Vén màn bí mật về 'sát thủ' CAESAR của Lục quân Pháp

Pháo tự hành CAESAR khai hỏa. Ảnh: Military-Today.
Pháo tự hành CAESAR khai hỏa. Ảnh: Military-Today.
Một khẩu đội pháo tự hành CAESAR hoạt động độc lập chỉ cần bắn loạt 6 đạn Ogre (mỗi viên đạn mang 63 đạn con), có thể bao phủ diện tích 3ha ở cự ly 35km, diệt các mục tiêu như trung tâm chỉ huy, trận địa pháo, xe thiết giáp nhẹ hoặc khu tập kết hậu cần-kỹ thuật của đối phương.

Kết thúc triển lãm quốc phòng IDEX 2015 tại Các tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) vừa qua, Tập đoàn vũ khí Nexter của Pháp đã ký được hợp đồng cung cấp pháo tự hành CAESAR cho nhiều nước, trong đó có Li-băng (24 khẩu), In-đô-nê-xi-a (thêm 36 khẩu), Ca-ta (không công bố số lượng). Vậy, pháo tự hành CAESAR có gì đặc biệt mà lại lọt “mắt xanh” của nhiều quốc gia đến như vậy?

Khả năng “khủng”

Trang tin ttu.fr của Pháp cho biết, CAESAR (viết tắt từ Camion Équipé d’un Système d’Artillerie) là pháo tự hành loại "lộ thiên", được đặt trên xe vận tải chuyên dụng 6 bánh Mercedes-Benz LJ250L với động cơ 176KW và hộp truyền động 8 số. CAESAR được phát triển bởi công ty nhà nước GIAT Industries (hiện nay là Nexter) từ những năm 1990 và chính thức được giới thiệu trước công chúng vào năm 1994. Nó có thể được ứng dụng tác chiến trên nhiều khu vực địa hình, khí hậu khác nhau và có thể được triển khai tác chiến nhanh ở cự ly xa nhờ máy bay vận tải chuyên dụng C-130 Hercules.

Pháo tự hành CAESAR có khối lượng 17,7 tấn, dài 10m, rộng 2,55m, cao 3,7m, kíp pháo thủ gồm 6 người, bắn được tất cả các loại đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO bao gồm: Đạn thông thường, đạn chống tăng, đạn khói, đạn phản lực. Đáng chú ý là CAESAR có thể bắn đạn pháo chống tăng dẫn đường Bonus. Mỗi quả đạn Bonus mang 2 đạn con thông minh có tầm bắn 34km, tầm bắn tối đa với đạn tăng tầm là 42km hoặc lên đến 50km nếu sử dụng đạn phản lực. Vì CAESAR có khả năng sử dụng đồng thời nhiều loại đạn khác nhau nên có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu đa dạng, thậm chí là ngay cả các loại xe tăng, xe bọc thép hiện đại được trang bị lớp thép bảo vệ chắc chắn.

CAESAR có tốc độ bắn duy trì 6-8 phát/phút và tối đa 3 phát/15 giây, cơ số đạn trên xe tự hành là 18 viên. CAESAR có cơ cấu nâng hạ thủy lực và hệ thống nạp đạn bán tự động, thời gian triển khai hoặc thu hồi chỉ trong vòng 1 phút. Một đại đội gồm 8 khẩu pháo CAESAR trong vòng 1 phút có thể trút 1 tấn đạn (với 1.500 đạn con hoặc 48 đạn chống tăng thông minh) lên mục tiêu ở khoảng cách 40km.

Một khẩu đội CAESAR hoạt động độc lập chỉ cần bắn loạt 6 đạn Ogre (mỗi viên đạn mang 63 đạn con), có thể bao phủ diện tích 3ha ở cự ly 35km, diệt các mục tiêu như trung tâm chỉ huy, trận địa pháo, xe thiết giáp nhẹ hoặc khu tập kết hậu cần-kỹ thuật của đối phương. Ngoài ra, bên cạnh việc đồng bộ tín hiệu với trung tâm chỉ huy, mỗi khẩu đội CAESAR còn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính Sagem Sigma-30 và định vị toàn cầu (GPS), giúp chúng hoạt động độc lập mà không cần các phân đội trinh sát trận địa, định vị mục tiêu đi kèm. Không những vậy, Sagem Sigma-30 còn cho phép giãn cách giữa các khẩu đội ở cự ly xa hơn mà vẫn cùng bắn chính xác vào một mục tiêu xác định.

Tờ La Tribune còn cho biết, nếu tích hợp vào hệ thống C4I (chỉ huy-điều khiển-thông tin liên lạc-tình báo) liên hợp của pháo binh thì khả năng của CAESAR còn "khủng" hơn. Khi đó, nó có thể tự điều chỉnh loại đạn và lựa chọn mục tiêu có giá trị.

“Mãnh thú khạc lửa từ xa”

Trong suốt thời kỳ từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, pháo tự hành luôn đóng một vai trò rất quan trọng trên chiến trường, yểm trợ cho bộ binh tấn công và tập trung hỏa lực rất khủng khiếp vào một khu vực cụ thể với khả năng nạp đạn nhanh và cơ động. Mặc dù thời gian qua đã chứng kiến sự phát triển không ngừng của các loại tên lửa chiến thuật, xu hướng tập trung tăng cường tàu chiến và máy bay, tuy nhiên người ta vẫn không thể phủ nhận vai trò của pháo binh.

Trên thực tế, pháo tự hành hiện đại đã khác biệt rất nhiều so với những thế hệ đầu tiên, như được trang bị hệ thống trinh sát chiến trường, ra-đa định vị mục tiêu, máy tính tính toán đường đạn, bắn được đầu đạn hạng nặng có điều khiển đi rất xa và thậm chí cả đạn hạt nhân. Theo giới phân tích quân sự, những tính năng trên giúp pháo tự hành-vốn được ví von là “những con mãnh thú khạc lửa từ xa”-giữ vững vai trò hỏa lực mặt đất trọng yếu của bộ binh, không thể sớm bị thay thế trong tương lai gần.

Tạp chí quốc phòng Defense Review Asia (DRA) dẫn lời giới quan sát khẳng định, tuy pháo bánh xích vẫn là chủ lực của lục quân các nước nhưng trong thời gian gần đây, hệ thống pháo tự hành ngày càng chứng tỏ sức hút vì chi phí vận hành thấp hơn mà lại cơ động hơn và hỏa lực không thua kém. Và CAESAR-một “mãnh thú khạc lửa từ xa”, chính là minh chứng tiêu biểu như vậy.

Dựa vào những phân tích đã nói ở trên, có thể thấy ưu điểm lớn nhất của CAESAR chính là khả năng sử dụng đa dạng các loại đạn, tầm bắn xa và mức độ tự động hóa cao. Theo Military-Today, qua thực tế chiến đấu trong nhiều cuộc xung đột ở Áp-ga-ni-xtan và Li-băng, tầm bắn xa, chính xác, uy lực và sức hủy diệt lớn, việc triển khai, thu hồi nhanh, vận hành bền bỉ, tất cả đã tạo hiệu ứng “hữu xạ tự nhiên hương” cho CAESAR. Cũng nhờ đó mà CAESAR giành được tín nhiệm của nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, A-rập Xê-út.

Tờ La Tribune cho biết, ở châu Á, hồi năm 2006, Thái Lan là quốc gia đầu tiên mua 6 khẩu CAESAR 155mm của Nexter. Tiếp theo Thái Lan là In-đô-nê-xi-a với hợp đồng đặt mua 37 khẩu CAESAR hồi năm 2012 và mới nhất là hợp đồng mua thêm 36 khẩu, trong khi đó, quân đội A-rập Xê-út hiện sở hữu 132 khẩu CAESAR.

Theo Theo Quân Đội Nhân Dân
MỚI - NÓNG