Vì sao Ba Đình trồng cỏ?

Vì sao Ba Đình trồng cỏ?
TPO - Giữa năm 2015, ý tưởng lát đá phố cổ Hà Nội phải gác lại sau khi nhiều nhà chuyên môn lên tiếng về những bất cập. Trong đó có ý, lát đá vốn không phải truyền thống phố cổ, đi ngược lại công cuộc bảo tồn. Nay Hà Nội lại vội vàng mang đá tự nhiên định phủ kín vỉa hè hẳn 12 quận với lý do: để cho đồng bộ và bền tới 50-70 năm. Mặc kệ kinh phí lên tới nghìn tỉ có thể dùng cho rất nhiều việc cấp thiết khác.

Một chiều hè, tôi có mặt ở phố Đinh Lễ. Đang đứng xem sách trên vỉa hè bỗng thấy không khí nóng khác thường, mồ hôi mẹ mồ hôi con lăn tròn dưới áo. Mà hơi nóng không phải từ trên xuống vì đã có mái che, mà hấp từ dưới lên. À phải rồi, vỉa hè mới được lát đá tự nhiên màu xám đen. Tha hồ hút và tỏa nhiệt, nhất là khi bề mặt được mài khá bóng. Hơi nóng bao bọc này thật đặc biệt, nó có tác dụng xua đuổi người ta nhanh chạy khỏi nơi nào còn được lát đá.

Tôi nhớ tới phát hiện thú vị khi đến chơi Học viện Phật giáo Quốc tế Sitagu ở Sagaing. Đây là công trình đẹp theo kiểu xa xỉ của Myanmar nên sân được lát đá tự nhiên, granit trắng thì phải. Đường kính mỗi viên tới nửa mét. Duy một hàng gạch lát đá đen bóng loáng như để đánh dấu đường đi nhiễu quanh tháp. Theo truyền thống sùng đạo của Phật quốc này, đương nhiên tôi phải đi chân trần vào các công trình tôn giáo, kể cả giữa trưa nắng gắt. Nhìn chung vẫn chịu được trên nền đá trắng, nhưng chỉ vừa đặt chân vào phần đá đen, tôi lập tức nhảy dựng lên như phải bỏng. Mà đúng là có thể bỏng được thật. Để thấy sự khác nhau về màu sắc dù cùng một chất liệu, bạn cứ thử mặc áo trắng rồi chuyển qua áo đen đi nắng, biết liền.

Sự thấm nước của gạch lát vỉa hè truyền thống phần nào giảm ngập úng cho thành phố. Đá thì ngược lại, đến nước còn không ngấm mấy nữa là nhiệt. Dân đô thị đã sống trong môi trường khí hậu nhà kính nay thêm nền đá thật là hoàn hảo.

Đá lại dễ trơn trượt, càng để lâu càng trơn trượt. Bạn cứ thử về các làng quê cổ, đến các ngôi chùa cổ mà xem các cây cầu đá, bậc thềm đá trơ gan nhiều trăm năm, chỉ có điều bị chân người mài mòn đến mức bóng nhoáng. Nhiều chỗ phần đá mòn lõm xuống, trong khi mạch vữa vẫn nổi nguyên. Nhìn cũng đẹp đấy, nhưng mà chỉ lo cho ông già bà cả đi lại không cẩn thận, nhất là khi trời mưa. Ngã một cái thì không biết chuyện gì xảy ra…

Theo báo đưa, chi phí cho 1m2 vỉa hè lát đá ở Hà Nội tối đa 500 nghìn đồng, đắt gấp 5-6 lần so với chẳng hạn gạch ép terrazzo. Về độ bền của loại gạch thông dụng này, nhà cung cấp bảo còn chẳng kém gì đá. Gạch có khuôn sẵn, còn đá tự nhiên nhiều khi lại phải đục cho gồ ghề. Đỡ trơn thì lại bám bụi, chưa kể tốn công tốn tiền đục. Thực tế theo báo Tiền Phong, một mét vuông vỉa hè lát đá tự nhiên trên tuyến đường dẫn vào khu trung tâm hành chính quận Hoàng Mai có giá thành lên tới hơn 1,2 triệu đồng.

Cũng đá tự nhiên, cũng kinh phí 1000 tỉ (con số như kiểu mang tính ước lệ?!) là dự án “hóa thạch” vỉa hè quận 1 được TP.HCM đưa ra đầu năm ngoái. Báo chí dẫn nhiều ý kiến phản đối trong đó một vị đại biểu HĐND thành phố cho hay, vỉa hè trên nhiều tuyến phố quận 1 được lát đá từ thời Pháp, vẫn còn rất tốt và bền (chứ không chỉ 50-70 năm như ai đó đưa ra), nếu đào lên rồi lát đá khác thì vô cùng lãng phí.

Ông còn gợi ý, số tiền lớn 1000 tỷ đồng là quá lớn có thể được tận dụng để chống ngập cho thành phố. Chứ không phải gián tiếp làm ngập thêm qua việc phủ đá không ngấm nước trên diện rộng. Vâng, tình hình Hà Nội thì có khác gì. Còn đang không có tiền mua tàu chạy trên cao kìa. Đường tắc mà bệnh viện cũng quá tải. 1000 tỉ thêm được bao nhiêu giường bệnh??

Sao không có cách nào để các bộ phận của một thành phố liên thông với nhau nhỉ. Trong khi nhiều chỗ (kêu) thiếu tiền thì chỗ này sẵn sàng vung nghìn tỉ chỉ để thay đá lát vỉa hè. Một việc chưa có gì là quá bức thiết và thiên về hình thức. Văn minh đô thị không phải ở bề mặt vỉa hè bằng đá nguyên tấm, mà ở chất lượng sống của cư dân.

Tại sao vỉa hè 12 quận cứ phải đẹp đồng bộ theo cùng một kiểu. Trong khi mật độ dân số, tốc độ phát triển mỗi nơi mỗi khác?! Chưa kể đa dạng cũng là một vẻ đẹp đáng khuyến khích, thậm chí cần gìn giữ. Như các chuyên gia từng lo ngại nếu phố cổ Hà Nội cũng lát đá thì còn khác gì phố cổ châu Âu…

Chẳng hay chưa được nửa thế kỷ mà chỉ dăm ba năm, Hà Nội nhận ra đá tự nhiên không phù hợp để lát vỉa hè tràn lan thì làm thế nào. Ai sẽ chịu trách nhiệm về quyết định hôm nay, ai sẽ đền bù chi phí và cả những thiệt hại do sự bất hợp lý gây ra?! Chắc rồi cũng không có gì quá nghiêm trọng. Đào sông (để rồi nó bốc mùi nồng nặc) thì khó lấp, chứ vỉa hè lật lên lát lại là chuyện thường ngày dân Hà Nội không lạ. Lại thêm những nghìn tỉ khác bốc hơi mà thôi…

Đem chuyện thủ đô chơi sang lát đá vỉa hè hỏi một KTS lão làng đáng kính. Thì được ông cung cấp chi tiết này: “Ngày xưa quảng trường lăng Bác lát đá đấy. Nóng quá mới thay bằng thảm cỏ.” Ông còn dẫn một câu nhận xét về quảng trường thời lát đá của một vị lãnh đạo cấp cao: “Quảng trường của mình giống như sân hợp tác xã để phơi lúa.” Nóng đến thế cơ mà. Riêng tôi thấy xót thêm cho các dãy núi (mà trong đó ai tin phong thủy thấy cả “long mạch”) đang bị xẻ thịt không thương tiếc. Mà vỉa hè trọc phú của Hà Nội nhiều khả năng đang và sẽ là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình tàn phá thiên nhiên đó.

MỚI - NÓNG