Vẻ đẹp lôi cuốn
Bà đánh giá thế nào về hiệu quả sau khi Khu danh thắng Tràng An- Tam Cốc- Bích Động được quảng bá trên kênh CNN?
Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình: Truyền hình CNN là một trong những kênh truyền hình nổi tiếng thế giới. Việc đưa hình ảnh danh thắng Tràng An- Tam Cốc- Bích Động lên kênh truyền hình CNN có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong thời điểm tỉnh Ninh Bình đệ trình hồ sơ để UNESCO xem xét, công nhận Tràng An- Tam Cốc- Bích Động là di sản thiên nhiên, văn hoá thế giới. Có thể còn sớm để đánh giá về hiệu quả của việc làm này.
Du khách nước ngoài mê mẩn Tràng An.(Ảnh: Minh Đức)
Du khách nước ngoài mê mẩn Tràng An.(Ảnh: Minh Đức)
Song, phải khẳng định chắc chắn rằng việc quảng bá hình ảnh danh thắng Tràng An- Tam Cốc- Bích Động trên kênh truyền hình CNN đã và sẽ có sức lan toả, tác động rất lớn đối với bạn bè trong nước và quốc tế về danh thắng độc đáo của Ninh Bình- Việt Nam và sẽ mang lại ý nghĩa trong việc xem xét, công nhận Tràng An- Tam Cốc- Bích Động là di sản thiên nhiên, văn hoá thế giới. Hơn nữa, việc quảng bá hình ảnh Tràng An- Tam Cốc- Bích Động trên kênh truyền hình CNN, sẽ góp phần làm cho bạn bè thế giới nhận thấy đất nước Việt Nam nói chung và vùng đất Cố đô Hoa Lư nói riêng thật đẹp, lôi cuốn và hấp dẫn, để rồi thôi thúc họ đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm.
Hiện ngành du lịch Ninh Bình đã đạt được những thành tựu nào theo mục tiêu của Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đề ra; Hiện Ninh Bình đã đạt được mục đích và mức độ nào?
Bí Thư Tỉnh uỷ Ninh Bình: Tỉnh Ninh Bình xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2009, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ninh Bình đã quy hoạch 7 khu du lịch, gồm: (1) khu du lịch Tam cốc- Bích Động- Tràng An- Cố đô Hoa Lư.(2) khu du lịch Trung tâm thành phố Ninh Bình.(3) khu du lịch Vườn quốc gia Cúc Phương- hồ Đồng Chương.(4) khu du lịch suối nước nóng Kênh Gà- động Vân Trình- khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long- chùa Định Lộng- động Hoa Lư.(5) khu du lịch thị xã Tam Điệp- phòng tuyến Tam Điệp Biện Sơn.(6) khu du lịch hồ Yên Thắng- hồ Yên Đồng- động Mã Tiên.(7) khu du lịch nhà thờ đá Phát Diệm và vùng ven biển Kim Sơn, để khai thác, phát triển các loại hình du lịch như: du lịch văn hoá- tâm linh, du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng, du lịch danh thắng- di tích lịch sử, du lịch hội thảo- du khảo đồng quê…
Nhà nghiên cứu nước ngoài say đắm với Tràng An. (Ảnh: Minh Đức)
Những năm qua du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển vượt bậc, thu hút được 55 dự án đầu tư du lịch với số vốn 13.064 tỷ đồng. Nhiều khu, điểm du lịch mới ra đời, nhiều công trình, điểm đến mới được hình thành với nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ giải trí. Hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch được mở rộng về quy mô và nâng lên về chất lượng.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 235 cơ sở lưu trú với 90 khách sạn, 134 nhà nghỉ với tổng số 3.628 buồng, 5.222 giường, trong đó có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn từ 2- 4 sao như: khách sạn Ninh Bình Legend, khu nghỉ dưỡng Emeralda, khu nghỉ dưỡng Cúc Phương Orion, khách sạn Hoàng Sơn - Hòa Bình, khách sạn The Vissai… Khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng tăng, trong đó khách quốc tế chiếm tỷ trọng đáng kể.
Một phần rễ cây si.(Ảnh: Minh Đức)
Năm 2000, lượng khách du lịch đến Ninh Bình mới đạt 450.000 lượt thì năm 2010 Ninh Bình đã đón được 3,3 triệu lượt khách(tăng 7,3 lần), năm 2013 Ninh Bình đón 4,4 triệu lượt khách. Hiệu quả kinh tế về du lịch tăng mạnh trong những năm gần đây, thể hiện tổng thu từ du lịch tăng liên tục và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2001 du lịch Ninh Bình thu về 28,2 tỷ đồng, đến năm 2013 doanh thu từ du lịch đạt gần 900 tỷ đồng, tăng trên 32 lần so với năm 2001. Tổng số lao động trong ngành du lịch là 11.000 người (gồm: 2.300 lao động trực tiếp và 8.700 lao động gián tiếp), tăng 3.500 lao động so với năm 2009.
1 góc Tràng An nhìn từ trên cao.(Ảnh: Minh Đức)
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của du lịch Ninh Bình thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập: Công tác quản lý quy hoạch ở một số khu, điểm du lịch còn chưa chặt chẽ. Hiệu quả kinh doanh du lịch còn khiêm tốn, số lượt khách du lịch tăng nhanh nhưng doanh thu du lịch, nộp ngân sách, mức chi tiêu, số lượng khách lưu trú và thời gian lưu trú của khách tại Ninh Bình còn thấp. Loại hình du lịch nhà dân, du lịch làng nghề phát triển còn chậm, dịch vụ kinh doanh lữ hành nhất là lữ hành quốc tế còn hạn chế.
Kết nối du lịch tâm linh với lịch sử
Trong thời gian tới, Ninh Binh sẽ chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực nào cho ngành du lịch?
Bí Thư Tỉnh uỷ Ninh Bình: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015, khách du lịch đến Ninh Bình đạt 6.000.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1.000.000 lượt, doanh thu du lịch đạt 1.500 tỷ đồng, các cấp, các ngành trong tỉnh đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển du lịch. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch du lịch, như: Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết Quần thể Danh thắng Tràng An trên cơ sở hồ sơ khoanh vùng bảo vệ trình UNESCO công nhận di sản thế giới, quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú giai đoạn 2015-2030, quy hoạch khu du lịch Kênh Gà- Động Vân Trình, quy hoạch Khu du lịch Hồ đồng Thái, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch sinh thái Vân Long, quy hoạch Sông Sào Khê phục vụ du lịch.
Quản lý chặt chẽ các Quy hoạch du lịch đã được duyệt. Trước mắt, tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch, trường hợp không tự giác tháo dỡ, phải lập hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, hoàn thiện các khu, tuyến du lịch. Chú trọng vào các dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch của tỉnh, như: Quần thể Danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, khu Công viên động vật hoang dã Việt Nam tại huyện Nho Quan, nạo vét sông Sào Khê, các dự án sân golf, khu Kênh Gà- Động Vân Trình; các dự án giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch như: Chùa Hương, Đền Trần, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế…
Đưa các tuyến, điểm du lịch mới vào khai thác như: Tuyến Du lịch Hang Chùa- Hang Ghé- Hang Bụt; Tuyến Du lịch Linh Cốc - Hải Nham, Tuyến Du lịch trên Sông Sào Khê (huyện Hoa Lư); Du lịch Động Thiên Hà (huyện Nho Quan), Du lịch Hang Luồn (huyện Hoa Lư)... Xây dựng cơ chế khai thác, quản lý, sử dụng nguồn thu từ du lịch, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước- doanh nghiệp - người dân. Gắn kết chặt chẽ giữa quản lý nhà nước về du lịch và quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Tiếp tục đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của mỗi khu vực theo hướng đa dạng văn hoá, khai thác lợi thế của các khu vực, các địa phương để phát triển du lịch. Đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể hiện có như hệ thống các công trình, kiến trúc, điêu khắc, di tích lịch sử, văn hoá, tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể ở các địa phương trong tỉnh để phục vụ cho phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng khôi phục “đặc sản” văn hoá, nghệ thuật nổi tiếng của tỉnh như hát chèo, hát ca trù, hát xẩm, hát văn, phục vụ cho phát triển du lịch, văn hoá nghệ thuật.
Trước mắt, đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm(giai đoạn 1), đề án bảo tồn và khai thác hát Văn ở Phủ Đồi Ngang, xã Phú Long, huyện Nho Quan, đề án bảo tồn và khai thác múa trống dân gian xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, đề án bảo tồn văn hoá cồng chiêng xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan. Các đề án phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch như: làng hoa đào phai (Thị xã Tam Điệp), làng hoa (Thành phố Ninh Bình), làng nghề thêu Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư), làng đá Mỹ Nghệ (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư), làng nghề cói ở Kim Sơn. Phối hợp với Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận đặc sản dê núi Trường Yên, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc, cơm cháy Ninh Bình vào tốp các món ăn nổi tiếng Việt Nam.
Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, tạo hình ảnh thân thiện, văn minh cho du lịch Ninh Bình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm của các khách sạn, nhà hàng, hãng lữ hành, các vi phạm về vệ sinh môi trường…Củng cố hoạt động của Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiến tới thành lập các hiệp hội nghề như: Hiệp hội khách sạn, Hiệp hội đầu bếp để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đặc biệt là quảng bá du lịch Ninh Bình trên các Đài truyền hình, các tạp chí du lịch có uy tín trong nước và quốc tế. Hoàn chỉnh hồ sơ, phấn đấu để năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An- Tam Cốc- Bích Động UNESCO công nhận là di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới. Tăng cường hợp tác, liên kết du lịch với các địa phương trong khu vực đồng bằng Sông Hồng và các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, thành phố Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, kiến thức du lịch, ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các đối tượng và người dân tham gia làm dịch vụ du lịch. Mở rộng các hình thức liên kết đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch chuyên ngành như buồng, bàn, bar, lễ tân…cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của cộng đồng trong việc phát triển du lịch bền vững.