Vé bóng đá và sự minh bạch

TP - Trận hoà 2-2 của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia trên sân Bukit Jalil ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 chắc chắn sẽ tạo nên cơn sốt vé ở trận lượt về tại Hà Nội ngày 15/12 tới.

Về quy luật, khi cung không đáp ứng được cầu thì ắt xảy ra tình trạng sốt vé. Sân vận động Bukit Jalil có sức chứa 80.000 chỗ ngồi, tức gấp đôi sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nhưng cũng không đáp ứng nổi nhu cầu CĐV Malaysia. Tại Kuala Lumpur những ngày trước trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia, người hâm mộ Malaysia cũng phải thức trắng đêm xếp hàng, hoặc chấp nhận mua vé trên thị trường chợ đen với giá tăng cao nhiều lần so với giá gốc. 

Tuy nhiên ở đây tôi muốn lưu ý hai điểm. Một là tại Malaysia, người xếp hàng dù đông nhưng không đến mức độ lộn xộn, đạp lên nhau như ở Việt Nam. Truyền thông có lúc phải dùng từ “thất thủ” để mô tả cảnh trụ sở VFF ở Hà Nội bị bủa vây. Và hai là, có vẻ như dân Malaysia cũng ít tiếng than, chỉ trích LĐBĐ nước mình hơn. Ở ta, LĐBĐVN (VFF) hứng chịu đủ lời chỉ trích. 
Vấn đề thứ nhất thuộc về văn hoá, trong khi xảy ra chuyện thứ hai có lẽ cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ nhưng quan trọng hơn cả, có lẽ là niềm tin của công chúng về sự minh bạch trong việc phân phối vé. 

Thực tế, VFF chịu rất nhiều áp lực trong việc phân phối vé. Ngoài lượng vé bán cho người hâm mộ thì đủ cơ quan, ban ngành nhà nước và tư nhân những ngày này, khi cần vé đều “gõ” đầu VFF. 

Chia sẻ với nỗi khổ của VFF nhưng phải nói thật, trong nhiều vấn đề cách làm của liên đoàn không khỏi khiến dư luận nghi ngờ. Đơn cử như mới đây, Đại hội 8 VFF đã “cửa đóng, then cài”, không cho truyền thông dự. 

Vé một trận bóng đá là chuyện nhỏ, nhân sự bộ máy lãnh đạo có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của cả nền bóng đá mới là chuyện lớn. Từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn đều gây nghi ngại, VFF cũng như ngành thể thao không thể không tự nhìn lại mình.

MỚI - NÓNG