Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Vì một thế giới không chiến tranh

Đại diện Cục Hỗ trợ thực địa LHQ và các nước đồng chủ trì hội thảo tại lễ khai mạc, sáng 19/12
Đại diện Cục Hỗ trợ thực địa LHQ và các nước đồng chủ trì hội thảo tại lễ khai mạc, sáng 19/12
TPO - Trong hai ngày 19 và 20/12, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) trong khuôn khổ diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) do Việt Nam khởi xướng, với sự đồng chủ trì của Canada và Hàn Quốc.

Cơ hội chia sẻ sáng kiến hợp tác

Sáng 19/12, phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, các quốc gia tham gia ARF có đóng góp đáng kể cho hoạt động GGHB của LHQ, chiếm khoảng 80% về ngân sách và 36% về quân số. Trong đó, một số quốc gia có đóng góp hàng đầu về nhân sự và tài chính.

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, hội thảo lần này là cơ hội rất tốt để các quốc gia tham gia ARF chia sẻ những sáng kiến đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia thành viên và với LHQ, nhằm nâng cao năng lực của mỗi quốc gia thành viên, từ đó có những đóng góp hiệu quả hơn nữa cho hoạt động GGHB LHQ.

Việt Nam đã đóng góp cho hoạt động GGHB LHQ từ năm 2014. Đến nay, đã cử được 20 lượt sĩ quan tham gia các vị trí cá nhân tại các Phái bộ Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi. Từ những đóng góp khiêm tốn ban đầu, Việt Nam từng bước xây dựng năng lực để tham gia ở cấp độ đơn vị trên tinh thần tiệm tiến, duy trì cam kết lâu dài của Việt Nam đối với hoạt động này của LHQ. 

Vì một thế giới không chiến tranh ảnh 1 Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, hội thảo lần này là cơ hội rất tốt để các quốc gia tham gia ARF chia sẻ những sáng kiến đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia thành viên và với LHQ

Hiện nay, Việt Nam đang hoàn tất các bước chuẩn bị cuối cùng để triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên tới Phái bộ Nam Sudan vào tháng 4/2018. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho việc triển khai Đội công binh tham gia ở một phái bộ phù hợp.

Công tác huấn luyện tiền triển khai đang được tiến hành tại Trung tâm GGHB Việt Nam. Dự kiến, Đội công binh có thể sẵn sàng triển khai vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng cử thêm các suất cá nhân làm sĩ quan liên lạc, quân sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu quân sự và sĩ quan huấn luyện tới các phái bộ GGHB theo yêu cầu của LHQ.

“Thông qua việc đồng tổ chức hội thảo này, Việt Nam mong muốn đưa ra một số sáng kiến như kết nối các trung tâm GGHB khu vực, trao đổi giảng viên, chia sẻ tài liệu huấn luyện, tham vấn Hội đồng Bảo an LHQ với tư cách là một tổ chức khu vực. Tôi tin tưởng đây cũng sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam tích luỹ thêm kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực này”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói. 

Vì một thế giới không chiến tranh ảnh 2 Đến nay, Việt Nam đã cử được 20 lượt sĩ quan tham gia các vị trí cá nhân tại các Phái bộ Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi

Ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ thường dân

Bà Barbara Nadeau, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết, bản chất và yêu cầu của hoạt động GGHB đã thay đổi đáng kể trong những năm qua. Nhiệm vụ của các phái bộ ngày nay phức tạp hơn nhiều so với trước đây, với nhiệm vụ mới là tập trung bảo vệ dân thường trong xung đột thường là nội chiến và không còn chỉ trong phạm vi một quốc gia xung đột.

Các phe nhóm xung đột ngày nay cũng đa dạng về bản chất, không chỉ bao gồm các phe phái chính trị mà còn bao gồm tội và khủng bố, vốn không mong muốn duy trì hoà bình. Trong không gian phức tạp như vậy, đối thoại để giải quyết xung đột thường mờ nhạt và thiếu hiệu quả. Các phái bộ GGHB LHQ đang gặp khó khăn trong việc tạo ra các điều kiện chính trị, nền tảng để tạo nên sự thành công của phái bộ.

Vì một thế giới không chiến tranh ảnh 3 Bà Barbara Nadeau cho biết, trong chương trình MTCP, Canada đã mời Việt Nam tham dự 10 khoá tập huấn, từ việc đào tạo ngoại ngữ, hợp tác quân - dân sự, lập kế hoạch liên ngành cấp chiến dịch…

Theo bà Barbara Nadeau, trong 5 năm tới, Canada sẽ giúp LHQ hình thành một loạt năng lực mới, bao gồm trực thăng, máy bay vận tải và một đội phản ứng nhanh. Đồng thời nhấn mạnh, Canada ủng hộ sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động GGHB LHQ. Đại sứ quán và Bộ Quốc phòng nước này sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong nhiều sáng kiến quan trọng nâng cao năng lực cho các hoạt động GGHB.

“Trong chương trình hợp tác đào tạo quân sự của Canada (MTCP), chúng tôi đã mời Việt Nam tham dự 10 khoá tập huấn, từ việc đào tạo ngoại ngữ, hợp tác quân - dân sự, lập kế hoạch liên ngành cấp chiến dịch… Chúng ta đã và đang thảo luận về khả năng tổ chức các khoá tập huấn tại Trung tâm GGHB Việt Nam cho học viên Việt Nam và học viên thuộc các quốc gia thành viên của MTCP trong khu vực”, bà Barbara Nadeau nói.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Lee Miyon, Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, kể từ khi Hàn Quốc triển khai một đơn vị GGHB đầu tiên tới Somali năm 1993, tới nay nước này đã triển khai hơn 15 nghìn quân nhân tới 16 phái bộ GGHB LHQ. Tại thời điểm này, Hàn Quốc có 650 quân nhân đang thực thi nhiệm vụ tại 6 phái bộ GGHB LHQ.

Vì một thế giới không chiến tranh ảnh 4 Bà Lee Miyon cho biết, tại thời điểm này, Hàn Quốc có 650 quân nhân đang thực thi nhiệm vụ tại 6 phái bộ GGHB LHQ
Bà Lee Miyon cho rằng, nhu cầu cần phải triển khai hoạt động GGHB LHQ ngày càng tăng trên toàn cầu đã phản ánh niềm tin vào năng lực của LHQ và các tổ chức khu vực trong việc hạ nhiệt căng thẳng, cũng như duy trì sự ổn định trên thế giới. Trong bối cảnh đó, gần đây Tổng thư ký LHQ đã yêu cầu cải tổ hoạt động GGHB LHQ linh hoạt và hiệu quả hơn. 

“Tôi tin rằng diễn đàn này với một quốc gia có thể chỉ là một sự kiện nhỏ, những lại là một bước tiến lớn đối với các quốc gia và người dân đang sống trong xung đột, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang thúc đẩy giá trị được xác định trong Hiến chương LHQ, đó là phấn đấu vì một thế giới không có chiến tranh”, bà Lee Miyon nhấn mạnh.

Diễn đàn ARF được thiết lập tháng 7/1993, do Hiệp hội các quốc gia Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) khởi xướng và đóng vai trò trung tâm. 6 lĩnh vực hợp tác ưu tiên được ARF xác định gồm cứu trợ thiên tai; chống khủng bố, an ninh hàng hải; không phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị; GGHB; đối thoại quốc phòng.

Với chủ đề “Tăng cường vai trò của ARF trong hợp tác nâng cao năng lực về GGHB và phát triển quan hệ đối tác với LHQ”, hội thảo có sự tham gia của các đoàn đại biểu đến từ 26 quốc gia, Liên minh châu Âu, và nhiều tổ chức quốc tế. Hội thảo được tổ chức theo ba phiên họp chính do Việt Nam, Hàn Quốc và Canada luân phiên chủ trì, gồm: Chia sẻ quan điểm và các bài học kinh nghiệm về hoạt động GGHB LHQ; Tăng cường hợp tác, nâng cao xây dựng năng lực của các quốc gia thành viên ARF trong hoạt động GGHB LHQ; Phát triển quan hệ đối tác giữa các thành viên ARF với LHQ để nâng cao hiệu quả các hoạt động GGHB.

Vì một thế giới không chiến tranh ảnh 5  Đại biểu các nước tham dự hội thảo
Vì một thế giới không chiến tranh ảnh 6 Sĩ quan Trung tâm GGHB Việt Nam dự hội thảo
 
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.