Vi phạm Luật Đa dạng sinh học

Vi phạm Luật Đa dạng sinh học
TP - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) của dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A. Trong đó kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, rà soát lại quy hoạch dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.

> Lại phản đối thủy điện 6&6A
> Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A : 6 năm tranh cãi chưa xong!

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới nhất này, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cho rằng, dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A (gọi tắt dự án 6&6A) có một phần diện tích nằm trong phân khu bảo vệ chặt chẽ của VQG Cát Tiên. Vì thế, việc xây dựng 6&6A sẽ vi phạm quy định tại khoản 2 điều 7 Luật Đa dạng Sinh học “nghiêm cấm hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng”.

Hàng loạt các vấn đề gây ảnh hưởng đến môi trường cũng được đề cập. Theo Bộ TN&MT, dự án 6&6A cách khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55km theo đường sông. ĐTM của 6&6A chưa đánh giá được đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình đầu mối. Một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học của báo cáo tác động môi trường còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá Chình hoa quý hiếm.

Dự án 6& 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23ha đất rừng trong đó có 128,37ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trong ĐTM có cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất do thực hiện các dự án, nhưng lại chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế. Với dòng chảy khu vực hạ du, ĐTM của dự án 6&6A chưa phân tích được vai trò của dòng chảy có đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội phía hạ du. Phương án vận hành hồ chứa phù hợp với chế độ vận hành liên hồ chứa khu vực sông Đồng Nai cũng chưa được làm rõ.

Lo ngại vi phạm Luật Di sản Văn hóa

Dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A có vi phạm Luật Di sản Văn hóa hay không? Theo Bộ TN&MT, hiện chưa có văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa-thông tin. Bộ cũng dẫn giải, theo Khoản 1 Điều 36 Luật Di sản Văn hoá quy định “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa-thông tin”.

Trong khi đó, tháng 6 qua, Vườn Quốc gia Cát Tiên bị đơn vị thẩm định của UNESCO từ chối đề cử công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với lý do không đáp ứng các yêu cầu liên quan đến quản lý, bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn. Hai dự án thủy điện dự kiến xây dựng trên sông Đồng Nai được liệt vào nhóm các mối đe dọa tiềm tàng đến VQG Cát Tiên.

Bộ TN&MT cũng cho rằng việc xây dựng 6&6A sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên, tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu Ro, Châu Mạ, STiêng , M’Nông… Hơn nữa, nếu triển khai hai dự án trên sẽ gây bất lợi đến quá trình xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Trên cơ sở đó Bộ TN&MT nhận định việc xây dựng 6&6A sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, đặc biệt là VQG Cát Tiên. Việc quyết định phê duyệt đầu tư cần được xem xét trên cơ sở hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, môi trường, đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên. Vì thế, Bộ kiến nghị phải xem xét, rà soát lại quy hoạch với dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai
nói chung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.