Vào rốn dịch COVID-19 Sa Huỳnh

0:00 / 0:00
0:00
Chiếc xe lưu động liên tục chạy quanh phát loa kêu gọi người dân tự giác đi test nhanh
Chiếc xe lưu động liên tục chạy quanh phát loa kêu gọi người dân tự giác đi test nhanh
TP - Sa Huỳnh nắng cháy, nhưng toàn bộ thị trấn nhộn nhịp nhất tỉnh Quảng Ngãi dường như bị đóng băng bởi dịch COVID-19. Tính đến chiều 3/7, tỉnh Quảng Ngãi có thêm 13 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 107 , tất cả đều tập trung ở thị trấn Sa Huỳnh .

Thị trấn Sa Huỳnh với số dân lên đến 26.000 người, nằm cuối tỉnh Quảng Ngãi, thuộc thị xã Đức Phổ. Một mặt giáp với núi, mặt kia giáp với biển, Sa Huỳnh có hình thù giống như một chiếc bao tử, hai điểm thắt nút nối với huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và một đầu nối với thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ca dương tính đầu tiên được phát hiện vào ngày 25/6 (BN 14442) thì đến chiều 3/7 đã lên đến 107 ca.

Tôi nhìn vào đôi tay của một nhân viên CDC Quảng Ngãi đang test kết quả cho một người phụ nữ Sa Huỳnh tại điểm trường cấp 2. Nhân viên y tế này săm soi miếng nhựa vuông vắn như ngón tay, được lấy ra từ chiếc hộp có in dòng chữ COVID-19, Nasopharyngeau, made in U.S.A và cho biết: “Nếu hiển thị 2 vạch là âm, 3 vạch là dương tính SARS-CoV-2, sáng nay test vòng 3 chưa có, nhưng điểm test chợ Sa Huỳnh thì đã có F0, đang chờ đưa đi”.

Vào rốn dịch COVID-19 Sa Huỳnh ảnh 1

Dãy que thử test ở Sa Huỳnh giống như những quân cờ domino

Từ sáng sớm đến tối, khắp các ngả ở thị trấn này vang lên tiếng loa thông báo, giữa âm thanh hụ còi cấp cứu thỉnh thoảng lướt qua. Nội dung trên loa chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề “bà con ở trong nhà, không di chuyển; đề nghị bà con đến các điểm tập trung để test lần 2, lần 3, bà con phải chấp hành…”.

Tôi di chuyển thận trọng đến điểm test ở thôn La Vân, lắng nghe tiếng loa và tiếp tục quan sát bàn tay của một bác sĩ đang tiếp tục lật miếng nhựa, trên đó có in dòng chữ rất nhỏ “Abbott Panpio TM Covid – 19 Ag.

Nhìn những chiếc thẻ nhỏ trên tay nhân viên CDC, tôi liên tưởng đến những quân cờ domino. Tình hình dịch ở Sa Huỳnh giống như những quân cờ domino được xếp gần nhau và có thể phản ứng chuỗi, sập đổ dây chuyền nếu như công tác chống dịch không được xử lý kịp thời. Chuỗi lây nhiễm sẽ được chặn đứng nếu như 100% người dân Sa Huỳnh phải tự giác đi test nhanh. Hiện tại vẫn còn một bộ phận trốn test.

Trong hai ngày 1 và 2/7, tôi chứng kiến nhóm nhân viên y tế phải đi từng nhà, gõ cửa liên hồi vào 3 ngôi nhà tại khu xóm chợ và 1 ngôi nhà sát đường. Chủ những ngôi nhà này vẫn “cố thủ”. Có nơi phát loa, đập cửa nhưng chủ nhà vẫn lặng thinh.

là với dịch

Sa Huỳnh là một thị trấn có trục Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt đi qua. Chốt kiểm soát COVID-19 được đặt ở điểm giáp ranh với tỉnh Bình Định và xã Phổ Khánh, do lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng chủ trì. Chốt sẽ cấp giấy thông hành để qua tiếp trạm thứ 2 của Cảnh sát cơ động thì mới vào rốn dịch.

Hành trình từ trung tâm thị xã Đức Phổ vào vùng dịch, điều ngạc nhiên là xã Phổ Khánh nằm sát cạnh rốn dịch, dù chưa phải là vùng dịch, nhưng người dân đã đóng chặt cửa, ngừng mọi hoạt động, từ đầu tới cuối xã tuyệt nhiên không có một bóng người.

Còn ở rốn dịch Sa Huỳnh, ngoài đường vắng lặng, nhưng ở trong thôn xóm vẫn có người lảng vảng đi lại.

Ông Lê Minh Phụng, Phó chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh cất giọng nói của một người đã vắt kiệt sức “thấy mình thì bà con ở thôn Thạch Bi vẫn còn đi ra đi vào nên phải nhắc nhở. Có gia đình được thông báo đã có 1 người F0, tưởng họ nghe vậy là sợ, nhưng rồi không ai đeo khẩu trang, vẫn sinh hoạt bình thường cho đến khi anh em la to lên. Bà con vậy hoài, không biết cho đến bao giờ dịch bệnh mới kết thúc”.

Vào rốn dịch COVID-19 Sa Huỳnh ảnh 2

Các nhân viên y tế kiên trì gõ cửa một hộ dân suốt nhiều giờ

Gần 12 giờ trưa, ông Phụng cùng Đại úy Lê Minh Phông, Công an huyện Đức Phổ đi truy vết F1 trở về sau hơn một tuần lăn lộn trong ngôi làng với nhà cửa san sát, cộng với ẩn số F1. Ở miền biển này, việc tìm ra được ca F1 khó hơn gấp nhiều lần ở xã Phổ Châu lân cận.

Đại úy Lê Minh Phông cho biết, “phải lăn xả đi tìm số điện thoại để hỏi han, lập danh sách, điện xác minh, mang loa rao tận ngõ, mình thương bà con và cứ hỏi riết thì thấy lại nói lòng vòng, không rõ, không nhớ, tôi có đi đâu mà F0...”.

“Vài ngày qua cô, chú đã tiếp xúc với ai…?”. Tại thôn La Vân, một phụ nữ F1 được hỏi, kèm theo thông báo “F0 đã ăn giỗ tại đây và gia đình họ đã có 3 F0”. Chủ nhà hơi thảng thốt, sau đó lại im lặng. “Tại sao lại im lặng, cô có biết là dịch có thể sẽ lây lan hết người dân ở đây?”. Bị ép tới chân tường, người phụ nữ đành thú thực là “gia đình tổ chức một mâm cúng, có 7 khách mời, nhưng không rõ ai…(!?)”.

Chiều ngày 2/7, một cán bộ gởi cho tôi hình ảnh khu vực test chỉ lác đác vài người và cho biết “không ai chịu tới, anh em phải lội vô xóm thôi”. Ông Trần Cao T. ở thôn La Vân cãi về việc “tui đi biển, không sao hết”. Nhưng kết quả test nhanh là con của ông T. dương tính SARS-CoV-2. Ông T. vẫn không chịu và cãi tiếp “có kết quả của tỉnh thì mới tin được”!

Nguy cơ dịch lan rộng

Dân số thị trấn Sa Huỳnh tương đương thậm chí lớn hơn một huyện. Nhưng ngay từ đầu, tỉnh Quảng Ngãi không thiết lập 1 bệnh viện dã chiến, hoặc nâng cấp Trạm y tế phường để khép kín khâu điều trị cho người dân vùng dịch nên đây là ngách để dịch “bục” ra ngoài.

Chúng tôi có mặt tại Chốt kiểm soát và phòng chống COVID-19 cắm tại dốc Long Thạnh thì chỉ vài phút sau đã chứng kiến các trường hợp từ vùng dịch xin ra vùng an toàn. Chị Hồ Thị Tư, 27 tuổi ngồi sau xe máy với khuôn mặt nhăn nhó. “Giấy thông hành” để rời vùng dịch có chữ ký, xác nhận của Trạm y tế phường Phổ Thạnh và chẩn đoán “thai lần 2 đủ tháng/tiền chuyển dạ”.

Ngành y tế công bố đã lấy 21 ngàn mẫu bệnh phẩm của người dân tại rốn dịch và phấn đấu sẽ giải quyết hết trong ngày 3/7. Để viết ra câu chuyện trên, chúng tôi đã lội vào từng ngõ ngách, thay vì chỉ đọc báo cáo. Câu chuyện rất thực sẽ giúp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi có cách tiếp cận mới, từ đó làm giảm nhiệt ổ dịch COVID-19 ở Sa Huỳnh. Và đi qua vùng nóng dịch bệnh, tôi cũng nhìn thấy sự khó khăn của người dân Sa Huỳnh.

Giữa trưa nắng, cặp vợ chồng trẻ đi năn nỉ xem ở đâu có thể bán được gói mì tôm; 85 nhân viên y tế đều than trời: “chỉ uống nước, không ăn nổi và mong bà con hợp tác”.

Hỏi chuyện “Sa Huỳnh cứ chùng chình như con nước ròng thì bao giờ mới hết dịch?”, một người dân thở dài chỉ vào ảng cây kiểng trong vườn, cho biết “rau càng cua nhổ ăn hết rồi, còn một ít để dành, rau xanh thiếu quá, mà bà con mình không tự giác đi test nhanh thì Sa Huỳnh còn lâu mới mở cửa trở lại”.

MỚI - NÓNG