Vì sao bệnh nhân tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật?

Khi "vô tình" tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật, bệnh nhân phải trải qua những cảm giác nghẹt thở, tê liệt, đau đớn... Ảnh: BBC
Khi "vô tình" tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật, bệnh nhân phải trải qua những cảm giác nghẹt thở, tê liệt, đau đớn... Ảnh: BBC
Hiện tượng bệnh nhân tỉnh dù được tiêm thuốc mê xảy ra khi lượng thuốc không đủ để ngăn ý thức con người. Họ trải qua hàng loạt cảm giác như nghẹt thở, tê liệt, đau đớn và ảo giác.

5 phút kinh hoàng

Theo một cuộc khảo sát tại Anh và Ireland, 1/19.600 bệnh nhân được gây mê "vô tình" tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật. Các nghiên cứu trước đó tại Mỹ ghi nhận tỷ lệ cao hơn với 1/1.000 người, CNN cho hay.

Đặc biệt, trong các ca phẫu thuật yêu cầu lượng thuốc mê nhẹ hơn như giải phẫu bằng phương pháp rạch bụng, nguy cơ bệnh nhân thức giấc sẽ cao hơn, với tỷ lệ 1/670 bệnh nhân.

Theo mô tả của các bệnh nhân, họ phải trải qua hàng loạt cảm giác như nghẹt thở, tê liệt, đau đớn, ảo giác và cận kề cái chết. Những cảm giác này không kéo dài. 75% bệnh nhân trải qua chúng trong 5 phút.

"Tôi có thể nghe thấy tiếng nói xung quanh và nhận thức rõ tình hình. Thế nhưng tôi lại không thể chuyển động cơ thể. Trong khi các bác sĩ vẫn làm công việc của họ, đầu óc tôi trở nên điên cuồng khi nghĩ rằng, liệu có phải tôi sắp chết hay không", một bệnh nhân giấu tên mô tả về cuộc phẫu thuật chỉnh hình răng năm cô 12 tuổi.

Những sang chấn như rối loạn tâm lý hay trầm cảm sẽ ảnh hưởng tới gần một nửa bệnh nhân từng trải qua những phút tồi tệ đó. Sự tê liệt cơ thể là trải nghiệm kinh hoàng nhất và còn đáng sợ hơn cả nỗi đau đớn. "Cả người cứng đờ là điều mà phần lớn mọi người chưa bao giờ trải qua", giáo sư Jaideep Pandit tại bệnh viện Đại học Oxford nói.

Vì sao bệnh nhân tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật? ảnh 1

Liều thuốc gây mê càng thấp thì nguy cơ bệnh nhân tỉnh giữa ca phẫu thuật càng cao. Ảnh: Blogspot

Không đủ liều

Gây mê tổng quát là quá trình cơ thể bất tỉnh, "trơ lì" trước sự đau đớn sau khi được tiêm thuốc. Tình trạng bất tỉnh sẽ gây căng cơ, khiến bệnh nhân không thể di chuyển và tạo điều kiện để bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật.

Hiện tượng bệnh nhân tỉnh dù đã được tiêm thuốc mê xảy ra khi lượng thuốc không đủ để ngăn ý thức con người, theo tiến sĩ Daniel Cole, Phó chủ tịch Hiệp hội gây mê Mỹ. Liều thuốc gây mê càng thấp thì nguy cơ bệnh nhân tỉnh giữa ca phẫu thuật càng cao.

Tại Mỹ, các chuyên gia ước tính rằng khoảng 26.000 người trong số hơn 21 triệu bệnh nhân được gây mê tổng quát phải đối diện với giai đoạn nhận thức gây mê. Mỗi năm, ít nhất 1.000 người Mỹ vẫn phải thức dậy trong khi phẫu thuật. "Dù chỉ một bệnh nhân phải trải qua cảm giác này cũng là quá nhiều", tiến sĩ Cole nói.

Giải pháp

Điện não đồ được coi là một trong số các giải pháp cho vấn đề. Các bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị để điều chỉnh hoạt động của não ở một ngưỡng nhất định trong khi tiến hành ca phẫu thuật. Tuy nhiên, cách này chỉ phát huy hiệu quả đối với khoảng 50% bệnh nhân.

Một phương pháp khác có thể áp dụng là tiêm chất kích thích thần kinh trong ca phẫu thuật, để phòng trường hợp bệnh nhân thức dậy ngay trong ca phẫu thuật. Khi ấy, họ có thể tự điều khiển các cơ.

Ngoài ra, theo giáo sư Pandit, giáo dục bệnh nhân về nhận thức gây mê trước khi phẫu thuật là khâu rất quan trọng. "Các bệnh nhân sẽ chuẩn bị tâm lý và không đau khổ khi trải qua giai đoạn khó khăn này nếu bác sĩ báo trước cho họ", ông nói. 

Tuy nhiên, Cole khuyến cáo các bác sĩ chỉ nên thảo luận về khả năng nhận thức với những bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc khi bệnh nhân tự chủ động đề cập tới vấn đề này.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG