độ mưa vượt năng lực thiết kế của dự án (50mm). Thậm chí nhiều trận mưa trong năm 2022 có cường độ từ 100 đến 180 mm/giờ vượt gấp ba năng lực của hệ thống thoát nước của thành phố. Riêng trong năm 2023, từ tháng 5 đến nay toàn thành phố xảy ra 5 trận mưa rào, đều có cường độ vượt 50mm/giờ, riêng trận mưa trưa 12/6 và tối 20/6 có cường độ lớn nhất, từ 60 đến 70mm/giờ.

Từ thực tế hạ tầng thoát nước trên, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, với các trận mưa có lượng mưa đến 50 mm/giờ, thành phố không xảy ra úng ngập; với trận mưa có lượng mưa từ 50 đến 70 mm/giờ, toàn thành phố sẽ có 11 điểm úng, trong đó có các điểm: Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Đường Thành - Bát Đàn (Hoàn Kiếm), Nguyễn Khuyến (Đống Đa); Hoa Bằng (Cầu Giấy); Thụy Khuê (dốc La Pho, Tây Hồ); phố Minh Khai (Hai Bà Trưng); Đại lộ Thăng Long (Nam Từ Liêm)… Với các trận mưa có lượng mưa trên 70 mm/giờ, thành phố xuất hiện 19 điểm úng ngập…

Về giải pháp chống ngập trên địa bàn thời gian tới, ông Sơn cho biết, công ty đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, với khu vực Trung tâm thành phố: thực hiện cải tạo, nạo vét hệ thống cống đã được xây dựng, trong đó có các cống ngầm được xây từ hàng chục năm qua. Cùng với đó, dùng hệ thống quan trắc bằng công nghệ để kết nối thông số về mực nước trên hệ thống các cống ngầm, bể điều tiết để kết nối với các hồ điều hòa, trạm bơm, đập thủy lợi để điều tiết, vận hành chủ động, thông suốt khi có mưa. Đối với khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội - tình trạng úng ngập vẫn còn tiếp diễn do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật không theo kịp, công ty phải huy động máy móc, nhân lực túc trực để bơm cưỡng bức hỗ trợ tiêu úng.

Với các điểm thường xảy ra ngập úng, trong đó có 11 điểm đã tồn tại từ nhiều năm nay, ông Sơn cho biết, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều biện pháp cải tạo, giảm ngập. Tuy nhiên, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội thừa nhận, các giải pháp nhằm giảm ngập chỉ là tình thế. Để giải quyết được tình trạng ngập úng trên địa bàn Hà Nội, Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng, cần thực hiện bài bản quy hoạch, trong đó sớm hoàn thành trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Liên Lạc, cùng với đó thực hiện có hiệu quả các dự án thoát nước bổ sung khu vực phía Nam, phía Tây thành phố.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.