Vật lý nhiều điểm 10, tiếng Anh khó nhằn

ẢNh minh họa: Internet
ẢNh minh họa: Internet
TP - Ngày thi thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia kết thúc.  Theo nhận định của các giáo viên, đề Vật lý sẽ nhiều điểm 10 hơn năm 2017 nhưng đề thi tiếng Anh thì “xương”.

Theo thầy Bùi Thái Học, giáo viên Vật lý, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định khẳng định đề Vật lý càng ngày càng hay. Năm nay đề thi vừa sức với học sinh giỏi, phân loại học sinh trung bình khá và giỏi rất tốt. Đề vẫn theo cấu trúc như đề tham khảo gồm kiến thức chủ yếu lớp 12 và khoảng 20% kiến thức nằm trong chương trình lớp 11.

Phần phân hóa của đề thi năm nay vẫn tập trung ở kiến thức lớp 12, chủ yếu chương dòng điện xoay chiều. Nhìn chung đề là quen thuộc với thí sinh  và mức độ phân hóa tốt. Điều khó khăn nhất vẫn là thời gian làm bài ngắn nên thí sinh cần bình tĩnh và phân bố thời gian sẽ đạt điểm cao nhất. “Điểm 10 sẽ nhiều hơn năm 2017” - thầy Học khẳng định.

Thầy Nguyễn Tiến Long, giáo viên dạy Vật lý trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành thì nhận định: “Trên quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy đề thi đảm bảo cấu trúc 20% lý 11 và 80% lý 12.  27-28 câu đầu tiên các em có thể đạt điểm tốt nghiệp khá dễ dàng. Các mã khác nhau ở những câu dễ còn những câu khó hầu hết giống nhau”.

Theo thầy Long, 10 câu cuối của đề phân loại học sinh tốt mặc dù không có nhiều dạng mới, vì thí sinh  phải hiểu bản chất của hiện tượng. Trong đề cũng đã lồng ghép hơi hướng thực hành qua 3 bài đồ thị (chủ yếu là phần điện và dao động) và bài toán tính giá trị trung bình. Như  vậy, với cấu trúc đề vừa ra, đề Lý đảm bảo được cả 2 mặt xét tốt nghiệp và phân hóa được học sinh.

Mức điểm 5 - 6 các em học sinh có thể dễ dàng đạt được, ở phân mức 6-8, đòi hỏi các em đầu tư thời gian luyện tập thêm trên lớp, và mức 8,5 -10 dành cho những học sinh có tố chất, chịu khó tham khảo đề thi các sở và đề đại học các năm. “Cá nhân tôi dự đoán phổ điểm trung bình năm nay sẽ rơi vào 6-7, vẫn sẽ có điểm 10 lý nhưng không nhiều”- thầy Long nói.

Ngoại ngữ: quá “xương”

Cô Lê Thị Tuyết Ngọc, giảng viên Viện Ngoại ngữ, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết đề tiếng Anh năm nay khá khó với học sinh trung bình. Vì phần lớn nội dung kiến thức trong đề thi rơi vào từ vựng. Từ phần trắc nghiệm đến đọc hiểu đều hỏi về từ vựng. “Đây là phần khó nhất đối với học sinh học ngoại ngữ. Và đọc đề tôi rất băn khoăn. Vì không biết người ra đề muốn kiểm tra năng lực nào của thí sinh” - cô Ngọc nói.

Cũng theo cô Ngọc, chọn kiểm tra từ  vựng cũng là một cách để phân hóa thí sinh. Nhưng có lẽ vì đề thi như thế nên khi vào ĐH, sinh viên thường yếu ngữ pháp. Cô Tuyết Ngọc khẳng định với học sinh phổ thông, đề tiếng Anh này để tốt nghiệp cũng khó. “Tôi coi thi điểm ngoại thành Hà Nội. Các giáo viên phản ánh, hầu như thí sinh không làm được bài thi. Tôi đã xem qua SGK tiếng Anh lớp 12, thấy có nhiều cấu trúc ngữ pháp rất hay. Nhưng nội dung đề thi đưa vào toàn kiến thức xa vời với học sinh, hơi đánh đố thí sinh” - cô Ngọc nói.

Đồng quan điểm này, TS. Đỗ Ngọc Quyên khẳng định đề ngoại ngữ năm nay không dễ. Thí sinh miền núi và nông thôn chắc chắn sẽ không làm được. Vì từ vựng đã khó, các câu về tình huống còn khó hơn. Học sinh Việt Nam không được học nên sẽ vấp.

Đề Sinh khá dài, nặng về bài tập

Với đề thi môn Sinh học, cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên dạy Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho biết có khoảng 08/40 câu trong chương trình Sinh học lớp 11, số câu còn lại nằm trong chương trình Sinh học 12.

Đề thi có tính phân hoá cao, đáp ứng được 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp và xét đại học; trong đó có khoảng 10 câu đầu (từ câu 80 đến 90) ở mức biết, khoảng 20 câu hỏi trắc nghiệm thuộc loại nhiều phương án lựa chọn. “Tuy nhiên, trong thời gian 50 phút làm bài thì đề thi năm nay khá dài, nặng về bài tập tính toán nhất là phần tính quy luật của hiện tượng di truyền; đề thi còn ít câu hỏi vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn và khai thác bản chất các quy luật di truyền” - cô Xuân cho hay.

MỚI - NÓNG