Vài tuần trước khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ đã tịch thu “kho báu Hitler”ở một hầm mỏ sâu tới 420 mét ở bang Thüringen.
Trước đó, trong những tuần cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có nhiều tin đồn về “kho báu Hitler”được chôn giấu ở làng Merkers chuyên khai thác muối mỏ thuộc bang Thüringen.
Tập đoàn quân số 3 dưới sự chỉ huy của tướng Mỹ George S. Patton đã tiến vào Thüringen và ngày 4/4/1945 đến làng Merkers.
Vài ngày sau khi tiến vào làng, lính Mỹ đã phát hiện ra kho tàng lớn nhất của Đức Quốc xã. Quân đội Mỹ đã xuống một hầm mỏ Kaiseroda sâu vài trăm mét dưới lòng đất và lục soát các đường hầm đến khi phát hiện ra một cánh cửa sắt khổng lồ vô cùng kiên cố.
Không thể phá được cánh cửa sắt kiên cố này, lính Mỹ đã dùng thuốc nổ phá bức tường khá dày xây bằng gạch. Một toán lính được cử đi thăm dò căn hầm mới được mở và lóa mắt trước một kho báu khổng lồ lấp lánh dưới ánh đèn pin.
Trước mắt họ là hàng nghìn túi lớn nhỏ, nhiều thùng gỗ và hàng loạt va li chồng chất lên nhau. Trong căn hầm rộng 15 mét và dài 60 mét này là một kho báu khổng lồ.
Ngoài ra, còn hàng trăm bao tải chứa các loại ngoại tệ, 9 bao tải chứa các loại tiền vàng cổ đại, 2.380 bao tải và 1.300 va li chứa tiền Reichsmark (đồng Mark Đức được sử dụng từ 1924 đến 1945, viết tắt là RM), tổng số lên tới 2,7 tỷ RM. Trong số kim loại quí còn có 20 thỏi bạc mỗi thỏi nặng 200 kilogam, một bao đựng 6 thỏi bạch kim và 110 bao đựng các đồ châu báu, kim cương mà Đức Quốc xã cướp được từ các nước mà chúng đã từng chiếm đóng.
Tại các nhánh đường hầm khác, người ta còn phát hiện một lượng lớn những tác phẩm nghệ thuật giá trị mà Đức Quốc xã đã cướp từ các bảo tàng Châu Âu, bao gồm tranh, tượng và cổ vật...
Ai đã bật mí cho quân Mỹ về “kho báu Hitler”?
Trên thực tế, “kho báu Hitler” ở làng Merkers mới chỉ có vài tuần tuổi. Sau khi máy bay đồng minh ném Lâu đài Berlin, Phủ thủ tướng và Tòa thị chính đỏ, Chủ tịch Reichsbank (tên của Ngân hàng Trung ương Đức từ năm 1876 đến năm 1945) Walther Funk đã quyết định đưa phần lớn kho dự trữ trong ngân hàng ra khỏi Thủ đô Berlin.
Hitler đã ra mật lệnh cất giấu toàn bộ số vàng bạc, tiền giấy, tiền xu và ngoại tệ của Reichsbank ở một hầm mỏ thuộc làng Merkers, bang Thüringen, cách xa thủ đô Berlin hàng trăm cây số.
Ngày 6/3/1945, Chánh văn phòng Phủ thủ tướng Đức Quốc xã Hans Heinrich Lammers đã thừa lệnh Adolf Hitlers quyết định đem giấu nhiều tác phẩm nghệ thuật vô giá cũng ở hầm mỏ đó. Cuối tháng 3/1945, lính Đức đã bí mật dùng nhiều xe tải và cả xe buýt chở nhiều hiện vật trưng bày ở bảo tàng đem giấu ở hầm mỏ khai thác muối thuộc làng Merkers.
Cho đến nay, người ta vẫn còn chưa rõ ai đã tiết lộ về “kho báu Hitler”cho quân đội Mỹ. Ở làng Merkers, người ta đồn đại rằng một nữ lao động khổ sai người Pháp đã làm chuyện này.
Quản lý mỏ Merkers thời đó là Hartmut Ruck không loại trừ khả năng đóy. Ông Ruck nói: "Phần lớn thợ hầm lò thời đó là tù binh và rất có thể, các chuyến vận chuyển bí mật đến hầm lò Kaiseroda đã bị họ phát hiện”.
sau chiến tranh
Sau khi bị phát hiện, “kho báu Hitler” đã nhanh chóng được chuyển khỏi làng Merkers. Tư lệnh quân đồng minh ở Tây Âu, Đại tướng Mỹ Dwight D. Eisenhower, đã ngay lập tức đến Merkers để thị sát kho báu của Đức Quốc xã. Thừa lệnh Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ thời đó là Đại tướng George C. Marshall, Đại tướng Eisenhower đã ra lệnh khẩn cấp chuyển kho báu này về Tây Đức vì theo Hiệp ước Yalta được ký hồi tháng 2/1945, quân Mỹ phải bàn giao một cách nguyên vẹn khu mỏ Merkers (với tất cả những gì trong đó) cho Hồng quân Liên Xô.
Quân Mỹ vội vàng chuyển số vàng, tiền giấy và tác phẩm nghệ thuật lên mặt đất và chất lên các xe tải lớn. Ngày 17/4, đoàn xe vận tải này lên đường đi Frankfurt/Main cách Merkers 170 cây số.
Cho tới nay vẫn còn rất nhiều đồn đoán về số phận của “kho báu Hitler”. Có đồn đoán rằng quân đội Mỹ đã chuyển số vàng và tác phẩm nghệ thuật tịch thu được sang Argentina bằng tàu ngầm. Nhưng cũng có tin đồn kho báu này được sử dụng để thực hiện Kế hoạch Marshall tái thiết Châu Âu sau chiến tranh. Thậm chí, có tin nói Đại tướng Dwight D. Eisenhower đã giữ lại một số bức tranh tịch thu được ở Merkers để trang trí phòng ngủ của ông ta.
Giới chuyên gia không tin vào những lời đồn đoán này. Các chuyên gia sử học và ngân hàng cho rằng phần lớn số tiền của Reichbank đã được trả lại cho chủ sở hữu cũ. Số vàng mà Đức Quốc xã cướp thì được chia cho các ngân hàng trung ương bị hại và các tổ chức cứu trợ người tị nạn. Hồi giữa những năm 1950, các bảo tàng ở Berlin cũng đã nhận được số tranh tượng đã bị Đức Quốc xã chôn giấu ở Merkers.
Trong những năm 1990, chính phủ Mỹ đã giao nhiệm vụ cho một ủy ban bao gồm các nhà sử học điều tra về việc hoàn trả lại các tài sản bị Đức Quốc xã cướp bóc trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong báo cáo được công bố năm 1997, ủy ban dưới sự lãnh đạo của Thứ trưởng Tài chính Mỹ Stuart E. Eizenstat cho biết một khối lượng lớn kim loại quí và tiền giấy các loại ở “kho báu Hitler” đã rơi vào tay quân Mỹ. Các thùng gỗ ở kho này chứa các tác phẩm nghệ thuật vô giá như bức tượng đầu Hoàng hậu Ai Cập cổ đại Nofretete. Trong số các bức tranh thu được có những kiệt tác của các danh họa như Rembrandt, Dürer và Riemenschneider.
Ngoài những thứ kể trên, quân Mỹ còn tìm thấy nhiều hòm đựng nữ trang và cả răng vàng mà lực lượng SS của Đức Quốc xã đã cướp bóc của người Do Thái. Đức Quốc xã đã tính chuyện nung chảy số vàng này để biến thành vàng thỏi, nhưng chưa kịp tiến hành thì đã bị quân Mỹ tịch thu.