Vì sao Bộ GD&ĐT điều chỉnh mục tiêu đề án Ngoại ngữ 2020

Vì sao Bộ GD&ĐT điều chỉnh mục tiêu đề án Ngoại ngữ 2020
TPO - Sáng nay, 17/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 tại 6 điểm cầu trên cả nước.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ điểm qua những hạn chế trong quá trình triển khai đề án trong thời gian vừa qua.

Theo Bộ trưởng, mục tiêu của Đề án thời gian qua chưa tính đến điều kiện khả thi, vì vậy, sau 1 thời gian triển khai, nhiều mục tiêu không đạt được. Vì nhiều mục tiêu đặt ra quá cao dẫn đến hiệu quả không cao. Biểu hiện rõ trong kỳ thi vừa rồi. Đây là bài học sáng giá để nhìn lại.

Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng nhất trong dạy và học ngoại ngữ. Việc áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ  (NLNN)châu Âu 6 bậc có tài liệu nhưng vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Giáo viên đã phải cố gắng nhiều nhưng không hiệu quả.  Không ngoại trừ một số trường hợp  chạy chứng chỉ để đảm bảo hồ sơ đứng lớp.

Đào tạo có nhưng phương thức vẫn theo kiểu cũ. Trách nhiệm  của các trường sư phạm, nhất là các trường chuyên ngữ chưa được chú trọng đúng mức. Giáo viên phần lớn dồn vào hè đi học, vất vả cho giáo viên mà hiệu quả không cao. Trong khi ở thế giới, nhiều người dùng theo hình thức online. Các thầy cô có thể học mọi lúc mọi nơi, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin.

Về khảo thí đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hiện tượng mua bán chứng chỉ.

Từ những hạn chế này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra giải pháp trong thời gian tới.

Thứ nhất là tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là các trường sư phạm. Nếu những thầy cô yếu quá, khả năng đạt chuẩn quá xa thì chuyển công tác khác.

Nhiệm vụ thứ hai, tập trung vào cơ sở học liệu, phù hợp với điều kiện, yêu cầu của Việt Nam và đào tạo từ xa, tạo điều kiện cho các giáo viên có thể học mọi lúc mọi nơi, hình thành các trung tâm. Không có liên doanh liên kết trong đào tạo ngoại ngữ.

Thứ ba, củng cố nâng cao dạy ngoại ngữ. Tránh tình trạng học xong không công nhận, làm thật nghiêm.

“Ngoài ra,  đề án 2020 không phải để phục vụ tất cả mọi người nâng cao trình độ ngoại ngữ mà là xương sống, tạo môi trường để học ngoại ngữ. Chúng ta không đưa ra mục tiêu đến năm bao nhiêu thì tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai nhưng phải tạo được sự thay đổi dần dần” – ông Nhạ khẳng định. 

6 mục tiêu trong thời gian tới

Tại hội nghị, Ban điều hành đề án 2020 đã đưa ra những mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới. Thứ nhất tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học  2020-2021, 100% học sinh lớp 3 TH, 70% học sinh 6 THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp.

Thứ hai, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường CĐ và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.

Thứ ba, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học chuyên ngữ và không chuyên ngữ. Đến năm 2018 – 2019, 100% các trường ĐH triển khai đào tạo chương trình Tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam). 

Đến năm 2020: 70% sinh viên ĐH không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên ĐH không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Thứ tư, tiếp tục đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, thực hiện đa dạng hoá các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học. Đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra; đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam phù hợp với mục tiêu của từng khóa học.

Thứ năm, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Phấn đấu vào năm 2020: 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3.[1] Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 60% và 40% .

Cuối cùng tiếp tục triển khai dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân.


[1]Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.